Quyết tâm hoàn thành thắng lợi sản xuất nông nghiệp cả năm 2025

  • 03:12, 10/12/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sáng nay, 10/12, tại kỳ họp thứ 19 (kỳ họp thường lệ cuối năm 2024), HĐND tỉnh khóa XVIII, trong phiên chất vấn, các đại biểu Võ Xuân Bảy, Ngô Thị Nhung, Nguyễn Xuân Hoàn đã chất vấn ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) về 3 vấn đề: Giải pháp để tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy hải sản và việc chuẩn bị triển khai hiệu quả, thực hiện thắng lợi vụ đông-xuân sau ảnh hưởng của ngập lụt; kết quả triển khai thí điểm việc bán tín chỉ carbon và giải pháp trong thời gian tới; thủ tục hành chính liên quan đến việc nhận tiền hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản trên các vùng biển xa theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ.
 
Trả lời về các vấn đề chất vấn của các đại biểu, Giám đốc Sở NN-PTNT Trần Quốc Tuấn cho biết: 
Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT Trần Quốc Tuấn trả lời chất vấn của đại biểu HĐND.
Giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn Trần Quốc Tuấn trả lời chất vấn của đại biểu HĐND.
Chủ động phục hồi sản xuất nông nghiệp sau ngập lụt
 
Sau ảnh hưởng của bão Trami gây ngập lụt và thiệt hại 600 tỷ đồng cho ngành Nông nghiệp, các giải pháp khôi phục sản xuất đã được triển khai đồng bộ. Sở NN-PTNT đã tham mưu UBND tỉnh đề nghị các bộ, ngành hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi; đồng thời cử cán bộ về địa phương nắm tình hình, hướng dẫn khôi phục rau màu. Trước mắt, tập trung sản xuất cây ngắn ngày, rau màu để nhanh chóng thu hoạch, đồng thời chuẩn bị cho vụ đông-xuân 2024-2025-vụ sản xuất chính chiếm 2/3 sản lượng lương thực cả năm.
 
Sở đã chỉ đạo các đơn vị dịch vụ cung ứng giống và vật tư đầu vào đầy đủ, chất lượng, với hơn 2.000 tấn lúa, chiếm 65-70% tổng lượng giống, cùng 150 tấn lạc, 35 tấn ngô... Đồng thời, các địa phương được hướng dẫn lịch thời vụ, cơ cấu giống ưu tiên các loại ngắn ngày, năng suất cao. Sở cũng chuẩn bị cơ số giống dự phòng để kịp gieo lại khi cần thiết. Giá giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật năm nay giảm nhẹ, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đầu tư sản xuất. Ngoài ra, toàn dân được phát động làm thủy lợi, tu bổ kênh mương, hồ đập; hệ thống nước tưới được bảo đảm với dung tích các hồ đạt 96% thiết kế. Các địa phương cũng nhận được hỗ trợ thuốc diệt chuột để kiểm soát dịch hại đầu vụ. Lịch gieo lúa được xác định từ 25/12 đối với trà đầu, đại trà từ 10-15/1 và kết thúc 25/1/2025, cùng yêu cầu tuân thủ nghiêm lịch thời vụ để bảo đảm năng suất. 
Đại biểu Võ Xuân Bảy chất vấn tại kỳ họp 19, HĐND tỉnh khóa XVIII.
Đại biểu Võ Xuân Bảy chất vấn tại kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa XVIII.
Đối với chăn nuôi, sở đã hướng dẫn xử lý xác gia súc, gia cầm bị chết và hỗ trợ hóa chất tiêu độc, khử trùng môi trường. Đồng thời, đề nghị Cục Chăn nuôi hỗ trợ con giống chất lượng, an toàn dịch bệnh để tái đàn, tập trung chăm sóc vật nuôi, phòng chống đói rét, dịch bệnh và thúc đẩy chăn nuôi trang trại an toàn, ứng dụng công nghệ hiện đại. Sở cũng khuyến khích phát triển sản phẩm chăn nuôi hữu cơ, sinh học, thân thiện với môi trường.
 
Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, các ao hồ bị sạt lở đã được chỉ đạo sửa chữa, bảo đảm điều kiện thả nuôi vụ tiếp theo. Thủy sản đạt kích cỡ thương phẩm, nhất là tại vùng thấp trũng, được thu hoạch kịp thời để đáp ứng nguồn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán. Song song đó, sở tập trung nâng cao năng suất, hiệu quả nuôi trồng thủy sản chủ lực thông qua ứng dụng khoa học kỹ thuật, quản lý chặt chẽ giống và phòng chống dịch bệnh. Các hoạt động nuôi biển, lồng bè trên hồ chứa cũng được đẩy mạnh, ưu tiên các đối tượng có giá trị kinh tế cao. 
Ngành Nông nghiệp-PTNT Quảng Bình đẩy mạnh các hoạt động nuôi biển, lồng bè trên hồ chứa, ưu tiên các đối tượng có giá trị kinh tế cao.
Ngành Nông nghiệp đẩy mạnh các hoạt động nuôi biển, lồng bè trên hồ chứa, ưu tiên các đối tượng có giá trị kinh tế cao.
Đặc biệt, để tránh sử dụng giống và vật tư kém chất lượng, sở đã thành lập đoàn kiểm tra, kiên quyết xử lý vi phạm. Đồng thời, khuyến khích các địa phương tăng cường sản xuất rau và chuyển đổi linh hoạt đất kém hiệu quả sang các loại cây như sen, mít ruột đỏ, na Thái, dừa, cam, bưởi và dược liệu nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, tạo nền tảng vững chắc cho sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.
 
Thí điểm việc bán tín chỉ carbon 
 
Quảng Bình là một trong 6 tỉnh thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính theo thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ (ERPA) theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Nhờ sự quan tâm và chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, tỉnh đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BV-PTR) tỉnh Quảng Bình đã chi trả 170,7 tỷ đồng, đạt 93,4% kế hoạch.
 
Các đối tượng được chi trả bao gồm Ban Quản lý (BQL) rừng đặc dụng, phòng hộ, các công ty nông lâm nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân, UBND xã và các tổ chức khác được giao quản lý rừng tự nhiên. Trong đó, 11.347 hộ gia đình, cá nhân quản lý hơn 47.290ha rừng nhận được 14,164 tỷ đồng; 64 cộng đồng dân cư quản lý hơn 11.515ha rừng nhận được 4,2 tỷ đồng. Chính sách này không chỉ hỗ trợ phát triển sinh kế mà còn nâng cao đời sống cho các hộ dân, cá nhân và cộng đồng trên địa bàn. 
Đại biểu Ngô Thị Nhung chất vấn tại kỳ họp 19, HĐND tỉnh khóa XVIII.
Đại biểu Ngô Thị Nhung chất vấn tại kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa XVIII.
Nguồn kinh phí ERPA còn giúp các chủ rừng tăng cường lực lượng bảo vệ rừng thông qua hợp đồng khoán với 73 cộng đồng, quản lý 86.773ha rừng với số tiền gần 44,25 tỷ đồng. Ngoài ra, 86 cộng đồng khác được hỗ trợ sinh kế với tổng số tiền 4,3 tỷ đồng, góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn như sửa chữa đường giao thông, nhà văn hóa, hệ thống loa phát thanh, đường điện chiếu sáng và hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi. Các công trình quy mô nhỏ này đã tạo điều kiện thuận lợi cho đời sống người dân. Quỹ BV-PTR tỉnh cũng hỗ trợ 4,35 tỷ đồng cho 5 BQL rừng phòng hộ và 2 công ty lâm nghiệp để xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, giảm nhẹ gánh nặng ngân sách nhà nước.
 
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai ERPA, một số khó khăn, vướng mắc đã phát sinh. Một số chủ rừng là tổ chức hoặc UBND xã với diện tích rừng nhỏ, số tiền nhận ít, chưa thực sự quan tâm đến việc mở tài khoản hoặc lập kế hoạch tài chính. Một số đơn vị chưa cung cấp đủ thông tin tài khoản hoặc giấy đề nghị chuyển tiền, gây khó khăn trong việc chi trả. Với các hộ gia đình, cá nhân ở vùng sâu, vùng xa, việc mở tài khoản ngân hàng gặp trở ngại do điều kiện đi lại khó khăn và sự thiếu quan tâm. Thêm vào đó, một số thông tin tài khoản không khớp với tên chủ tài khoản hoặc thiếu giấy ủy quyền hợp lệ. Một số hộ có sự khác biệt giữa tên chủ hộ trên sổ đỏ và người trực tiếp bảo vệ rừng, do tự ý chuyển nhượng, làm phức tạp quá trình rà soát và chi trả đúng đối tượng. 
Đại biểu Nguyễn Xuân Hoàn chất vấn tại kỳ họp 19, HĐND tỉnh khóa XVIII.
Đại biểu Nguyễn Xuân Hoàn chất vấn tại kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa XVIII.
Để khắc phục, tỉnh Quảng Bình đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Chi cục Kiểm lâm được chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các chủ rừng bảo vệ và quản lý diện tích rừng hiện có, qua đó nâng cao giá trị kinh tế, môi trường, xã hội, quốc phòng-an ninh. Các tổ chức và UBND xã cần đẩy nhanh xây dựng kế hoạch tài chính và bảo đảm chi trả nguồn ERPA đúng đối tượng, minh bạch, kịp thời.
 
