(QBĐT) - Sản xuất, tiêu dùng (SX-TD) bền vững hay SX-TD xanh là giá trị mà nhiều doanh nghiệp đang hướng tới trong quá trình sản xuất, kinh doanh của đơn vị mình. Để thực hiện được điều đó không hề đơn giản, bởi vậy, các doanh nghiệp đang phải thực hiện phương châm “mưa dầm thấm lâu”, từng bước hiện thực hóa ý tưởng khi lựa chọn xu hướng này.
Ưu tiên giá trị bền vững
Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã rất quan tâm đến các nội dung trong SX-TD bền vững, như: Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguyên liệu, năng lượng tái tạo, sản phẩm thân thiện với môi trường; thực hiện tốt lối sống xanh, lối sống bền vững theo hướng giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải; phát triển hệ thống phân phối bền vững, phát triển chuỗi cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường; thực hiện những cam kết môi trường với đối tác theo tiêu chuẩn quy định khi hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Công ty CP Tái chế giấy Quảng Bình (tiền thân là Công ty CP Xenlulo Quảng Bình) có địa chỉ tại xã Phú Thủy (Lệ Thủy) được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư Nhà máy Giấy Quảng Bình, có công suất 20.000 tấn/năm, với vốn đầu tư gần 62 tỷ đồng.
Nhà máy Giấy Quảng Bình tiên phong trong sản xuất bền vững với nguyên, nhiên liệu thân thiện môi trường.
Ông Đinh Tuấn Kiên, Giám đốc nhà máy chia sẻ: Do tính chất thân thiện với môi trường, xu hướng tiêu dùng sẽ dần thay thế các loại bao bì như nilon, nhựa bằng các sản phẩm từ giấy. Mặt khác, với nhu cầu thị trường hiện nay, lượng sử dụng sản phẩm giấy trên đầu người ở nước ta hiện nay ở mức thấp, vì vậy, trong tương lai, ngành giấy sẽ rất phát triển. Nhà máy sử dụng nguyên liệu là các thùng hộp carton cũ, sách, vở đã sử dụng… được thu gom, tái chế thành sản phẩm tiêu dùng; nhiên liệu phục vụ sản xuất là cành, vỏ cây, phụ phẩm ngành lâm nghiệp,… từ những lâm trường, các hộ dân trồng rừng.
Từ những lô hàng đầu tiên tung ra thị trường vào tháng 6/2023, tính đến ngày 30/6/2024, Nhà máy Giấy Quảng Bình đã sản xuất 7.921 tấn giấy Kraft và cung cấp ra thị trường 7.607 tấn, thu được khoảng 60,8 tỷ đồng. Nhà máy đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 62 lao động trực tiếp trong dây chuyền sản xuất của nhà máy cùng hàng nghìn lao động gián tiếp khác trong các lĩnh vực phục vụ hoạt động của nhà máy.
Cửa hàng nông sản sạch An Nông kiên trì với hình thức gói rau bằng lá chuối thay túi nilon.
Còn với Công ty TNHH MTV An Nông, SX-TD bền vững luôn là tiêu chí mà công ty hướng tới. Ông Lê Đình Quả khẳng định: Sản xuất bền vững không chỉ mang lại cho sức khỏe người tiêu dùng mà còn cho chính người sản xuất, những người phải làm việc và tiếp xúc trực tiếp trên khu vườn, trong chuồng trại và nhà xưởng của mình. Còn tiêu dùng bền vững trước hết mang lại sức khỏe cho chính người tiêu dùng và gia đình, đồng thời là động lực tiếp sức cho những người sản xuất bền vững. Vì nếu không có người tiêu dùng hướng đến sản phẩm sạch, sản phẩm bền vững thì người sản xuất không có cơ hội để thực hiện sứ mệnh của mình.
Với những nhận thức đó, từ ngày thành lập đến nay, Công ty TNHH MTV An Nông luôn kiên trì thực hành các vấn đề SX-TD bền vững. Nhất quán quan điểm trong việc sản xuất rau tuyệt đối không sử dụng hóa chất thuốc bảo vệ thực vật nên ở vườn An Nông hiện đang vận dụng ưu điểm của tất cả các trường phái về sản xuất nông nghiệp, như: Nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp vườn rừng, nông nghiệp công nghệ cao nhằm mang lại hiệu quả về chất lượng và bền vững với môi trường.
Trong hoạt động kinh doanh, cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch An Nông ưu tiên các sản phẩm hữu cơ, sản xuất bền vững; hướng người tiêu dùng cùng đồng hành sử dụng các sản phẩm đó để những người sản xuất sạch, bền vững có cơ hội để phát triển, nhân rộng. Việc phân loại rác hữu cơ, vô cơ cũng được chú trọng và có phương pháp xử lý phù hợp.
