(QBĐT) - Để góp phần bảo vệ rừng (BVR) theo hướng bền vững, thời gian qua, dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ cho các chủ rừng, bà con gần rừng phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ động động vật hoang dã (ĐVHD). Nhờ đó, đời sống của bà con ngày càng được cải thiện, nhận thức BVR, bảo tồn đa dạng sinh học của người dân ngày càng được nâng cao.
|
Dự án VFBC tại Quảng Bình triển khai tại hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học của dự án VFBC được thực hiện tại Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng (VQG PN-KB), Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong (DTTN ĐC-KNT) và các xã vùng đệm. Trong năm 2023, dự án triển khai thực hiện 56 hoạt động của 4 tiểu hợp phần, trong đó đã hoàn thành 51 hoạt động, chiếm tỷ lệ 91,07%.
Cuối năm 2023, dự án đã giải ngân được 624.631 USD/647.703 USD vốn ODA của 4 tiểu hợp phần (THP) 6, 7, 8 và 9, đạt 96,44% kế hoạch năm 2023. Trong năm, Ban quản lý dự án VFBC đã phối hợp với các đơn vị thực hiện dự án tổ chức nghiệm thu, bàn giao, tiếp nhận 113 sản phẩm. Trong đó, THP 6, do Tổ chức Helvetas thực hiện đã tiến hành bàn giao, nghiệm thu 54 sản phẩm; THP 7, 8, 9 do Tổ chức Fauna & Flora thực hiện đã tiến hành bàn giao, nghiệm thu 59 sản phẩm.
Riêng THP 6 của dự án đã tập trung hỗ trợ cho người dân xây dựng chuỗi giá trị mật ong, lạc, ớt tại xã Thượng Hóa, Hóa Sơn (Minh Hóa), Hưng Trạch (Bố Trạch) và một số địa phương trong vùng dự án.
Bên cạnh đó, dự án còn tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi; khảo sát 4 địa điểm trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm của các chuỗi giá trị, kết nối đơn vị thu mua sản phẩm cho các HTX; tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng làm du lịch cho cộng đồng cho người dân bản Rum-Ho xã Kim Thủy (Lệ Thủy); tập huấn và chuyển giao các thiết bị khoa học kỹ thuật cho lực lượng BVR…
![]() |
Đến nay, THP 6 của dự án VFBC đã hỗ trợ, giúp đỡ sản xuất được 4 sản phẩm nông nghiệp đạt OCOP 3 sao trở lên; xây dựng thành công mô hình trồng sâm Bố Chính VietGAP ở xã Trường Sơn (Quảng Ninh); phát triển 20ha ớt hữu cơ, 30ha đậu tương và lạc hữu cơ, 10ha thảo dược hữu cơ, 20ha vừng đen tại các địa phương thực hiện dự án…
Ngoài ra, THP 7 của dự án đã lắp đặt và thu hồi 157 trạm bẫy ảnh ở VQG PN-KB và Khu DTTN ĐC-KNT, ghi nhận nhiều loài ĐVHD; tổ chức 21 lớp tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho lực lượng BVR.
THP 8 hỗ trợ thành lập 5 tổ liên ngành với 76 thành viên; tổ chức 14 đợt kiểm tra và ngăn chặn hành vi vi phạm rừng với các cơ sở kinh doanh, chủ rừng; thành lập và vận hành 14 đội tuần tra BVR và tháo gỡ bẫy dựa vào cộng đồng. Các đội đã tuần tra đã tháo gỡ 2.417 bẫy ĐVHD và 16 lán trại. THP 9 đã hỗ trợ ký 198 bản cam kết với các cơ sở kinh doanh địa phương nói không với sản phẩm từ ĐVHD; hỗ trợ thành lập 8 nhóm bảo tồn cộng đồng với 210 thành viên...