Bên cạnh đó, cần tập huấn, hướng dẫn chi tiết quy trình chi trả cho các bên liên quan để tăng tốc độ thực hiện; phối hợp với UBND cấp xã hỗ trợ người dân mở tài khoản, khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt hoặc qua bưu chính công ích; đẩy mạnh truyền thông trên báo chí, truyền hình để nâng cao nhận thức cộng đồng về ERPA; điều tra rừng, đặc biệt trữ lượng carbon, tạo cơ sở tham gia thị trường tín chỉ carbon, bổ sung nguồn kinh phí cho quản lý rừng và sinh kế người dân.
 
Tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân 
 
Trong những năm qua, chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác trên vùng biển xa theo Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã được ngư dân tỉnh nhà tích cực hưởng ứng. Chính sách này không chỉ giúp ngư dân vươn khơi bám biển mà còn góp phần cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập và đảm bảo quốc phòng-an ninh.  
Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Hải Châu đồng tình và đánh giá cao nội dung chất vấn, trả lời chất vấn của đại biểu nhóm vấn đề nông nghiệp, nông thôn.
Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Hải Châu đồng tình và đánh giá cao nội dung chất vấn, trả lời chất vấn của đại biểu nhóm vấn đề nông nghiệp, nông thôn.
Theo quy định, để được hỗ trợ, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sau mỗi chuyến biển cần lập hồ sơ gửi Chi cục Thủy sản để tổng hợp và chuyển Tổ thẩm định tỉnh thẩm định. Ngư dân có thể lựa chọn nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua bưu chính. Nếu nộp trực tiếp, bà con có thể nộp theo từng chuyến hoặc gộp tất cả các chuyến (tối đa 4 chuyến/năm) để tiết kiệm thời gian và chi phí. 
 
Tuy nhiên, cử tri phản ánh rằng việc làm thủ tục chi trả còn phát sinh thời gian và chi phí đi lại. Trước thực tế đó, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn chi tiết các phương thức nộp hồ sơ nhằm tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian và chi phí cho bà con ngư dân trong thời gian tới.
 
Đồng tình và tán thành với nội dung chất vấn, trả lời chất vấn của đại biểu và lãnh đạo Sở NN-PTNT về nhóm vấn đề nông nghiệp, nông thôn, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Hải Châu đã làm rõ thêm một số nội dung và có các ý kiến chỉ đạo cụ thể để tiếp tục nâng cao chất lượng hiệu các hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. 
Nội Hà (thực hiện)
 

tin liên quan

Thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch
Thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch

(QBĐT) - Đó là ý kiến của đại biểu Ngô Thị Nhung, Tổ đại biểu huyện Quảng Ninh tại phiên thảo luận kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa XVIII (kỳ họp thường lệ cuối năm 2024) diễn ra vào sáng 10/12.

Quảng Bình tham dự hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn
Quảng Bình tham dự hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn

(QBĐT) - Từ ngày 9-11/12, tại tỉnh Quảng Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Tổ chức Du lịch Liên hợp quốc (UN Tourism) và UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn lần thứ nhất và phiên họp thường niên Mạng lưới Làng du lịch tốt nhất lần thứ hai của UN Tourism. 

Quảng Bình đón đoàn famtrip do Cục Du lịch quốc gia tổ chức
Quảng Bình đón đoàn famtrip do Cục Du lịch quốc gia tổ chức

(QBĐT) - Trong 2 ngày 8-9/12, ngành Du lịch Quảng Bình đón đoàn famtrip 60 doanh nghiệp du lịch và các đơn vị truyền thông đến khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.