Niềm vui từ những cánh rừng

  • 08:09, 08/09/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian gần đây, nhiều chủ rừng trên địa bàn tỉnh rất phấn khởi khi được nhận tiền chi trả từ việc bán tín chỉ carbon. Nhờ được hưởng lợi từ chính sách này, các chủ rừng đã có thêm nguồn thu nhập để nâng cao chất lượng cuộc sống, tích cực tham gia bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng ngày càng chất lượng, hiệu quả
 
Vướng mắc trong quy định chi trả tiền tín chỉ carbon
Ông Lương Sỹ Trình, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV LCN Long Đại
 
Công ty TNHH MTV LCN Long Đại (Công ty Long Đại) là một trong những đơn vị quản lý diện tích rừng tự nhiên lớn nhất toàn tỉnh với gần 60.000ha.
 
Thời gian qua, công ty đã tập trung cho công tác quản lý bảo vệ, không để xảy ra tình trạng khai thác trái phép, lấn chiếm, cháy rừng; duy trì độ che phủ trên 80%. Có thể nói, đây là kho lưu giữ carbon khổng lồ góp phần giảm phát thải khí nhà kính, một địa chỉ mà các nhà máy, công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước hướng đến để mua tín chỉ carbon bù vào lượng phát thải dôi ra theo hạn ngạch trong quá trình hoạt động của mình.
Việc hỗ trợ thêm chi phí sẽ giúp lực lượng bảo vệ rừng của Công ty Long Đại nâng cao công tác quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả.
Việc hỗ trợ thêm chi phí sẽ giúp lực lượng bảo vệ rừng của Công ty Long Đại nâng cao công tác quản lý, bảo vệ rừng hiệu quả.
Năm 2023-2024, Công ty Long Đại nằm trong số chủ rừng là tổ chức được chi trả từ nguồn thu thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ với tổng diện tích rừng tự nhiên 57.973ha, kinh phí hơn 21 tỷ đồng. Theo Nghị định số 107/2022/NĐ-CP, ngày 28/12/2022 của Chính phủ quy định khoán bảo vệ rừng (BVR), chủ rừng chỉ thực hiện khoán với cộng đồng dân cư và không chồng chéo với các khoản chi khác của ngân sách nhà nước, tuy nhiên, lực lượng BVR chuyên trách của công ty đã được hỗ trợ 300.000 đồng/ha từ ngân sách nhà nước nên theo nghị định là không thể chi trả số tiền này.
 
Từ những vướng mắc trên, chúng tôi đề nghị các cấp thẩm quyền cần có những điều chỉnh về đối tượng hưởng lợi từ bán tín chỉ carbon nhằm phù hợp với từng chủ rừng, theo tình hình thực tế của từng đơn vị, của tỉnh. Theo đó, tại điều 3, khoản 3, Nghị định số 107/2022/NĐ-CP đã nêu “Đối với khoán BVR: Mức khoán tối thiểu bằng mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho BVR, tối đa không lớn hơn 2 lần mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho khoán BVR theo đối tượng nhận khoán trên cùng địa bàn cấp tỉnh. Mức cụ thể do UBND tỉnh quy định”. Căn cứ mức chi quy định trên đây có thể tiếp tục chi trả từ nguồn giảm phát thải khí nhà kính cho công tác BVR của công ty.
 
Hiện, lực lượng BVR trực tiếp thu nhập còn thấp, công việc rất vất vả, nguy hiểm, nếu được hỗ trợ thêm thì công tác quản lý, BVR sẽ hiệu quả và có tính bền vững hơn.
 Thanh Hoa (thực hiện)
 
“Lấy rừng để nuôi rừng”
Ông Cao Thanh Tùng, Trưởng ban Quản lý rừng cộng đồng thôn Thanh Liêm,
xã Trung Hóa (Minh Hóa).
 
