(QBĐT) - Để có nông sản cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán, hiện bà con nông dân trên địa bàn huyện Bố Trạch đang tập trung chăm sóc, phát triển đàn vật nuôi và gieo trồng vụ đông-xuân...
Nói đến cây trồng cung cấp cho thị trường ngày Tết, không thể bỏ qua những vườn rau, vườn hoa ở xã Lý Trạch vốn đã có từ rất nhiều năm về trước.
Gia đình anh Nguyễn Thành Trung (thôn 3, xã Lý Trạch) đã có trên 15 năm theo nghề trồng hoa. Với 1ha diện tích đất sản xuất, anh Trung trồng hoa cúc quanh năm, riêng vụ Tết thì các loại hoa được trồng đa dạng hơn, như: Thạch thảo, ly các loại… Hàng năm, nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật và thời tiết thuận lợi, giá thành cao, 1ha trồng hoa của gia đình anh cho lãi khoảng 100 triệu đồng/vụ.
Theo anh Trung, vụ Tết năm nay giá hoa giống tăng cao so với mọi năm vì vùng cung cấp chủ yếu ở miền Bắc không có giống (do ảnh hưởng của đợt bão lũ hồi tháng 9), ngoài ra, thời tiết không thuận lợi cũng gây khó khăn cho việc chăm sóc hoa.
Anh Nguyễn Thành Trung ở xã Lý Trạch chăm sóc hoa vụ Tết.
“Nhằm bảo đảm có hoa nở đúng dịp Tết phục vụ thị trường, chúng tôi phải căn cứ vào thời gian sinh trưởng, phát triển của từng loại hoa để thực hiện lịch trồng thích hợp. Bên cạnh đó, việc chăm sóc (tưới nước, tỉa cành, chiếu đèn…) cũng phải đúng kỹ thuật, quy trình”, anh Trung chia sẻ.
Cũng như anh Trung, nhiều hộ trồng rau, hoa, cây ăn quả trên địa bàn xã Lý Trạch đang tập trung chăm sóc cây trồng phục vụ thị trường Tết. Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Tâm An (Nông trang Tâm An), thôn 7, xã Lý Trạch, là địa chỉ nông sản sạch khá nổi tiếng trong vùng, được nhiều khách hàng biết đến, chuyên trồng các sản phẩm na, ổi, dưa hấu… theo hướng hữu cơ.
Giám đốc Nông trang Tâm An Nguyễn Ngọc Cương cho hay: “Nông trang chúng tôi có gần 2ha trồng các loại na Đài Loan, na sầu riêng…, bên cạnh đó cũng trồng thêm một số diện tích ổi, dưa hấu, dưa lê theo mùa… Trong vụ Tết, chúng tôi chỉ tập trung chăm sóc vườn na nhằm bảo đảm cung cấp cho thị trường sản phẩm chất lượng. Cây na có thời gian nở hoa, kết trái đến khi thu hoạch được là 4-5 tháng, do đó, ngay từ những ngày đầu tháng 8-9 âm lịch, vườn bắt đầu tỉa cành để kích thích cây nở hoa. Đến nay, quả na đã to, khoảng cuối tháng 10 âm lịch sẽ thu hoạch đến hết tháng giêng. Tuy nhiên hiện nay, thời tiết đang mưa nhiều, quả na dễ bị rụng, chín sớm, phần nào ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng”.
Vườn na của Hợp tác xã Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Tâm An vụ thu hoạch.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Lý Trạch Lê Đình San cho biết: “Tổng diện tích cây ăn quả các loại phục vụ cho dịp Tết Nguyên đán trên địa bàn xã khoảng 120ha; hoa màu (kiệu, cà chua, bầu, dưa leo...) hơn 40ha. Hội Nông dân xã đã định hướng, hướng dẫn bà con về loại cây trồng, kỹ thuật và thời điểm trồng để cây cho thu hoạch đúng vào dịp Tết”.
Cùng với trồng trọt, hoạt động sản xuất chăn nuôi cũng đang được bà con nông dân trên địa bàn huyện Bố Trạch tập trung cho vụ Tết. Chăn nuôi tiếp tục duy trì phát triển theo hướng nâng cao chất lượng. Các mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, theo hướng an toàn sinh học được đẩy mạnh ở các trang trại, hộ chăn nuôi, công tác kiểm dịch, kiểm tra thú y tăng cường. Nhờ đó, chất lượng đàn vật nuôi được duy trì tốt.
Trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Trương Quang Đạo, thôn Thanh Lộc, xã Sơn Lộc hiện có khoảng 500-700 con lợn thịt. Ông Đạo chia sẻ: “Thời gian qua, tình hình dịch bệnh ở các vùng lân cận diễn biến phức tạp, do đó, chúng tôi càng phải thực hiện nghiêm ngặt công tác chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh cho đàn lợn. Nếu việc sinh trưởng, phát triển của đàn lợn ổn định, thuận lợi, dự kiến đến cuối năm nay, trang trại sẽ có tầm 500 con được xuất bán, cung cấp cho thị trường trong tỉnh và tỉnh Hà Tĩnh”.
Công tác chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh tại trang trại chăn nuôi lợn của gia đình ông Trương Quang Đạo, ở xã Sơn Lộc được thực hiện nghiêm túc.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch Nguyễn Cẩm Long, để bảo đảm vụ mùa của bà con nông dân trên địa bàn đạt năng suất, sản lượng đề ra, phòng đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn bà con gieo trồng theo đúng lịch thời vụ; lựa chọn các giống cây trồng năng suất, chất lượng; tích cực ra đồng chăm sóc, kịp thời phát hiện sâu bệnh để xử lý…
Các địa phương cũng tập trung chỉ đạo tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; chủ động theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời, triệt để. Công tác quản lý nhà nước trên địa bàn huyện về chất lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các loại vật tư nông nghiệp tiếp tục được tăng cường...
(QBĐT) - "Nghiên cứu và đề xuất phát triển các sản phẩm du lịch trải nghiệm thiên nhiên gắn với văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Bình" là đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh vừa được Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng tổ chức hội thảo để tranh thủ ý kiến, đóng góp của các nhà khoa học.
(QBĐT) - Từ năm 2023 đến nay, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quảng Ninh đã nhận nhiều người dân các xã miền núi, biên giới huyện Quảng Ninh làm nhân viên bảo vệ rừng. Nhờ có công việc ổn định, thu nhập khá nên nhiều gia đình đã có cuộc sống bảo đảm, một số hộ đã thoát nghèo…
(QBĐT) - Ngày 28/10/2024, UBND tỉnh ban hành kế hoạch hành động triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành Công thương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đến năm 2030. Phóng viên Báo Quảng Bình đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở Công thương xung quanh vấn đề này.