(QBĐT) - Vụ đông-xuân 2024-2025, huyện Quảng Ninh gieo trồng 5.200ha lúa, 200ha ngô, 100ha khoai lang, 250ha lạc, 350ha sắn... Hiện, các địa phương đang tích cực hướng dẫn người dân tập trung chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng sinh trưởng và phát triển đạt năng suất, sản lượng cao.
Toàn huyện gieo trồng 5.200ha lúa với cơ cấu giống lúa chủ yếu những loại giống cho năng suất cao và phù hợp với đặc thù địa phương, như: P6, các giống lúa lai, HT1, VNR20, TBR1, Xuân Mai, Đài Thơm 8... Trong đó, P6 và TBR1 là 2 loại giống được đánh giá phù hợp với đồng đất huyện Quảng Ninh nên được đưa vào sản xuất trên 60% diện tích toàn huyện.
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, ngay từ ngày mùng 6 Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, bà Nguyễn Thị Hương, thôn Nguyệt Áng, xã Tân Ninh đã khẩn trương ra đồng tỉa dặm, bón phân cho hơn 1ha lúa P6 của gia đình. Do thực hiện đúng lịch thời vụ, phòng trừ sâu bệnh kịp thời nên hiện nay cơ bản diện tích lúa của gia đình bà phát triển tốt, lên xanh đều.
Trên cánh đồng xã Võ Ninh, người dân cũng đang tập trung bón phân, chăm sóc lúa đông-xuân. Ông Nguyễn Văn Trung, thôn Hà Thiệp, xã Võ Ninh cho hay: “Đến thời điểm hiện tại, cây lúa và các loại rau màu đang sinh trưởng và phát triển tốt. Mong rằng từ nay đến cuối vụ thời tiết thuận lợi để có một vụ mùa bội thu, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân”.
![]() |
Vụ đông-xuân 2024-2025, huyện Quảng Ninh phấn đấu sản lượng lương thực ước đạt hơn 32.240 tấn. Để bảo đảm năng suất, sản lượng vụ đông-xuân đạt kế hoạch, UBND huyện đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn và các địa phương hướng dẫn người dân bảo đảm khung thời vụ; quan tâm cải tạo, tu sửa hệ thống kênh mương thủy lợi, bảo đảm nước tưới tiêu cho sản xuất. Các địa phương tập trung đưa các giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất phù hợp với từng chân đất, tăng tỷ lệ sử dụng giống xác nhận trên 60%; giảm lượng giống gieo trên đơn vị diện tích, nhằm tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Ninh Trần Đức Thuận cho biết, để bảo đảm cho nông dân sản xuất kịp thời vụ, đạt năng suất, sản lượng, ngay từ đầu vụ, phòng đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con sử dụng đa dạng các loại giống cây trồng, nguồn giống có năng suất, giá trị, phù hợp với nhu cầu thị trường; phối hợp thực hiện tốt công tác dự báo thời tiết, sâu bệnh để có kế hoạch phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng; hướng dẫn người dân bón phân đúng theo giai đoạn phát triển của cây trồng; sử dụng các loại phân có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng...
“Để sản xuất vụ đông-xuân đạt hiệu quả cao nhất, thời gian tới, người dân cần thường xuyên thăm đồng, kịp thời phòng trừ sâu bệnh gây hại ảnh hưởng đến năng suất cây trồng; theo dõi sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng để bón phân theo đúng quy trình kỹ thuật; áp dụng công nghệ sản xuất nhằm giảm giá thành, tăng lợi nhuận...”, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Ninh Trần Đức Thuận cho hay. |
Để cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, các chi nhánh thủy nông trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với các địa phương chủ động kiểm tra nguồn nước, xây dựng kế hoạch tưới tiêu hợp lý ngay từ đầu năm, có lịch tưới cụ thể để bảo đảm nguồn nước kịp thời phục vụ sản xuất. Nông dân huyện Quảng Ninh cũng đã tích cực áp dụng phương pháp cải tiến thâm canh SRI, giảm lượng giống lúa gieo trên một đơn vị diện tích để vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, hạn chế sâu bệnh vừa nâng cao năng suất thu hoạch; tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, đẩy mạnh chương trình xây dựng cánh đồng mẫu lớn, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm.
Theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, lúa đông-xuân trà chính vụ hiện đang giai đoạn đẻ nhánh, trà muộn đang gieo mạ mũi chông. Các loại cây trồng đang trong giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Thời gian gần đây, sáng sớm có sương mù thuận lợi cho các loại sâu bệnh trên cây trồng phát sinh gây hại. Trên địa bàn huyện hiện có 10ha lúa bị chuột gây hại, 15ha nhiễm bọ trĩ, 15ha nhiễm rệp muỗi, 5ha bị ốc bươu vàng gây hại... Ngoài ra, ở nhiều địa phương cũng đã xuất hiện bệnh sâu ăn lá trên cây rau.
Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, dự báo thời gian tới, sâu bệnh sẽ tiếp tục phát sinh gây hại trên lúa và các loại cây trồng khác. Để bảo vệ các loại cây trồng vụ đông-xuân, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Quảng Ninh đã hướng dẫn các địa phương và bà con nông dân tập trung, nỗ lực thực hiện có hiệu quả các biện pháp, như: Thường xuyên theo dõi, bám sát đồng ruộng để phát hiện sớm các loại sâu bệnh phát sinh, từ đó có biện pháp phòng trừ kịp thời, phù hợp. Khi sâu bệnh đến ngưỡng phải thực hiện phun trừ, khuyến cáo bà con nông dân sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
L.Chi