(QBĐT) - Thực hiện cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, năm qua, ngành Công thương tiếp tục triển khai nhiều nội dung, hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Nhờ vậy, người tiêu dùng đã có sự chuyển biến lớn trong nhận thức và hành động, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất nội địa.
Hàng Việt chiếm ưu thế
Theo Sở Công thương, qua khảo sát thị trường nội địa, đa số các chợ, siêu thị, quầy bách hóa tổng hợp, doanh nghiệp đầu mối trên địa bàn tỉnh phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân chủ yếu là hàng Việt Nam. Tỷ lệ hàng Việt trong tiêu dùng của người dân ngày càng cao, chiếm trên 85% và trở thành kênh hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu trong tiêu dùng hàng ngày của nhân dân.
Ông Hồ Văn Son, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã TMDV Thống Nhất (TX. Ba Đồn) khẳng định: “Ở siêu thị Thái Hậu của hợp tác xã, hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ 90%. Nhìn chung, tâm lý tiêu dùng hướng về các sản phẩm đạt các chứng nhận như OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu (CNNTTB). Chúng tôi đã nhận định xu hướng tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán 2025 để phổ biến cho nhân viên có kiến thức tư vấn khách hàng, hướng về các sản phẩm đạt chuẩn hơn nữa với giá cả phù hợp, nâng cao hiệu quả kinh doanh.”
![]() |
Giám đốc siêu thị Co.opmart Quảng Bình Lương Thị Kiều Lan Chi cho biết: Hưởng ứng CVĐ, năm 2024, Co.opmart tổ chức 4 chuyến bán hàng lưu động đưa hàng Việt về nông thôn. Định kỳ tháng 9 hàng năm, siêu thị tổ chức chương trình khuyến mãi “Tự hào hàng Việt” với mức giảm giá lên đến 50% cùng nhiều quà tặng hấp dẫn kèm theo, thu hút sự tham gia của rất nhiều người tiêu dùng… Hiện, hàng Việt chiếm khoảng hơn 90% tại siêu thị; sản phẩm được cải tiến với bao bì đẹp, bắt mắt, được kiểm duyệt, chứng nhận chất lượng rõ ràng hay đạt nhiều giải thưởng, chỉ tiêu quốc tế nên tạo dựng niềm tin vững chắc trong lòng người Việt.
Ở các chợ nông thôn, sức tiêu thụ hàng Việt trở nên sôi động hơn, tâm lý tiêu dùng hàng nội đã trở thành thói quen của người dân. Chị Nguyễn Thị Nga ở phường Ba Đồn (TX. Ba Đồn) chia sẻ: “Thu nhập của gia đình vừa phải nên chúng tôi chưa có điều kiện mua hàng ngoại chất lượng tốt vì giá quá cao, một số mặt hàng giá thấp thì sợ rằng chất lượng không bảo đảm. Vì vậy, trong mua sắm, tôi vẫn ưu tiên, lựa chọn hàng Việt Nam. Tôi thấy hàng Việt chất lượng ngày càng được nâng cao, mẫu mã ngày càng đẹp mà giá cả vừa phải, hợp lý”.
Kết quả của sự bền bỉ
Năm 2024, Sở Công thương thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, lồng ghép nội dung trong các hội nghị, tại các đơn vị, địa phương trong tỉnh. Ngoài phổ biến về ý nghĩa của CVĐ, các văn bản, quy định liên quan, ngành còn chú trọng tuyên truyền, quảng bá sản phẩm hàng hóa, dịch vụ Việt Nam, hàng OCOP, hàng CNNTTB của tỉnh tới người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Công tác quản lý nhà nước và hoạt động của các doanh nghiệp trong việc thực hiện CVĐ luôn được chú trọng. Theo Trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công thương Nguyễn Ngọc Hải, sở đã hướng dẫn, chỉ đạo, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tổ chức các chương trình khuyến mại, giảm giá, tri ân khách hàng nhằm kích cầu tiêu dùng, chương trình người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; tham mưu đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn…
Trong năm 2024, bằng nguồn vốn từ ngân sách Trung ương và địa phương, sở đã hỗ trợ đầu tư cho 9 đơn vị xây dựng cửa hàng tiện ích bán hàng Việt, nâng tổng số lên 45 điểm bán hàng Việt trên địa bàn toàn tỉnh… Đây được xem là những “cánh tay nối dài” đưa hàng Việt chất lượng đến tận tay người tiêu dùng. |
Ước năm 2024, sở đã cập nhật theo dõi thông báo khuyến mãi cho hơn 20.000 chương trình khuyến mãi, tiếp nhận và giải quyết 5 hồ sơ đăng ký tổ chức hội chợ, triển lãm thương mại trên địa bàn tỉnh.
Với sự kiên trì, bền bỉ trong thực hiện, CVĐ đã tạo được bước chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện, như: Nguồn kinh phí Trung ương và địa phương cấp cho các hoạt động về CVĐ rất thấp. Các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hầu hết có quy mô còn nhỏ lẻ, hạn chế về năng lực tài chính và quản lý, thị trường không ổn định;...
Mạng lưới doanh nghiệp đầu mối, bao tiêu sản phẩm còn thiếu và yếu cả về quy mô lẫn nguồn lực tài chính vì vậy chưa phát huy được hết vai trò đầu mối hỗ trợ doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Việc đầu tư các trang thiết bị, công nghệ mới để nâng cao chất lượng, bao bì, nhãn mác đóng gói của các sản phẩm mặt hàng tiêu dùng được sản xuất trong tỉnh đang gặp nhiều khó khăn do thiếu vốn, khả năng tiếp cận thông tin thị trường hạn chế nên chưa cạnh tranh được với hàng hóa khác ở trong và ngoài nước…