(QBĐT) - Với việc đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ rừng (BVR), nhất là diện tích rừng tự nhiên, các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn huyện Tuyên Hóa được phát hiện, xử lý kịp thời…
Huyện Tuyên Hóa có diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên 94.000ha, trong đó rừng tự nhiên trên 79.000ha.
Thời gian qua, công tác BVR tự nhiên trên địa bàn huyện được các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân quan tâm. Tuy nhiên, tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn những năm gần đây vẫn diễn biến phức tạp, tính chất tinh vi, trong khi lực lượng BVR chuyên trách, trang thiết bị, phương tiện còn thiếu. Mặt khác, một số người dân sống phụ thuộc vào rừng, đời sống còn nhiều khó khăn; kinh phí để phục vụ công tác BVR còn hạn chế, chưa khuyến khích được đông đảo người dân tham gia. Diện tích rừng tự nhiên huyện giao cho hộ gia đình quản lý là 36.039ha (lớn nhất toàn tỉnh) nhưng các chính sách hỗ trợ BVR còn những bất cập.
Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Đinh Tiến Dũng cho biết: “Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, Chi cục Kiểm lâm, chính quyền cấp xã, chủ rừng và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan chức năng liên quan nên công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trên địa bàn huyện đạt nhiều kết quả tích cực. Diện tích rừng tự nhiên cơ bản được bảo vệ tốt, các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp ngày càng giảm”.
Chốt quản lý bảo vệ rừng-phòng cháy, chữa cháy rừng xã Lâm Hóa.
Nhằm triển khai thực hiện tốt công tác BVR tại gốc, UBND huyện Tuyên Hóa thường xuyên chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường các tổ chốt chặn, kiểm tra, giám sát, truy quét lâm tặc tại các khu vực trọng điểm thuộc xã: Lâm Hóa, Thanh Hóa, Thanh Thạch, Kim Hóa, Thuận Hóa, Cao Quảng; vùng giáp ranh tỉnh Hà Tĩnh, khu vực biên giới, rừng đầu nguồn Khe Nét, Khe Rái, Khe Núng và diện tích rừng tạm giao UBND các xã quản lý, các tuyến đường bộ, đường sông...
Từ năm 2023 đến nay, toàn huyện có gần 26ha rừng bị phá; đã điều tra, xác minh và xử phạt vi phạm hành chính 32 vụ phá rừng trái pháp luật. Các lực lượng chức năng, chủ rừng đã lập biên bản và xử lý 72 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, lâm sản tịch thu, tạm giữ trên 53m3 gỗ các loại; phương tiện tịch thu, tạm giữ 4 xe mô tô, 12 máy cưa xăng xách tay; nộp ngân sách trên 300 triệu đồng...
Ban Quản lý rừng phòng hộ Tuyên Hóa được giao quản lý trên 29.000ha rừng tự nhiên trên địa bàn các xã: Thuận Hóa, Kim Hóa, Thanh Hóa, Hương Hóa và Lâm Hóa. Trước đây, do thiếu việc làm, nhận thức BVR còn hạn chế, một số người dân trong vùng vào rừng khai thác, vận chuyển, buôn bán kinh doanh gỗ trái phép nên công tác BVR của đơn vị gặp không ít khó khăn.
Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Tuyên Hóa Nguyễn Xuân Tuynh cho biết: Thực hiện công tác BVR, ngay từ đầu năm, đơn vị đã xây dựng các kế hoạch, phương án kiểm tra, BVR; tham mưu thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, truy quét lâm tặc tại vùng giáp ranh, đầu nguồn còn giàu tài nguyên rừng; tổ chức nhiều cuộc tuần tra, truy quét trên lâm phần quản lý. Đơn vị đã chủ động triển khai các biện pháp BVR, ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép và PCCCR.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tuyên Hóa Nguyễn Văn Huệ cho biết: “Không chỉ làm tốt công tác BVR, huyện còn đẩy mạnh phục hồi rừng tự nhiên. Từ năm 2023 đến nay, toàn huyện đã trồng 150.000 cây xanh; vận động, hướng dẫn người dân chuyển đổi sang trồng cây bản địa và cây dược liệu; trồng hơn 80ha rừng tập trung cây bản địa, 25ha trồng cây phân tán, cây bản địa với các loài có giá trị, như: Dổi, lim, lát hoa, vàng tâm, gáo…, nâng tổng diện tích rừng cây bản địa toàn huyện trên 500ha”.
Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã tổ chức 145 đợt tuần tra, kiểm tra, trong đó, có 115 đợt tuần tra dài ngày, 30 đợt tuần tra ngắn ngày. Qua kiểm tra, lực lượng BVR của đơn vị đã phát hiện và thu giữ 0,48m3 gỗ nhóm VII, 1 khẩu súng tự chế. Công tác giao khoán quản lý BVR theo chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững thực hiện 19.000ha; chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 5.850ha. Nhờ công tác khoán rừng cho các tổ chức, cá nhân bảo vệ đã góp phần ngăn chặn tình trạng xâm hại đến rừng, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo đảm độ che phủ rừng…
Xã Lâm Hóa có gần 10.000ha rừng và đất lâm nghiệp, rừng sản xuất có trên 3.700ha, rừng phòng hộ và các loại rừng khác gần 6.400ha, độ che phủ rừng đạt 93,5%. Rừng trên địa bàn xã được giao cho các tổ chức, cá nhân quản lý. Địa hình rừng nơi đây khá phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, đời sống người dân trong xã còn nhiều khó khăn, số người sống phụ thuộc vào rừng khá lớn nên công tác BVR nơi đây gặp nhiều khó khăn. Thực hiện công tác BVR tự nhiên, thời gian qua, UBND xã đã phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tuần tra nhằm phát hiện, ngăn chặn và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, nhất là công tác PCCCR.
Bí thư Đảng ủy xã Lâm Hóa Nguyễn Văn Phúc cho biết: “Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, BVR nên thời gian qua, trên địa bàn không xảy ra cháy rừng. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp cũng được phát hiện, xử lý kịp thời. Trong thời điểm nắng nóng, xã đã chỉ đạo thành lập 3 chốt ở cửa rừng, nơi có nguy cơ cháy cao, tổ chức lực lượng trực 24/24 giờ để kiểm soát, nắm bắt thông tin, tuyên truyền cho người dân ra vào rừng. Khi xảy ra cháy, các tổ chức, đoàn thể và các thôn, bản được điều động kịp thời triển khai tổ chức tham gia chữa cháy rừng”…
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh doanh và cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, thời gian qua, cơ quan thuế đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, livestream bán hàng thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế.
(QBĐT) - Cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất nên hoạt động sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện Quảng Ninh phát triển ổn định và có mức tăng trưởng khá.
(QBĐT) - Việc xác định được hình thái, cấu trúc đô thị phát triển trong tương lai là cơ sở để TX. Ba Đồn tiếp tục xây dựng các chương trình, chiến lược phát triển thời gian tới. Điều quan trọng hơn, để "hiện thực hóa" quy hoạch cần phải có lộ trình, kế hoạch cụ thể và có tính khả thi cao.