Chủ động cung ứng thực phẩm dịp Tết

  • 07:01, 23/01/2025
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đang đến gần, nhu cầu thực phẩm của người dân sẽ tăng cao. Thời điểm này, các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, trang trại, nông hộ chăn nuôi... trên địa bàn tỉnh đã sẵn sàng cung ứng sản phẩm chăn nuôi (thịt gia súc, gia cầm) nhằm phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trước, trong và sau Tết.
 
Theo các trang trại, hộ chăn nuôi, vài tháng trở lại đây, giá thịt lợn hơi và giá gia cầm có chiều hướng tăng đã góp phần tạo tâm lý yên tâm cho người dân trong việc tái đàn, mở rộng sản xuất. Trang trại ông Mai Xuân Hải, thôn Tiền Phong, xã Thanh Trạch (Bố Trạch) chăn nuôi lợn với quy mô 120 con lợn nái và 1.000 con lợn thịt. Cách đây 4 tháng, ông đã tái đàn với hơn 500 con lợn thịt để cung ứng nguồn thực phẩm chăn nuôi cho dịp Tết Nguyên đán.
 
Ông Mai Xuân Hải cho biết: Dịp Tết năm nay, gia đình sẽ xuất bán gần 500 con lợn. Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, có sản phẩm bán đúng dịp Tết, tôi luôn chú trọng đến chế độ dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của đàn lợn, chú trọng công tác tiêm phòng vắc-xin phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và vệ sinh tiêu độc chuồng trại nhằm hạn chế nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Những tháng cuối năm nay, giá lợn hơi tăng cao (68.000-70.000 đồng/kg) nên người chăn nuôi lợn đều sẽ có lãi từ 1-1,5 triệu đồng/con. Hiện, các thương lái đã đặt hàng phục vụ thị trường Tết và trang trại đang xuất bán dần để tái đàn vụ nuôi mới.
Nhiều trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh đã sẵn sàng để cung ứng lợn thương phẩm cho thị trường Tết.
Nhiều trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh đã sẵn sàng để cung ứng lợn thương phẩm cho thị trường Tết.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Trạch Lê Thanh Hà cho biết: “Là địa phương có hoạt động chăn nuôi phát triển với gần 22 trang trại chăn nuôi và nhiều gia trại nhỏ. Vì vậy, trước khi người dân thực hiện tái đàn để phục vụ nhu cầu dịp Tết, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền và tổ chức tập huấn để người dân chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm cũng như kịp thời cung cấp thông tin về nhu cầu thị trường, dự báo giá các loại thịt gia súc, gia cầm... Hy vọng giá cả sản phẩm chăn nuôi gia súc, gia cầm ổn định để người chăn nuôi yên tâm tái đàn trong thời gian tới.
 
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy Lê Văn Tân cho biết: Huyện hiện có tổng đàn trâu gần 5.500 con, đàn bò 11.775 con, đàn lợn 40.850 con, đàn gia cầm hơn 2 triệu con… Nhằm chuẩn bị nguồn cung thực phẩm chăn nuôi phục vụ thị trường Tết, từ tháng 9/2024, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn người dân định hướng phát triển con nuôi, số lượng đàn theo dự báo nhu cầu thị trường, tránh tái đàn ồ ạt, đề phòng rớt giá.
 
Gia đình anh Nguyễn Văn Hùng, thành viên HTX gà đồi Thái Thủy (Lệ Thủy) là một trong những hộ có thâm niên trong chăn nuôi gia cầm. Mỗi năm, gia đình anh nuôi 3 lứa, riêng đối với lứa cuối năm, anh tăng đàn gấp đôi, khoảng 2.500-3.000 con. Anh Hùng cho biết: Gà của HTX được chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, chúng tôi luôn tuân thủ bảo đảm vệ sinh chuồng trại, thức ăn cho gà chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp kèm với thức ăn tổng hợp nên chất lượng thịt thơm ngon nên dễ tiêu thụ. Hiện, hầu hết số lượng gà nuôi của gia đình đã được các thương lái và bà con quanh vùng đặt mua gần hết. Với giá bán 90.000 đồng/kg, nếu bán hết thì đàn gà cho lãi khoảng 55- 60.000 triệu đồng.
 
Hiện, toàn tỉnh có 427 trang trại chăn nuôi, trong đó có 7 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, 96 trang trại quy mô vừa và 324 trang trại quy mô nhỏ; hơn 141.092 hộ chăn nuôi với số lượng vật nuôi chiếm khoảng 75% tổng đàn vật nuôi toàn tỉnh.

Hiện, toàn tỉnh có gần 93.000 con trâu, bò (các giống bò cho năng suất, chất lượng thịt cao được đưa vào chăn nuôi, như: Brahman, Senepol, BBB, Droughmaster, Angus, Charolais...); 272.000 con lợn và hơn 6 triệu con gia cầm. Vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi có thể tăng thêm từ 10-30% so với ngày thường. Từ những tín hiệu của thị trường, dự báo nguồn cung thịt gia súc, gia cầm trong những tháng cuối năm trên địa bàn tỉnh sẽ không thiếu.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Trần Công Tám cho biết: Để bảo đảm nguồn cung ứng thực phẩm chăn nuôi dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán, chi cục đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị liên quan tăng cường thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động mua bán, giết mổ động vật; xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh. 
 
Cùng với đó, sở cũng khuyến cáo người chăn nuôi chú trọng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, theo hướng an toàn sinh học, bảo đảm chất lượng và phát triển theo chuỗi liên kết từ khâu chăn nuôi đến giết mổ, sơ chế, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, theo dõi diễn biến của thời tiết để chăm sóc, phát hiện sớm những biểu hiện bất thường trên đàn vật nuôi; chủ động cập nhật thông tin về tình hình thị trường để chủ động trong việc xuất bán, bảo đảm chăn nuôi đạt hiệu quả cao, góp phần ổn định nguồn cung thực phẩm cho thị trường dịp cuối năm.
Thanh Hoa

tin liên quan

ảnh 02
ảnh 02
anh
Danh sách người nộp thuế nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước
Danh sách người nộp thuế nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước

(QBĐT) - Cục Thuế tỉnh Quảng Bình vừa ban hành thông báo số 187/TB-CTQBI về việc công khai danh sách người nộp thuế nợ tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước.

Trích từ nguồn vượt thu ngân sách để hỗ trợ các địa phương xóa nhà tạm, nhà dột nát
Trích từ nguồn vượt thu ngân sách để hỗ trợ các địa phương xóa nhà tạm, nhà dột nát

(QBĐT) - UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 182/QĐ-UBND về việc trích từ nguồn "vượt thu ngân sách tỉnh năm 2022" để hỗ trợ cho các địa phương thực hiện chính sách xóa nhà tạm, nhà dột nát (đợt 2).