Ban Quản lý rừng cộng đồng (BQL RCĐ) thôn Thanh Liêm được thành lập vào ngày 12/3/2022 trên cơ sở hợp nhất giữa BQL RCĐ thôn Thanh Liêm 1 và BQL RCĐ thôn Thanh Liêm 2 (hai ban này được thành lập từ năm 2014, với mục đích chính là bảo vệ rừng hiệu quả cho khu vực vùng đệm Phong Nha-Kẻ Bàng). Trước đây, BQL RCĐ hoạt động trên cơ sở được nhận khoản kinh phí hỗ trợ bảo vệ, phát triển rừng hàng năm khá ít ỏi từ một dự án của BQL Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng.
 
Khi dự án này kết thúc vào năm 2020, BQL RCĐ thôn Thanh Liêm gần như không có kinh phí để hoạt động, công tác bảo vệ rừng tại địa phương vì thế gặp nhiều khó khăn, trở ngại, thậm chí có nguy cơ giải thể. Kể từ năm 2023 đến nay, nhờ được nhận hơn 800 triệu đồng từ việc bán tín chỉ carbon, BQL RCĐ thôn Thanh Liêm đã sử dụng nguồn kinh phí này vào công tác bảo vệ, phát triển rừng một cách công khai, minh bạch, hiệu quả và bền vững hơn.
Ban Quản lý rừng cộng đồng thôn Thanh Liêm phối hợp tuần tra, bảo vệ rừng.
Ban Quản lý rừng cộng đồng thôn Thanh Liêm phối hợp tuần tra, bảo vệ rừng.
Hiện, BQL RCĐ thôn Thanh Liêm có tổng số 25 thành viên và 4 tổ bảo vệ rừng, với nhiệm vụ thực hiện quản lý, khoanh nuôi bảo vệ hơn 2.200ha rừng tự nhiên quanh khu vực đập thủy lợi Khe Dổi. Bám sát vào nhiệm vụ, mục đích, quy chế hoạt động đã được xây dựng từ trước, mới đây, BQL RCĐ thôn Thanh Liêm đã chủ động kiện toàn lại lực lượng và xây dựng mới phương án bảo vệ, phát triển rừng phù hợp hơn với tình hình thực tiễn.
 
Với phương châm “lấy rừng để nuôi rừng”, cộng đồng dân cư thôn Thanh Liêm mong muốn rằng, cấp trên sẽ ghi nhận về thành quả bảo vệ rừng của toàn thôn, từ đó thực hiện việc chi trả bán tín chỉ carbon được thường xuyên, liên tục, đầy đủ và giá trị không ngừng được nâng lên nhằm khuyến khích, động viên người dân tích cực tham gia bảo vệ, phát triển rừng…
V.M (thực hiện)
 
Thực hiện hiệu quả việc chi trả tín chỉ carbon
Ông Nguyễn Công Chung,Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Minh Hóa.
 
Huyện Minh Hóa có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp hơn 127 nghìn ha, chiếm 91,51% tổng diện tích tự nhiên (trong đó, diện tích rừng tự nhiên trên 103 nghìn ha, rừng trồng gần 6 nghìn ha, diện tích chưa thành rừng gần 18 nghìn ha), tỷ lệ che phủ rừng đạt 78,6%. 
 
