(QBĐT) - Ngành nông nghiệp và các địa phương trên địa bàn huyện Minh Hóa đang tập trung khuyến cáo người chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đói rét cho đàn vật nuôi, hạn chế tối đa thiệt hại, bảo đảm duy trì ổn định sản xuất.
Những ngày gần đây, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, nền nhiệt độ trên địa bàn xuống thấp. Nhất là ở địa bàn miền núi huyện Minh Hóa, nhiệt độ thường xuống thấp hơn bình quân 2-3oC ảnh hưởng đến sức đề kháng của đàn vật nuôi và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chống rét cho đàn vật nuôi, nhằm giảm thiểu thiệt hại kinh tế, ngành nông nghiệp huyện Minh Hóa đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi củng cố lại chuồng trại, dùng bạt quây xung quanh chuồng nhằm tránh gió lùa và giữ nền chuồng luôn khô ráo; chủ động dự trữ thức ăn cho đàn vật nuôi.
Xã biên giới Hóa Sơn, nơi có gần 80% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, người dân thường có thói quen chăn thả rông gia súc trên vùng đồi núi. Những năm trước, trường hợp trâu, bò bị chết rét diễn ra khá phổ biến. Nhưng nay bà con đã chủ động gia cố, che chắn chuồng trại khi có thông tin mưa rét kéo dài.
![]() |
Từ nhiều ngày trước, gia đình bà Trương Thị Hạnh, bản Hóa Lương, xã Hóa Sơn (Minh Hóa) đã lùa đàn bò hơn 10 con thả rông sau núi về lại chuồng. Bà Hạnh cũng trữ sẵn rơm và tranh thủ cắt cỏ phòng khi thời tiết rét đậm, rét hại lâu ngày. Bà chia sẻ, như trước đây, vật nuôi của bà con thường bị chết rét, nhưng nay, bà con luôn ý thức bảo vệ, giữ ấm cho đàn vật nuôi bởi đây là gia sản lớn của gia đình. Bởi vậy, ngay khi nghe cán bộ xã thông báo có mưa rét, nhiều người đã lên rừng đưa vật nuôi về và tùy số lượng để dự trữ đủ thức ăn. Nhiều gia đình còn dự trữ thêm nhiều củi khô để đốt sưởi ấm ban đêm cho đàn trâu, bò.
Bên cạnh việc phòng, chống rét, huyện Minh Hóa cũng chỉ đạo các đơn vị tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh có thể xảy ra; tổ chức rà soát, thống kê số gia súc, gia cầm trong diện tiêm để tổ chức tiêm phòng và tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành tiêm phòng bắt buộc cho đàn vật nuôi theo quy định.
Gia đình ông Đinh Thế Mạnh, xã Yên Hóa chăn nuôi đàn gà gần 300 con để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. “Thời tiết mưa rét, ẩm ướt rất dễ khiến đàn gà phát bệnh. Bởi vậy, ngoài việc mua thêm đèn sưởi, tôi luôn chủ động vệ sinh chuồng trại hàng ngày; phải để ý kỹ thuật chăm nuôi, nếu không sẽ mất nguồn thu vụ Tết…”, ông Mạnh cho hay.
Theo thống kê, toàn huyện Minh Hóa hiện có tổng đàn lợn trên 13.300 con, đàn trâu, bò gần 20.000 con, đàn dê trên 2.000 con và trên 143.000 con gia cầm. Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Minh Hóa Cao Thị Hằng cho hay, để làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, đói rét cho đàn vật nuôi, huyện đã ban hành văn bản chỉ đạo phòng chuyên môn, các đơn vị liên quan trực tiếp hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống rét, dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Đặc biệt, là ở khu vực vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi bà con vẫn có thói quen chăn thả rông gia súc, địa phương phân công cán bộ hướng dẫn bà con lợp kín tất cả chuồng trại bằng phên nứa, bạt, giữ nền chuồng sạch sẽ khô ráo và lót ấm bằng rơm, rạ, cỏ khô.