Nông dân Tuyên Hóa thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

  • 08:12, 13/12/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube

(QBĐT) - Những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG), đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được các cấp Hội Nông dân (HND) Tuyên Hóa chú trọng đẩy mạnh với nhiều hoạt động thiết thực. Từ phong trào, nhiều nông dân đã vươn lên trở thành hộ khá, giàu, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.

Chủ tịch HND huyện Tuyên Hóa Trương Tư Thoan cho biết: Nhằm đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, các cấp HND trong huyện đã tuyên truyền, vận động hội viên mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Năm 2024, tổ chức hội đã tín chấp với các ngân hàng cho 2.461 lượt hội viên vay 622.317 triệu đồng để phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, các cấp hội đã hỗ trợ giống cây, con và cung ứng 425.000 tấn phân bón trả chậm cho 544 lượt hộ nông dân. HND huyện đã tổ chức 90 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 4.419 hội viên”.

Nhờ được tiếp sức về vốn, giống, khoa học kỹ thuật, trên địa bàn huyện ngày càng xuất hiện nhiều gương nông dân điển hình làm kinh tế giỏi với những mô hình kinh tế hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy phong trào nông dân của huyện ngày càng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu.

Từ phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

Một trong những điển hình của phong trào thi đua SXKDG trên địa bàn huyện Tuyên Hóa là ông Nguyễn Văn Quang. Sinh năm 1966 tại quê hương Cao Quảng, nơi có tiềm năng về đất đai với địa hình rộng và bằng phẳng, nguồn nước dồi dào, ông Nguyễn Văn Quang đã thuê đất đai để phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp.

Thời gian đầu, do thiếu kinh nghiệm nên mô hình của ông gặp phải không ít khó khăn. Nhưng nhờ được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, sự đồng hành của Hội ND xã, ông được tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất. Hoạt động của mô hình từ đó cũng dần đi vào ổn định và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Quang cho biết: Hiện, trên diện tích 2,5ha, tôi nuôi gà thả vườn, đào ao thả cá, nuôi ong lấy mật và trồng một số loại cây ăn quả. Ngoài ra, tôi có khoảng 6ha trồng cây sả để sản xuất tinh dầu. Từ mô hình này, mỗi năm gia đình tôi có thu về khoảng 600-700 triệu đồng, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương, góp phần giúp bà con có thu nhập ổn định.

Còn với ông Nguyễn Phương Chân, xã Mai Hóa, nhờ được các cấp HND hỗ trợ vay 800 triệu đồng vốn ban đầu, ông đã xây dựng thành công trang trại chăn nuôi bò. Ông Chân chia sẻ: Với kinh nghiệm hơn 20 năm chăn nuôi bò, việc phát triển trang trại này giúp tôi nâng cao hiệu quả sản xuất, chăn nuôi. Ban đầu, tôi chỉ nuôi thử nghiệm 30 con, sau đó tiếp tục tăng số lượng lên 70-80 con. Nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi nên đàn bò phát triển tốt, mỗi năm xuất chuồng 3 lứa, cho thu lãi 540 triệu đồng/năm.

Không chỉ tập trung phát triển kinh tế gia đình, ông Chân còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động trong xã với mức thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, gia đình ông Chân còn hỗ trợ con giống không lấy lãi cho 6 hộ khó khăn và hướng dẫn kinh nghiệm chăn nuôi bò cho 20 hộ.  

Những kết quả tích cực đã góp phần lan tỏa mạnh mẽ phong trào nông dân thi đua SXKDG trong toàn huyện Tuyên Hóa. Năm 2023, toàn huyện có 4.300 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKDG các cấp. Đây là con số minh chứng rõ nét cho sự phát triển và hiệu quả của phong trào đối với đời sống, sản xuất của người nông dân.

Phát huy kết quả đã đạt được, thời gian tới, các cấp HND trên địa bàn huyện Tuyên Hóa tiếp tục tổ chức các hoạt động thúc đẩy phong trào “Nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Đồng thời, tăng cường các hoạt động hỗ trợ nông dân nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; hướng dẫn, thúc đẩy nông dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển trang trại, gia trại theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tiếp tục đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Mỹ Hạnh

tin liên quan

Vướng mặt bằng và… thiếu vốn!
Vướng mặt bằng và… thiếu vốn!

(QBĐT) - Một số công trình, dự án trọng điểm của tỉnh được xem "đòn bẩy" để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và kết nối đồng bộ với các địa phương trong vùng. Thế nhưng các dự án động lực này đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc và thiếu nguồn vốn.

Nuôi cá lồng trên hồ đập thuỷ lợi: Hướng đi mới hiệu quả cao
Nuôi cá lồng trên hồ đập thuỷ lợi: Hướng đi mới hiệu quả cao

(QBĐT) - Nhằm tận dụng, phát huy lợi thế mặt nước trên các hồ, đập thủy lợi cũng như phát triển thêm đối tượng nuôi mới đáp ứng nhu cầu thị trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai thử nghiệm mô hình nuôi các loại cá nước ngọt có giá trị trong lồng bè tại hồ đập, hồ chứa trên địa bàn tỉnh. 

Ban quản lý khu kinh tế tỉnh: Cải cách hành chính thu hút đầu tư
Ban quản lý khu kinh tế tỉnh: Cải cách hành chính thu hút đầu tư

(QBĐT) - Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh xác định công tác cải cách hành chính là nhiệm vụ quan trọng nhằm xây dựng bộ máy cơ quan hành chính nhà nước hoạt động hiệu quả.