Không lơ là với dịch tả lợn châu Phi

  • 05:07, 23/07/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Từ đầu năm đến nay, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xuất hiện tại một số địa phương trong tỉnh. Ngành Nông nghiệp, các địa phương, người chăn nuôi đang tích cực thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế thấp nhất các ổ dịch phát sinh, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan.
 
Tính đến ngày 23/7, DTLCP đã xảy ra ở 17 hộ/8 thôn/7 xã, phường của 4 huyện, thành phố, gồm: TP. Đồng Hới, Tuyên Hóa, Quảng Trạch và Minh Hóa; làm 251 con lợn buộc tiêu hủy với trọng lượng 17.355kg. Hiện tại, còn 4 xã/4 huyện, thành phố có dịch chưa qua 21 ngày, gồm: Phường Đồng Sơn (TP. Đồng Hới), xã Tân Hóa (Minh Hóa), xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa), Quảng Hợp (Quảng Trạch). Riêng xã Lâm Hóa có 5 hộ/1 thôn với 113 con lợn buộc tiêu hủy.
Tiêu hủy đàn lợn bị dịch tả lợn châu Phi tại xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa).
Tiêu hủy đàn lợn bị dịch tả lợn châu Phi tại xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa).
DTLCP đã có vắc-xin tiêm phòng, tuy nhiên do bệnh chưa đưa vào danh mục bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phải áp dụng biện pháp phòng bệnh bắt buộc bằng vắc-xin cho động vật nuôi theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT. Vắc-xin DTLCP hiện đã có trên thị trường, nhưng do tâm lý e ngại nên người dân chưa chủ động sử dụng cho đàn lợn; công tác quản lý vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn tại một số địa phương chưa chặt chẽ… Vì vậy, nguy cơ bệnh DTLCP tiếp tục phát sinh và lây lan ra các địa phương trong thời gian tới là rất lớn.
 
Nhằm hạn chế bệnh lây lan trên diện rộng, các địa phương có dịch đã tổ chức khoanh vùng, áp dụng biện pháp phòng, chống đồng bộ, quyết liệt và nhanh chóng khống chế.
 
Chủ tịch UBND xã Lâm Hóa Cao Phương Hướng cho biết: Khi có dịch bệnh xảy ra, địa phương đã thông báo rộng rãi trên hệ thống loa truyền thanh để các hộ chăn nuôi chủ động phòng, chống cho đàn lợn của gia đình. Cùng với đó, địa phương phối hợp với ngành chức năng của huyện tổ chức tiêu hủy số lợn nhiễm bệnh và nghi nhiễm bệnh, cấp gần 1 tấn vôi, 30 lít hóa chất phun thuốc khử trùng trên ở chuồng trại khu vực chăn nuôi. Đặc biệt, xã đã lập chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại bản Kè, chuẩn bị thuốc khử trùng cho người ra vào khi cần thiết, tại các thôn bản khác; cắm biển, rắc vôi bột hai bên đường để cảnh báo cho người dân nơi khác đến, tránh làm lây lan dịch bệnh.
 
Hiện, tổng đàn gia súc trên địa bàn huyện Tuyên Hóa ước có 46.857 con, trong đó đàn lợn là 24.240 con. Từ đầu năm đến nay, DTLCP đã xảy ra tại 6 hộ/2 thôn, bản thuộc 2 xã Mai Hóa, Lâm Hóa, làm 125 con lợn mắc bệnh, chết, buộc tiêu hủy. 
Phun thuốc tiêu độc, khử trùng xung quanh khu vực chăn nuôi khi có dịch bệnh xảy ra.
Phun thuốc tiêu độc, khử trùng xung quanh khu vực chăn nuôi khi có dịch bệnh xảy ra.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Tuyên Hóa Phạm Anh Minh cho biết: Nhằm hạn chế DTLCP lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng đến kinh tế của người chăn nuôi, UBND huyện đã tập trung mọi nguồn lực để khống chế dịch trong diện hẹp, hạn chế dịch bệnh dây dưa, kéo dài; tổ chức công bố dịch, công bố hết dịch theo quy định của Luật Thú y. UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống; tăng cường giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh để tránh lây lan; tích cực tuyên truyền đến người dân chăn nuôi bằng nhiều hình thức…
 