Tính đến hết tháng 8/2024, huyện Minh Hóa đã thực hiện việc chi trả tín chỉ carbon đến các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư (nhóm I), các chủ rừng là tổ chức (nhóm II). Cụ thể, đối với diện tích đã giao cho hộ gia đình quản lý (tổng diện tích để chi trả là 9.488,3ha; số tiền để chi trả trên 3 tỷ đồng). Toàn huyện đã thực hiện chi trả cho 2.167 hộ dân ở 8/15 xã, thị trấn (gồm các xã: Hóa Hợp, Hóa Phúc, Hóa Thanh, Hóa Tiến, Xuân Hóa, Yên Hóa, Tân Hóa, Trọng Hóa); trong đó, diện tích đã thực hiện chi trả đạt 7.035ha, số tiền chi trả hơn 2,1 tỷ đồng.
Các lực lượng chức năng huyện Minh Hóa giám sát việc chi trả, sử dụng tiền bán tín chỉ carbon trên địa bàn.
Các lực lượng chức năng huyện Minh Hóa giám sát việc chi trả, sử dụng tiền bán tín chỉ carbon trên địa bàn.
Đối với diện tích rừng do cộng đồng quản lý (toàn huyện có 34 cộng đồng thuộc diện được chi trả; tổng diện tích rừng để chi trả là 7.245,04ha; số tiền để chi trả trên 2,6 tỷ đồng). Hiện tại, Minh Hóa đã thực hiện chi trả cho 1 cộng đồng thuộc xã Trung Hóa, với diện tích gần 2.237ha, số tiền chi trả gần 827 triệu đồng. Ngoài ra, đối với diện tích do UBND xã quản lý (tổng diện tích để chi trả là hơn 28 nghìn ha; số tiền để chi trả trên 6,1 tỷ đồng), toàn huyện đã thực hiện chi trả 12/15 xã, thị trấn với diện tích gần 22,8 nghìn ha, số tiền đã chi trả hơn 5,1 tỷ đồng.
 
Minh Hóa hiện còn 3 xã chưa chi trả là Tân Hóa, Hồng Hóa, Trọng Hóa. Tại thời điểm này, toàn huyện có 4 chủ rừng thuộc nhóm II đã được chi trả hết, trong đó: Ban Quản lý rừng phòng hộ Minh Hóa được chi trả với diện tích trên 18,5 nghìn ha, số tiền hơn 3,6 tỷ đồng; Đội sản xuất Minh Hóa gần 9,1 nghìn ha, số tiền trên 1,7 tỷ đồng; Ban Chỉ huy Quân sự huyện Minh Hóa gần 564ha, số tiền gần 112 triệu đồng; Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng gần 30,1 nghìn ha, số tiền trên 6 tỷ đồng.
 
Nhìn chung, nhờ được chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung bộ (tín chỉ carbon), nhận thức,vai trò trách nhiệm về công tác quản lý bảo vệ rừng của người dân trên địa bàn huyện Minh Hóa được tăng lên theo hướng tích cực. Thời gian tới, Hạt Kiểm lâm huyện sẽ phối hợp với chính quyền địa phương chú trọng tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; tập trung rà soát số diện tích còn lại để chi trả tín chỉ carbon theo đúng thời gian quy định; làm tốt công tác tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, công văn chỉ đạo UBND các xã, thị trấn, các chủ rừng và các ban, ngành tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng; ngăn chặn mất rừng, suy thoái rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng rừng, tín chỉ carbon rừng trên địa bàn... 
Văn Minh (thực hiện)

tin liên quan

Tín chỉ carbon: "Đòn bẩy" phát triển kinh tế xanh
Tín chỉ carbon: "Đòn bẩy" phát triển kinh tế xanh

Quảng Bình có diện tích rừng và đất lâm nghiệp chiếm gần 82% diện tích tự nhiên, độ che phủ rừng đạt 68,69%, liên tục nhiều năm đứng thứ hai toàn quốc. Với diện tích rừng lớn, Quảng Bình được đánh giá là một trong những "bể chứa" carbon rừng của cả nước. Đây không chỉ là cơ hội để phát triển kinh tế lâm nghiệp mà còn góp phần tăng cường việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Thị trường Tết Trung thu: Hàng Việt chiếm ưu thế
Thị trường Tết Trung thu: Hàng Việt chiếm ưu thế

(QBĐT) - Với mẫu mã được cải tiến mạnh mẽ và giá cả hợp lý, hàng hóa phục vụ Tết Trung thu sản xuất trong nước đang chiếm lĩnh thị phần tại hệ thống các cửa hàng tiện ích, siêu thị, chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh.

Phân định ranh giới rừng tự nhiên
Phân định ranh giới rừng tự nhiên

(QBĐT) - Được hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật từ Viện nghiên cứu sinh thái chính sách xã hội (SPERI), xã Cao Quảng (Tuyên Hóa) đã hoàn thành phân định (cắm mốc) toàn bộ diện tích rừng tự nhiên giao cho người dân.