Phân định ranh giới rừng tự nhiên

  • 08:09, 07/09/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Được hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật từ Viện nghiên cứu sinh thái chính sách xã hội (SPERI), xã Cao Quảng (Tuyên Hóa) đã hoàn thành phân định (cắm mốc) toàn bộ diện tích rừng tự nhiên giao cho người dân. Đây là địa phương đầu tiên trên địa bàn huyện làm được việc này, qua đó, góp phần nâng cao ý thức, hiệu quả bảo vệ rừng (BVR) tự nhiên cho người dân.
 
Xã Cao Quảng có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp 10.280ha thuộc 13 tiểu khu. Rừng tự nhiên toàn xã có trên 9.000ha, trong đó rừng giao cho hộ gia đình, cá nhân quản lý trên 7.300ha, diện tích còn lại do UBND xã quản lý.
 
Rừng tự nhiên trên địa bàn được giao cho người dân quản lý, bảo vệ từ năm 2008. Tuy nhiên, ranh giới rừng giữa các thôn, nhóm hộ, hộ chưa được phân định rõ ràng, nguồn kinh phí hỗ trợ còn hạn chế dẫn đến nhiều khó khăn trong công tác quản lý, BVR. Đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, phần lớn bà con sản xuất nông nghiệp, trồng rừng kinh tế, nên thời gian nhàn rỗi khá nhiều, dễ phát sinh việc khai thác, lấn chiếm rừng trái phép.
 
Để BVR tự nhiên, năm 2019, SPERI đã hỗ trợ kỹ thuật và kinh phí 60 triệu đồng cho xã Cao Quảng thực hiện thí điểm dự án phân định ranh giới rừng, đánh giá rừng sản xuất và rừng tự nhiên. Theo đó, SPERI cùng chính quyền địa phương, lực lượng Kiểm lâm đã cắm mốc phân định trên 300ha rừng cho 39 hộ dân tại 4 thôn trên địa bàn xã. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm BVR của mỗi người dân.
Hàng nghìn ha rừng tự nhiên ở xã Cao Quảng (Tuyên Hóa) đã được phân định ranh giới, góp phần bảo vệ, phát triển rừng.
Hàng nghìn ha rừng tự nhiên ở xã Cao Quảng (Tuyên Hóa) đã được phân định ranh giới, góp phần bảo vệ, phát triển rừng.
Tiếp đó, năm 2023, SPERI tiếp tục hỗ trợ cho xã Cao Quảng thêm 300 triệu đồng, kỹ thuật, thiết kế để thực hiện dự án phân định ranh giới rừng, đánh giá rừng sản xuất và rừng tự nhiên cho toàn bộ người dân trong xã. Chủ tịch UBND xã Cao Quảng Nguyễn Thị Phương cho biết: “Thực hiện dự án, UBND xã đã thành lập ban chỉ đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện dự án phân định lại ranh giới rừng và kiểm tra toàn bộ diện tích rừng trên địa bàn xã; thành lập các tổ, nhóm tuần tra, kiểm soát rừng; tổ chức hội nghị mở rộng, tuyên truyền để người dân hiểu rõ chủ trương và cùng chính quyền thực hiện dự án”.
 
Nhờ sự giúp đỡ của SPERI, nỗ lực của người dân, đến nay xã Cao Quảng đã hoàn thành dự án phân định ranh giới rừng, đánh giá rừng sản xuất và rừng tự nhiên với diện tích trên 7.300ha tại 8 thôn với 64 nhóm chủ rừng, 525 hộ dân.
 
Ông Nguyễn Minh Thụ, Tổ trưởng tổ chủ rừng số 3, thôn Cao Cảnh, xã Cao Quảng, phấn khởi: “Trước đây, ranh giới rừng của người dân chưa rõ ràng, kinh phí hỗ trợ BVR rất hạn chế nên rừng còn bị xâm hại khá nhiều. Từ khi rừng được phân định, tôi và bà con biết chính xác vị trí rừng của mình nên thường xuyên tuần tra, BVR. Trong mùa nắng nóng hoặc có thông tin rừng bị xâm hại, chúng tôi tuần tra nhiều hơn, có tháng đi 5-6 chuyến”.
 
