(QBĐT) - Ngày 22/5, thực hiện sự phân công của UBND tỉnh, Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức làm việc với đoàn các doanh nghiệp tỉnh Yamanashi (Nhật Bản) nhân dịp đoàn đến thăm, tìm hiểu thông tin, khả năng hợp tác tại Quảng Bình.
![]() |
Đặt vấn đề tại buổi làm việc, ông Sakamoto Tetsuji, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ xây dựng Kofu, trưởng đoàn công tác, cho biết: Sau khi biên bản ghi nhớ thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa 2 địa phương Quảng Bình và Yamanashi được ký kết vào tháng 9/2023, các doanh nghiệp của tỉnh Yamanashi rất muốn đến thăm, tìm hiểu thông tin, khả năng hợp tác với Quảng Bình trong các lĩnh vực.
|
Tại buổi làm việc, phía các doanh nghiệp tỉnh Yamanashi đã giới thiệu tổng quan về các lĩnh vực kinh doanh thế mạnh của mình, đồng thời đề nghị tỉnh Quảng Bình thông tin về tình hình kinh tế-xã hội, các tiềm năng thế mạnh và định hướng thu hút đầu tư của tỉnh.
|
Sau khi xem phim giới thiệu tổng quan về tiềm năng, lợi thế, các lĩnh vực cần thu hút đầu tư của địa phương, đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh Quảng Bình đã lần lượt trả lời các câu hỏi liên quan đến các lĩnh vực mà phía đoàn các doanh nghiệp tỉnh Yamanashi quan tâm.
|
Theo đó, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 28 dự án FDI, tổng vốn đăng ký khoảng 1,2 tỷ USD. Trong đó, có 19 dự án đầu tư đã hoàn thành, đi vào hoạt động chính thức. Các dự án thuộc các lĩnh vực năng lượng tái tạo, sản xuất vật liệu xây dựng, chăn nuôi, xử lý rác thải…
|
Hiện, Quảng Bình mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản tiếp tục đầu tư vào tỉnh; trong đó, tỉnh ưu tiên kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực: Cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp; các nhà máy sản xuất công nghệ cao; khu du lịch đẳng cấp quốc tế ở khu vực ven biển và Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng; năng lượng sạch, năng lượng tái tạo đặc biệt là điện gió. Khuyến khích vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp: Rừng gỗ lớn, vườn dược liêụ, nuôi trồng thủy hải sản trên biển, xây dựng các nhà máy chế biến thủy hải sản…
|
Đặc biệt, Quảng Bình có tiềm năng phát triển du lịch rất phù hợp với Nhật Bản như là các khu du lịch trải nghiệm với thiên nhiên, tắm nước khoáng nóng, chơi golf. Tỉnh đang quy hoạch Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng trở thành trung tâm du lịch mạo hiểm của châu Á với các điểm nhấn như cầu kính, leo núi.
Sau dịch Covid-19, Quảng Bình bắt đầu đón 4,5 triệu lượt khách/năm, với tổng doanh thu gần 5.000 tỷ đồng.
![]() |
Quảng Bình hiện có hơn 6.000 lao động xuất khẩu, riêng tại Nhật Bản có gần 2.500 lao động đã qua đào tạo nghề. Tỉnh rất cần kết nối với đầu mối doanh nghiệp ở Nhật Bản, đặc biệt là ở tỉnh Yamanashi để hỗ trợ người lao động sang làm việc hiệu quả hơn.
Trên tinh thần cởi mở, 2 bên đã cùng trao đổi về nhu cầu hợp tác trên các lĩnh vực: Du lịch, công nghiệp sản xuất và cung ứng nguồn nhân lực.
Kết thúc buổi làm việc, Sở Ngoại vụ hướng dẫn đoàn đi thăm Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng và một số khu lưu trú đáng chú ý khác.
Phan Phương