Cánh đồng "không dấu chân"…

  • 08:02, 18/02/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Với sự đồng hành của nhà nông, nhà nước và doanh nghiệp, trên những cánh đồng ở xã Xuân Thủy (Lệ Thủy) đã áp dụng liên kết trồng lúa theo hướng hữu cơ và đồng bộ cơ giới hóa vào sản xuất nhằm thay thế cho sức lao động của người nông dân, từ đó, tạo nên những cánh đồng “không dấu chân”...
 
Từ tích tụ ruộng đất…
 
Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Xuân Lai (HTX Xuân Lai), xã Xuân Thủy Hoàng Xuân Sự cho biết, xưa, những xứ đồng như “Hoang Cồn Vụng”, “Liên Thủy” xen canh giữa xã Xuân Thủy, Phú Thủy được xem là những vùng đất “tử địa” trồng lúa, bởi, đất lúa ở đây không có trong quy hoạch, nông dân sản xuất lúa theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Giờ, cây lúa ở đây đang vươn mình trỗi dậy và trở thành “hình mẫu” cho nông dân khắp các địa phương trong và ngoài tỉnh đến học tập, làm theo…
 
Câu chuyện về hành trình hình thành cánh đồng “không dấu chân” nơi xứ đồng Xuân Lai được Giám đốc HTX Xuân Lai Hoàng Xuân Sự kể rằng, năm 2024, anh Trần Duy Khánh (SN 1989), thôn Xuân Lai, xã Xuân Thủy có ý tưởng thuê đất sản xuất lúa của người dân để thực hiện dự án cánh đồng lớn “không dấu chân”. Nghĩa là, quy trình sản xuất được thực hiện theo quy mô, diện tích lớn; có liên kết bao tiêu sản phẩm, áp dụng cơ giới hóa 100% từ khâu làm đất, xuống giống, bón phân, phun thuốc, thu hoạch…
 
“Trên cánh đồng lúa sẽ không có dấu chân của người nông dân; đồng thời người nông dân không còn phải dầm mưa, đội nắng, còng lưng nhổ cỏ, dặm lúa, phun thuốc bảo vệ thực vật. Cánh đồng lúa “không dấu chân” nếu được thực hiện có thể ví von là hiện đại nhất vùng quê lúa Lệ Thủy…”, Giám đốc HTX Xuân Lai cho hay.
Dùng máy bay không người lái vào phục vụ sản xuất trên cánh đồng “không dấu chân”.
Dùng máy bay không người lái vào phục vụ sản xuất trên cánh đồng “không dấu chân”.
Và, để hiện thực hóa giấc mơ cánh đồng lớn “không dấu chân”, đó là sự nỗ lực lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương xã Xuân Thủy, của HTX Xuân Lai trong việc tuyên truyền, vận động người dân giải “bài toán” tích tụ ruộng đất…
 
“Tư duy làm lúa của người nông dân trước đây có thể nói là yếu và người dân chỉ biết “ruộng tôi, tôi làm gì thì làm, không giao lại cho ai cả và không cho dồn điền, đổi thửa” cho dù các xứ đồng thực hiện dự án cánh đồng lớn được lựa chọn là những địa điểm gặp nhiều khó khăn trong sản xuất lúa…”, Giám đốc HTX Hoàng Xuân Sự cho biết.
 
Trước thực tế đó, HTX Xuân Lai cùng Ban công tác Mặt trận thôn đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân với phương châm “hộ nào không còn sức lao động thì giao ruộng lại cho thôn, hộ nào còn sức lao động thì thực hiện dồn điền, đổi thửa”. Hơn mười cuộc họp giữa HTX Xuân Lai và 193 hộ dân có ruộng trên những xứ đồng đã diễn ra sôi nổi, nhiều khi là quyết liệt. Đa số người dân đã đồng ý tích tụ ruộng đất để thực hiện dự án nhưng vẫn còn 11 hộ dân không đồng ý. 
 
“Rồi cán bộ HTX lại phải đi, gõ cửa từng nhà chưa đồng ý để vận động và cùng với sự can thiệp của chính quyền địa phương. Nhờ đó, dự án cánh đồng lớn “không dấu chân” ở HTX Xuân Lai mới được hiện thực hóa. Và, có thể nói giải “bài toán” tích tụ ruộng đất ở HTX Xuân Lai được xem như một cuộc cách mạng mất rất nhiều công sức…”, Giám đốc HTX Xuân Lai thông tin.
 
