(QBĐT) - Ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết, phát triển rừng gỗ lớn (RGL) là một chủ trương mang tính đột phá, nằm trong kế hoạch tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2025 và đề án phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng gắn với trồng RGL tỉnh giai đoạn 2019-2025. Trồng RGL còn là giải pháp hiệu quả để tăng năng suất, sản lượng rừng trồng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu... Tuy nhiên, việc nhân rộng diện tích trồng RGL tại nhiều địa phương trong tỉnh thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, rất cần được chung tay tháo gỡ...
Trồng rừng gỗ lớn cho hiệu quả cao hơn rừng gỗ nhỏ
Là địa phương sớm “đi đầu” trong việc bắt tay triển khai thực hiện chứng chỉ rừng bền vững (FSC) và trồng RGL, đến nay, xã Kim Thủy (Lệ Thủy) đã có nhiều tiến bộ rõ nét trong việc nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả ngành Lâm nghiệp.
Nổi bật, vào trung tuần tháng 2/2025, lần đầu tiên, Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Việt (TNV) tổ chức hội nghị đầu bờ nhằm tổng kết mô hình chuyển hóa rừng trồng keo từ gỗ nhỏ thông thường sang gỗ lớn ở hộ gia đình ông Hồ A Lai, người Bru-Vân Kiều, ở thôn Cồn Cùng, xã Kim Thủy (Lệ Thủy). Mô hình này được ông Hồ A Lai trồng vào đầu năm 2017, với diện tích 6,65ha. Đến tháng 8/2020, TNV và chủ rừng đã ký kết hợp đồng nhằm kéo dài thời gian trồng đủ 8 năm để chuyển hóa mô hình rừng keo gỗ nhỏ thành RGL.
![]() |
Thống nhất giữa hộ ông Hồ A Lai và TNV tại hội nghị cho thấy, tổng trữ lượng của lô rừng đạt gần 1.500m3, bình quân đạt hơn 222m3/ha; năng suất tăng trữ lượng đạt hơn 27,7m3/ha/năm. Ông Hồ A Lai phấn khởi nhẩm tính: “Gia đình tôi thực hiện trồng rừng kinh tế được nhiều mùa vụ rồi. Bình quân mỗi vụ trồng keo, sau khoảng thời gian 4 năm thì gia đình tiến hành thu hoạch, bán ra với giá hơn 60 triệu đồng/ha. Như vậy, bình quân mỗi ha rừng keo trước đây chỉ mang lại thu nhập từ 15-17 triệu đồng/năm (chưa trừ chi phí cây giống, phân bón, ngày công chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch...). Ở lứa keo này, gia đình quyết định ký kết với TNV để chuyển hóa từ mô hình rừng keo gỗ nhỏ thành RGL. Hiện, thương lái đã đặt cọc để mua toàn bộ số diện tích RGL này với giá rất cao. Sau khi trừ toàn bộ chi phí, tôi nhẩm tính lô RGL này mỗi năm thu về lãi ròng gần 22 triệu đồng/ha/năm, cao hơn nhiều so với trồng rừng gỗ nhỏ thông thường như trước đây...”.
Tương tự hộ ông Hồ A Lai, hiện trên địa bàn tỉnh, một số hộ trồng rừng đã mạnh dạn chuyển hóa một số diện tích rừng gỗ nhỏ sang RGL để gia tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích.
Nhiều khó khăn trong nhân rộng rừng gỗ lớn
Toàn tỉnh hiện có trên 130.000ha diện tích đất lâm nghiệp và rừng trồng. Đây chính là điều kiện để người dân, doanh nghiệp trong tỉnh phát triển trồng RGL, rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC, đáp ứng nhu cầu chế biến gỗ tinh sâu, nâng cao đời sống.
![]() |
Chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong việc đẩy mạnh nhân rộng mô hình chuyển hóa và trồng RGL, một số chủ rừng trên địa bàn tỉnh lý giải, hiện nay, do nhiều diện tích đất trồng rừng có vị trí nằm xa so với nơi ở của người dân, địa hình hẻo lánh, không có đường giao thông, khó đi lại nên công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ, tỉa thưa, khai thác, vận chuyển, phòng cháy chữa cháy gặp rất nhiều rào cản, trở ngại.
“Để nâng cao năng suất, sản lượng, giá trị, hiệu quả kinh tế của ngành Lâm nghiệp, những năm gần đây, địa phương đã tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng và TNV hoàn tất các bước để cấp chứng chỉ FSC đối với hơn 1.200ha rừng. Bên cạnh đó, tận dụng sự hỗ trợ về nguồn vốn, cây giống, phân bón, kỹ thuật..., đến nay, các hộ trồng rừng ở xã Kim Thủy đã thực hiện được trên 400ha rừng RGL (toàn bộ đều trồng keo cấy mô). Đáng mừng là đã có những hộ quyết định tỉa thưa rừng gỗ nhỏ thông thường và kéo dài thời gian chăm sóc để chuyển hóa thành RGL nhằm gia tăng hiệu quả kinh tế.”, ông Hồ Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Thủy (Lệ Thủy) chia sẻ. |
Chưa kể, việc bỏ ra một quãng thời gian từ 10-12 năm để trồng RGL thay cho việc trồng rừng gỗ nhỏ từ 4-5 năm như hiện nay cũng khiến phần đa hộ trồng rừng (đặc biệt là đối với các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số...) gặp khó về thu hồi nguồn vốn nhằm trang trải cuộc sống, lo cho con ăn học, xoay vòng nguồn vốn để tái sản xuất. Ngoài ra, do chu kỳ trồng, chăm sóc RGL khá dài nên nhiều hộ trồng rừng rất lo lắng khi thiên tai gây thiệt hại sẽ dẫn tới “trắng tay” trong phút chốc...
“Đa số các hộ trồng rừng như chúng tôi đều nhận thức rõ trồng RGL sẽ mang lại hiệu quả cao hơn so với trồng gỗ nhỏ thông thường. Tuy nhiên, nếu được Nhà nước, doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ mạnh mẽ trong vấn đề về cây giống, phân bón, đường giao thông phục vụ phát triển lâm nghiệp, giá cả đầu ra cho sản phẩm... thì sẽ thu hút thêm nhiều hộ cùng tham gia trồng RGL. Đặc biệt, Nhà nước, doanh nghiệp cần có chính sách hỗ trợ, ưu đãi về vay vốn để người trồng rừng “bám trụ” được với RGL đến thời kỳ khai thác, có như thế thì hiệu quả về kinh tế mới thực sự phát huy...”, ông Hoàng Văn Xuân, một hộ trồng RGL ở thôn Rào Đá, xã Trường Xuân (Quảng Ninh) mạnh dạn đề xuất thêm.
Văn Minh