Kiên trì phương châm “mưa dầm, thấm lâu”
Song để theo đuổi phương châm SX-TD bền vững đối với các doanh nghiệp là việc không hề đơn giản, không thể trong một sớm, một chiều. Nếu như đối với hoạt động sản xuất, có thể chủ động hơn trong việc hướng đến giá trị xanh bền vững thì ngược lại, để hướng đến giá trị này trong hoạt động kinh doanh, lại phải phụ thuộc rất nhiều vào khách hàng.
Co.opmart Quảng Bình đưa ra nhiều chương trình kích cầu khách hàng dùng túi sử dụng nhiều lần nhằm giảm rác thải nhựa ra môi trường.
Bà Lê Tuyết Mai (phường Nam Lý, TP. Đồng Hới) tỏ ra thích thú với cách gói rau bằng lá chuối ở cửa hàng An Nông. Bà cho rằng: “Cách gói này thân thiện với môi trường vì hạn chế sử dụng túi nilon, ngoài ra nó gợi nhớ hình ảnh thân thương của các bà, các mẹ đi chợ ngày xưa nên tôi rất thích”. Nhưng không phải ai cũng có suy nghĩ như bà Mai, rất nhiều khách hàng đã cầm lên rồi đặt xuống và chuyển sang lựa chọn rau bỏ trong túi nilon theo cách thông thường.
Ông Lê Văn Quả chia sẻ: Làm sao giảm được việc sử dụng túi nilon là một vấn đề nan giải và đau đầu nhất đối với An Nông trong suốt những năm qua, mà đến nay chưa làm được. Chúng tôi đã nhiều lần thử gói rau bằng lá chuối thay túi nilon nhưng chỉ được vài tiếng buổi sáng, đến chiều rau héo, khách lại chê. Cửa hàng cũng khuyến khích khách đựng chung nhiều hàng trong một túi, tái sử dụng các túi nilon sạch và đặc biệt là mang các giỏ đựng hàng dùng nhiều lần nhưng cho đến nay, hiệu quả chưa đâu vào đâu. Để thực hiện được, rất cần có sự đồng hành của khách hàng.
Kế hoạch số 800/KH-UBND, ngày 19/5/2021 của UBND tỉnh thực hiện Chương trình hành động quốc gia về SX-TD bền vững giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đề ra mục tiêu: Thúc đẩy quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu, khuyến khích phát triển các nguồn tài nguyên, nhiên liệu, nguyên vật liệu và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; thúc đẩy SX-TD bền vững trên nền tảng đổi mới, sáng tạo, thực hành và phát triển các mô hình SX-TD bền vững, đẩy mạnh sản xuất và tiêu dùng nội địa bền vững, tạo việc làm ổn định và việc làm xanh, thúc đẩy lối sống bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến phát triển nền kinh tế tuần hoàn trên địa bàn.
Tại Co.opmart Quảng Bình, nhiều năm qua, siêu thị duy trì thực hiện các chương trình kích cầu tiêu dùng xanh, đặc biệt là nỗ lực chung tay giảm rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi nilon. Đơn vị đã tiên phong sử dụng 100% túi tự hủy sinh học để đựng hàng hóa cho khách hàng, khuyến khích khách sử dụng túi tái sử dụng nhiều lần, túi môi trường khi mua sắm tại các điểm bán; thay thế các sản phẩm như ống hút nhựa, muỗng nhựa… trên quầy kệ bằng sản phẩm có nguồn gốc thân thiện với môi trường như bã mía, giấy, gạo hay các dạng nguyên liệu thân thiện môi trường.
Giám đốc Co.opmart Quảng Bình Lương Thị Kiều Lan Chi cho hay: Để tạo nên xu hướng tiêu dùng xanh là không dễ và không thể thực hiện trong một sớm, một chiều. Qua các đợt tổ chức các chương trình cho thấy, tỉ lệ hưởng ứng của người tiêu dùng không nhiều. Mặc dù rất nhiều khách hàng nhận thức được vấn đề bảo vệ môi trường nhưng họ chưa có thói quen. Siêu thị chúng tôi buộc phải đưa ra các chương trình kích cầu như giảm giá các sản phẩm thân thiện môi trường, tặng phiếu mua hàng cho khách dùng túi sử dụng nhiều lần,… để dần hình thành thói quen, hành vi cho người tiêu dùng.
Tiêu dùng bền vững và các sản phẩm thân thiện với môi trường được xác định sẽ tiếp tục là xu hướng chủ đạo trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Đây sẽ là động lực để các nhà sản xuất, kinh doanh kiên trì, bền bỉ theo đuổi xu hướng sản xuất, kinh doanh bền vững, dù có thể phải gặp rất nhiều khó khăn.
(QBĐT) - Bên cạnh chương trình OCOP, chương trình bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu là một kênh đánh giá quan trọng đối với các sản phẩm công nghiệp nông thôn hiện nay.
(QBĐT) - Sáng 24/7, Sở Công thương phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức lớp tập huấn về hội nhập quốc tế và xuất nhập khẩu năm 2024.