Hiện, thôn Cao Cảnh có trên 1.500ha rừng tự nhiên được giao cho người dân quản lý, bảo vệ với 84 hộ tham gia, chia thành 11 tổ chủ rừng. Bình quân mỗi hộ bảo vệ khoảng 15-20ha, mỗi tổ có 8-10 hộ. Hàng ngày, các tổ chia thành nhóm 3 người đi tuần tra rừng. Trường hợp có người lạ vào rừng, rừng bị xâm hại thì nhóm chủ động nhắc nhở, đẩy đuổi. Nếu có người vào phá rừng quy mô lớn thì báo cáo lại với tổ, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng phối hợp giải quyết. 
 
Nhờ có diện tích rừng tự nhiên lớn, công tác BVR tốt nên năm 2023, xã Cao Quảng đã nhận được 1,53 tỷ đồng từ tiền bán tín chỉ carbon (170.000 đồng/ha). Năm 2024, xã dự kiến sẽ nhận gần 1,8 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon (gần 200.000 đồng/ha), trong đó, rừng của người dân bảo vệ được nhận gần 1,46 tỷ đồng (bình quân mỗi hộ khoảng 2,78 triệu đồng). Cùng với tiền bán tín chỉ carbon kết hợp với rừng được phân định sẽ là điều kiện, động lực để người dân xã Cao Quảng BVR tốt hơn trong thời gian tới.

Để rừng được phân định ranh giới, UBND xã Cao Quảng còn vận động người dân làm cột mốc, khắc tên rồi cùng chính quyền địa phương, dự án và lực lượng Kiểm lâm lên rừng cắm mốc. Công việc tuy khó khăn, vất vả nhưng được người dân đồng thuận cao nên triển khai rất thuận lợi. Anh Đậu Xuân Quyền, một người dân ở thôn Sơn Thủy nói: “Ngoài việc đi tuần tra rừng hàng tuần của các nhóm thì 6 tháng/lần cả tổ phải lên rừng để phát đường, mốc, tuyến. Những lần như thế, chúng tôi ăn ở lại trên rừng cả ngày. Dù công việc vất vả, nhưng thấy rừng của mình được bảo vệ tốt, cây rừng lớn lên từng ngày là niềm vui của người dân chúng tôi”.

Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Tuyên Hóa Hồ Ngọc Danh cho biết: Tuyên Hóa có trên 79.000ha rừng tự nhiên, trong đó diện tích giao cho dân quản lý, bảo vệ trên 36.000ha. Hiện, Cao Quảng là xã đầu tiên trên địa bàn huyện hoàn thành phân định toàn bộ diện tích rừng tự nhiên. Việc phân định ranh giới rừng, đánh giá rừng sản xuất và rừng tự nhiên cho người dân xã Cao Quảng của SPERI rất thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm BVR rừng của mỗi người dân.
 
Đây là cách làm hay, vì thế trong thời gian tới, hạt sẽ tham mưu cho huyện, các địa phương và người dân tập trung kinh phí để phân định ranh giới rừng trên toàn huyện; xác định lại giá trị của rừng để gắn trách nhiệm cho chủ rừng trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, từ đó, có cơ sở đánh giá sự phục hồi rừng hàng năm cũng như xác định trữ lượng tín chỉ carbon...
Xuân Vương

tin liên quan

Thi đua bảo đảm mục tiêu cả nước có 3.000km đường cao tốc vào cuối năm 2025
Thi đua bảo đảm mục tiêu cả nước có 3.000km đường cao tốc vào cuối năm 2025

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký văn bản số 673/TTg-CN, ngày 5/9/2024 yêu cầu các bộ ngành, địa phương liên quan triển khai các nhiệm vụ trọng tâm để phấn đấu hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc vào cuối năm 2025 nhằm hưởng ứng phong trào thi đua mà Thủ tướng Chính phủ đã phát động.

Bãi bỏ một số điều, khoản của Quy định nội dung và mức hỗ trợ khuyến khích phát triển công nghiệp và xúc tiến thương mại
Bãi bỏ một số điều, khoản của Quy định nội dung và mức hỗ trợ khuyến khích phát triển công nghiệp và xúc tiến thương mại

(QBĐT) - UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 21/2024/QĐ-UBND bãi bỏ một số điều, khoản của Quy định nội dung và mức hỗ trợ khuyến khích phát triển công nghiệp và xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Quảng Bình tham gia hội chợ du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh năm 2024
Quảng Bình tham gia hội chợ du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh năm 2024

(QBĐT) - Ngày 5/9, tại Trung tâm hội chợ và triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7, TP. Hồ Chí Minh, diễn ra lễ khai mạc hội chợ du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ 18, năm 2024 (International Travel Expo Ho Chi Minh City-ITE HCMC 2024) với chủ đề "Du lịch bền vững-Kiến tạo tương lai".