Ông Đoàn Thanh Định, xã Đồng Hóa (Tuyên Hóa) cho biết: Hiện, gia đình nuôi từ 50-70 con lợn thịt và 10 con lợn nái. Để ngăn ngừa DTLCP xâm nhập, ngoài việc bảo đảm chuồng trại thoáng mát, sạch sẽ, được khử trùng, tiêu độc theo định kỳ, gia đình thực hiện hạn chế người lạ ra vào chuồng trại, không mua con giống trôi nổi trên thị trường nên nhiều năm nay đàn lợn của gia đình luôn an toàn.
Lập chốt kiểm soát dịch tả lợn châu Phi tại xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa).
Lập chốt kiểm soát dịch tả lợn châu Phi tại xã Lâm Hóa (Tuyên Hóa).
Theo thống kê của Sở NN-PTNT, hiện nay, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh có khoảng 261.879 con, nhưng hơn 75% tổng đàn là chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Để chủ động ngăn ngừa, ngành Nông nghiệpđã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về công tác phòng, chống bệnh dịch; áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc con giống để ngăn ngừa lây lan DTLCP từ bên ngoài vào chuồng trại.
 

"Để tránh lây lan dịch bệnh, các địa phương cần xử lý nghiêm trường hợp giấu dịch, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường; người chăn nuôi luôn cảnh giác cao độ trước những nguồn lây nhiễm từ bên ngoài thông qua thương lái, phương tiện vận chuyển lợn, cám và những người lạ", ông Trần Công Tám cho biết thêm.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Trần Công Tám cho biết: Với tinh thần không chủ quan lơ là, hiện đơn vị đang tăng cường tổ chức lấy mẫu giám sát DTLCP, hướng dẫn các địa phương thành lập đội phản ứng nhanh để chỉ đạo, hướng dẫn xử lý dứt điểm các ổ dịch ngay khi mới xuất hiện, quyết không để lây lan ra diện rộng. Đồng thời, tuyên truyền người dân, các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa, tổ chức rắc vôi bột, phun thuốc tiêu độc, khử trùng xung quanh khu vực chăn nuôi; khử trùng nguồn nước sử dụng trong chăn nuôi; chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn lợn theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT.
 
Đối với các địa phương chưa xảy ra dịch bệnh, chi cục cũng đã phối hợp với chính quyền thường xuyên thông tin tuyên truyền về tình hình dịch bệnh nói chung trên động vật nuôi, trong đó có DTLCP, tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh trên đàn lợn, kịp thời phát hiện, lấy mẫu xét nghiệm xác định bệnh, triển khai sớm có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch; quản lý chặt chẽ công tác nhập lợn vào địa bàn, đặc biệt là lợn để làm giống, nuôi thương phẩm, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
 Thanh Hoa

tin liên quan

Bố Trạch: Tích cực chăm sóc cây trồng vụ hè-thu
Bố Trạch: Tích cực chăm sóc cây trồng vụ hè-thu

(QBĐT) - Thời tiết khá thuận lợi nên cây trồng vụ hè-thu trên địa bàn huyện Bố Trạch đang sinh trưởng và phát triển ổn định. Hiện, bà con nông dân tích cực chăm sóc cây trồng, kiểm tra sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Kỳ vọng mô hình nuôi trai lấy ngọc
Kỳ vọng mô hình nuôi trai lấy ngọc

(QBĐT) - Nuôi trai nước ngọt lấy ngọc là mô hình mới, kỹ thuật mới, tương đối phức tạp, thế nhưng lão nông Phan Văn Lịnh, xã Kim Hóa (Tuyên Hóa) vẫn quyết tâm nuôi thử nghiệm, bước đầu cho tín hiệu tích cực, khả quan.

Tạo chuyển biến trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường
Tạo chuyển biến trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường

(QBĐT) - Theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), từ đầu năm đến nay, công tác quản lý nhà nước về TN-MT trên địa bàn tỉnh tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, dần đi vào nền nếp, đúng quy định của pháp luật. Qua đó, tích cực góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.