Được sự hỗ trợ của dự án VFBC, HTX Dịch vụ nông nghiệp Hưng Trạch (Bố Trạch) được thành lập năm 2022. Từ khi đi vào hoạt động, HTX đã tập trung phát triển trồng nấm các loại, trồng lạc, nuôi ong lấy mật. “Nhờ có dự án VFBC hỗ trợ, HTX đã thành lập được 3 tổ hợp tác (THT) trồng ớt, nuôi ong và trồng nấm với hàng trăm thành viên tham gia. Hiện, HTX đã trồng được 19ha lạc, hơn 200 đàn đã cho khai thác mật. Từ ngày thành lập, HTX đã tạo ra việc làm cho hàng trăm lao động trên địa bàn xã, góp phần phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, giúp nhiều người dân bỏ hẳn nghề rừng”, bà Lê Thị Lan, Chủ nhiệm kiêm Chủ tịch HĐQT HTX Dịch vụ nông nghiệp Hưng Trạch chia sẻ.
![]() |
Anh Trung chia sẻ: “Dự án VFBC đã hỗ trợ cho tôi tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản nấm hiệu quả. Qua đó, THT của chúng tôi tạo công ăn việc làm cho 10 thành viên, thu nhập của THT đạt mỗi năm khoảng 150 triệu đồng, sản phẩm nấm sò được công nhận OCOP 3 sao. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm. Thời gian tới, THT sẽ tiếp tục mở rộng diện tích, trồng thêm nhiều loại nấm để tạo việc làm cho bà con trong xã, hạn chế tình trạng người dân vào rừng khai thác gỗ, săn bắt ĐVHD...”.
Xã Thượng Hóa (Minh Hóa) là địa phương có diện tích rừng lớn, độ che phủ rừng cao, trong rừng còn nhiều loại gỗ quý và ĐVHD. Trước đây, người dân trên địa bàn sống phụ thuộc vào rừng khiến rừng bị ảnh hưởng. Nhằm chung tay BVR, dự án VFBC đã hỗ trợ cho người dân nơi đây thành lập nhóm bảo tồn cộng đồng; hỗ trợ trồng được gần 1ha ớt mọi và xây dựng thương hiệu cho loại ớt này; hỗ trợ máy sản xuất nông nghiệp, 105 đàn ong; tập huấn cho bà con sản xuất nông nghiệp, quản lý, BVR…
Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa Cao Xuân Đàn cho biết: “Dự án VFBC hỗ trợ đã góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho người dân; ý thức thức BVR của bà con cũng đã có nhiều thay đổi tích cực. Một số mô hình nuôi ong, trồng ớt đang được triển khai có hiệu quả. Nhiều người dân trên địa bàn cũng đã bỏ nghề rừng để chuyển qua sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt, tình trạng săn bắt, buôn bán ĐVHD trên địa bàn đã giảm hẳn, có những trường hợp người dân còn giao nộp các loại ĐVHD quý hiếm cho cơ quan chức năng”.
|
Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm kiêm Giám đốc Dự án VFBC Quảng Bình Nguyễn Văn Long cho biết: “Để triển khai hiệu quả các hoạt động, Ban quản lý dự án VFBC sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các nhà thầu, đơn vị tư vấn thực hiện các hoạt động; xây dựng kế hoạch để tham vấn và thống nhất giữa các bên để tổ chức thực hiện. Ban quản lý dự án cũng sẽ tăng cường phối hợp và chia sẻ thông tin với các bên liên quan nhằm kịp thời cập nhật và hỗ trợ các thủ tục cần thiết để thực hiện hiệu quả các phần việc của dự án trong thời gian tới...”.
Năm 2024, dự án VFBC Quảng Bình sẽ triển khai 46 hoạt động, trong đó: Tiểu hợp phần 6 có 15 hoạt động; tiểu hợp phần 7 có 16 hoạt động; tiểu hợp phần 8 có 7 hoạt động và tiểu hợp phần 9 có 8 hoạt động. Hiện nay, các nhà thầu, đơn vị tư vấn đang triển khai thực hiện các hoạt động theo kế hoạch được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt. Theo kế hoạch hoạt động năm 2024, dự án sẽ giải ngân 836.000 USD vốn ODA cho các hoạt động hiện trường và các hoạt động khác.
|
Xuân Vương