Quảng Trạch: Giảm nghèo nhờ nguồn vốn ưu đãi

  • 07:11, 07/11/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời gian qua, huyện Quảng Trạch đã tập trung triển khai nhiều giải pháp thiết thực và hiệu quả trong công tác giảm nghèo. Đặc biệt là tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn ưu đãi từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (PGD NHCSXH) huyện để đầu tư phát triển sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm công tác an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước.
 
Trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hà, ở thôn Trường Xuân thuộc diện hộ nghèo của xã Phù Hóa. Mặc dù quanh năm vất vả cấy lúa, trồng đủ cây màu kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm nhưng gia đình chị Hà chưa thoát được nghèo.
 
Chị Hà cho biết, khi được Hội Nông dân (HND) xã tư vấn, vận động tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi và tạo điều kiện làm thủ tục vay vốn từ PGD NHCSXH huyện, gia đình đã tìm hiểu và quyết định đầu tư nuôi dúi.
 
“Qua kênh ủy thác của HND xã, gia đình tôi được vay 100 triệu đồng từ PGD NHCSXH huyện. Cùng với nguồn vốn sẵn có, gia đình đã xây dựng chuồng trại, mua sắm các loại máy móc cần thiết và 50 con dúi giống về nuôi. Nhờ nắm rõ quy trình kỹ thuật nuôi nên đàn dúi của gia đình sinh sản, phát triển tốt, đến nay lên đến hơn 100 con. Hiện, bình quân mỗi cặp dúi giống có giá dao động từ 2-2,5 triệu đồng (tùy theo trọng lượng); còn thịt dúi được xem là món ăn bổ dưỡng, thịt thơm, ngon, nên việc tiêu thụ cũng rất thuận lợi. Nhờ đàn dúi gia đình đã có nguồn thu nhập ổn định và vươn lên thoát nghèo.”, chị Hà chia sẻ. 
Được vay vốn ưu đãi từ PGD NHCSXH huyện Quảng Trạch, gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hà (xã Phù Hóa) đã đầu tư nuôi dúi để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Được vay vốn ưu đãi từ PGD NHCSXH huyện Quảng Trạch, gia đình chị Nguyễn Thị Thu Hà (xã Phù Hóa) đã đầu tư nuôi dúi để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Không chỉ có gia đình chị Hà, ở xã Phù Hóa có rất nhiều hộ vươn lên thoát nghèo nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi từ PGD NHCSXH huyện. Ông Nguyễn Văn Tài, Chủ tịch HND xã Phù Hóa cho biết, hiện nay, HND xã đang quản lý 4 tổ tiết kiệm và vay vốn của PGD NHCSXH huyện, với 148 thành viên, tổng dư nợ 9,8 tỷ đồng. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi này, hàng trăm hộ nghèo, hội viên nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh; nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống chỉ sau một thời gian sử dụng hiệu quả nguồn vốn.  

Thời gian qua, PGD NHCSXH huyện Quảng Trạch đã tích cực phối hợp với chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội các xã tạo điều kiện giúp hộ nghèo và đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, học tập, giải quyết việc làm, xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, xây dựng nhà ở…, góp phần giúp huyện Quảng Trạch thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm công tác an sinh xã hội trên địa bàn.

Phó Giám đốc PGD NHCSXH huyện Quảng Trạch Trần Thị Thu Nga cho biết, hiện đơn vị đang triển khai cho vay 14 chương trình tín dụng chính sách, với tổng dư nợ trên 604 tỷ đồng, tạo điều kiện cho trên 12 nghìn khách hàng vay vốn. Riêng năm 2023, đơn vị đã giải ngân cho trên 2.300 khách hàng vay vốn, với số tiền trên 106 tỷ đồng. Một số chương trình có doanh số cho vay lớn, như: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, cho vay vệ sinh nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn và cho vay hỗ trợ việc làm duy trì và mở rộng việc làm...
 
Thời gian tới, PGD NHCSXH huyện Quảng Trạch sẽ tiếp tục điều hành hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn hiệu quả, bảo đảm cung cấp các dịch vụ đến 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có đủ điều kiện và nhu cầu vay vốn, góp phần thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
L.An

tin liên quan

Đề xuất giải pháp giảm thiểu nguy cơ thoái hóa đất sản xuất nông nghiệp
Đề xuất giải pháp giảm thiểu nguy cơ thoái hóa đất sản xuất nông nghiệp

(QBĐT) - Nhiệm vụ "Nghiên cứu đề xuất giải pháp giảm thiểu nguy cơ thoái hóa đất sản xuất nông nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình" do Trường đại học Nông Lâm-Đại học Huế chủ trì thực hiện sẽ đánh giá được thực trạng và đề xuất các giải pháp giảm thiểu thoái hóa đất sản xuất nông nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững trên địa bàn huyện Bố Trạch. 

Hiệu quả từ mô hình nuôi chồn hương sinh sản
Hiệu quả từ mô hình nuôi chồn hương sinh sản

(QBĐT) - Hơn 8 năm kiên trì theo đuổi nghề nuôi chồn hương, anh Nguyễn Minh Đức ở thôn Thuận Tiến, xã Thuận Hóa (Tuyên Hóa) bước đầu gặt hái thành công. Đến nay, với 30 con chồn hương sinh sản và 20 con chồn thương phẩm, mỗi năm gia đình anh thu về hơn 250 triệu đồng.

Hương trầm Trung Quán
Hương trầm Trung Quán

(QBĐT) - Thôn Trung Quán (xã Duy Ninh, Quảng Ninh) được biết đến là nơi sản xuất, cung ứng các sản phẩm trầm hương "sạch", chất lượng. Với mong muốn trầm hương Trung Quán vươn ra "biển lớn", địa phương đã thành lập Tổ hội nghề nghiệp sản xuất, chế biến trầm hương Trung Quán để cùng kết nối, xây dựng thương hiệu, liên kết thị trường.