Đến cánh đồng lớn…
 
Bén duyên với cây lúa đã lâu nhưng để hết mình dấn thân cùng cây lúa, anh Trần Duy Khánh chỉ bắt đầu thực hiện từ năm 2024, nói chính xác hơn là từ vụ đông-xuân 2023-2024. Thành công trong việc thực hiện tích tụ ruộng đất, giấc mơ cánh đồng lớn “không dấu chân” của Khánh bắt đầu được hình hài.
 
Đầu năm 2024, anh Khánh thuê lại hơn 22ha ruộng với thời hạn 5 năm của HTX Xuân Lai và mỗi năm trả 50kg/sào lúa cho người nông dân; đồng thời liên kết với Công ty CP Tổng Công ty Sông Gianh, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh sản xuất lúa Hương Bình chất lượng cao theo hướng hữu cơ ứng dụng cơ giới hóa và bao tiêu sản phẩm.
 
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy Nguyễn Chí Trãi cho hay, Lệ Thủy hiện có diện tích cánh đồng lúa lớn trên 4.000ha; hơn 3.180ha ứng dụng kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI. Hiện, việc đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp từ khâu làm đất, xuống giống, bón phân và thu hoạch đã giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực làm nông nghiệp, thúc đẩy sự liên kết giữa các doanh nghiệp, HTX với nông dân, hướng tới nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại…
“Trên diện tích đất ruộng lúa thuê của người nông dân, tôi đã áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, thay thế sức lao động của con người, tạo nên những cánh đồng lúa “không dấu chân”. Đặc biệt, tôi triển khai thực hiện ứng dụng thiết bị bay không người lái để tiến hành gieo sạ, rải phân và phun thuốc bảo vệ thực vật. Hiệu quả bước đầu của cánh đồng “không dâu chân” đó là giải phóng sức lao động cho nông dân, giảm thời thời gian gieo sạ, giống, mật độ gieo bảo đảm; đồng thời giảm chi phí nhân công dặm tỉa, bón phân, phun thuốc...”, anh Trần Duy Khánh chia sẻ.
 
Vụ đông-xuân năm 2023-2024, Công ty CP Tổng Công ty Sông Gianh đã cung ứng toàn bộ giống, phân bón và các vật tư, máy móc để bảo đảm cho quá trình sản xuất lúa khép kín, quy mô lớn của anh Khánh. Vụ đó, anh Khánh sản xuất được 154 tấn lúa tươi, giá bán lúa hơn 7.000đ/kg, thu về hơn 1 tỷ đồng, lãi khoảng 300 triệu đồng…
 
Vụ đông-xuân năm nay, với diện tích đất lúa hiện có, anh Khánh tiếp tục liên kết với Công ty TNHH Nông lâm Đông Nam và các cơ quan thực hiện cánh đồng lớn “không dấu chân”. Hiện, anh đã chuyển từ giống lúa chất lượng cao Hương Bình sang trồng lúa Hà Phát 3.
 
“Qua thực tế thực hiện cánh đồng “không dấu chân” cho thấy, việc gieo sạ, bón phân bằng máy bay không người lái nhanh hơn, đều hơn, lượng giống ít hơn gieo cấy theo phương thức truyền thống; đồng thời giải phóng sức lao động cho người nông dân khi cắt giảm các khâu gieo sạ, tỉa dặm, bón phân, từ đó, giảm chi phí sản xuất, từng bước chuyển sản xuất lúa từ số lượng sang chất lượng, giá trị theo chuỗi...”, anh Khánh thông tin.
Ngọc Hải

tin liên quan

ảnh 02
ảnh 02
anh
Cựu chiến binh đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh
Cựu chiến binh đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh

(QBĐT) - Sáng 18/2, Câu lạc bộ Doanh nghiệp, doanh nhân Cựu chiến binh tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết công tác hội năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. 

Kiên quyết thu hồi các dự án không cần thiết để tập trung cho những dự án cấp bách
Kiên quyết thu hồi các dự án không cần thiết để tập trung cho những dự án cấp bách

(QBĐT) - UBND tỉnh vừa có văn bản yêu cầu khẩn trương rà soát các công trình, dự án chậm tiến độ, tồn đọng kéo dài trên địa bàn tỉnh; thu hồi, loại bỏ các dự án không cần thiết để tập trung cho những dự án cấp bách…