(QBĐT) - Ngày 26/9, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức tọa đàm "Giải pháp giảm phát thải khí nhà kính (KNK) trong nông nghiệp".
![]() |
Phát thải KNK là một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng nóng lên của trái đất, kéo theo đó là những hệ lụy như nước biển dâng, biến đổi khí hậu toàn cầu. Tại các nước phát triển, KNK chủ yếu từ ngành công nghiệp và năng lượng, còn tại các nước đang phát triển, thì KNK chủ yếu lại xuất phát từ nông nghiệp.
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, hiện nền nông nghiệp nước ta chiếm khoảng 30% tổng lượng phát thải KNK toàn quốc. Phát thải KNK trong nông nghiệp tập trung chủ yếu trong 3 lĩnh vực chính: Trồng lúa nước phát thải 49,7 triệu tấn CO2e (lượng khí thải tương đương cacbon đioxit), chiếm 50%; chăn nuôi phát thải 18,5 triệu tấn CO2e, chiếm 19%; quản lý đất và sử dụng phân bón phát thải 13,2 triệu tấn CO2e, chiếm 13%; các lĩnh vực khác, chiếm 18%.
![]() |
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung vào các nội dung: Một số kết quả nghiên cứu trong chăn nuôi nhằm giảm phát thải KNK; các biện pháp sản xuất nông nghiệp nhằm giảm phát thải KNK; mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học, tuần hoàn hữu cơ góp phần giảm phát thải KNK; canh tác lúa bền vững và phát thải thấp, kết quả và bài học kinh nghiệm; thực trạng sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ giảm phát thải KNK tại Quảng Bình.
Tại đây, các đại biểu tham dự cũng đã có các câu hỏi, thắc mắc tới các chuyên gia về các vấn đề về chính sách hỗ trợ để giảm phát thải KNK trong nông nghiệp, công tác quản lý chất thải trong chăn nuôi, chuyển giao các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mô hình giảm phát thải KNK hiệu quả cho các trang trại, hợp tác xã, nông hộ trên địa bàn tỉnh.
Buổi tọa đàm cũng là dịp người trực tiếp tham gia sản xuất nắm bắt thêm được nhiều thông tin thiết thực, bổ ích về các biện pháp sản xuất nông nghiệp nhằm giảm phát thải KNK, được giới thiệu các mô hình trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả theo hướng an toàn sinh học và có thể áp dụng vào thực tế sản xuất nông nghiệp của gia đình.
Thanh Hoa