Mở hướng làm giàu

  • 07:11, 15/11/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Việc cấm săn bắt động vật hoang dã (ĐVHD) đang được các lực lượng chức năng triển khai thực thi rất nghiêm ngặt. Nắm bắt được thực tế này, nhiều nông dân ở huyện miền núi Minh Hóa đã mạnh dạn đầu tư gây nuôi một số loài ĐVHD hợp pháp để xuất bán ra thị trường, mở hướng làm giàu mới đầy hứa hẹn.
 
Ông Đinh Viết Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Hóa Hợp cho hay, khi bắt tay vào nghề mới này, nhiều nông dân ở địa phương xác định, nuôi ĐVHD là công việc rất khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng cũng hứa hẹn mang lại nhiều đổi thay trong cuộc sống. Bởi đây là một nghề mới, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm cũng như khả năng tài chính đầu tư ban đầu...
 
Thực tiễn ở địa phương cho thấy, nhờ chịu khó tìm tòi học hỏi về cách thức chăn nuôi ĐVHD cũng như tích cực chia sẻ những kinh nghiệm quý giá khi tham gia vào nghề mới này, nhiều nông dân ở xã Hóa Hợp đã thành công, thực sự thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Tiêu biểu như mô hình nuôi chồn hương (hay còn gọi là cầy vòi hương) tại xã Hóa Hợp hiện đã có các hộ nuôi thành công, như: Đinh Văn Hiến, Đinh Văn Việt, Đinh Ngọc Châu, Cao Hòa, Hồ Thị Ân...
Nhờ mạnh dạn đầu tư nuôi chồn hương, kinh tế gia đình anh Đinh Văn Việt ngày càng ổn định.
Nhờ mạnh dạn đầu tư nuôi chồn hương, kinh tế gia đình anh Đinh Văn Việt ngày càng ổn định.
Dẫn chúng tôi vào khu vực chuồng trại để cho chồn hương ăn, anh Đinh Văn Việt (SN 1990), trú tại thôn Lâm Khai, xã Hóa Hợp kể về cơ duyên đến với nghề mới này: "Trước đây, bản thân tôi cũng từng "lén lút" mua chồn hương trôi nổi ngoài thị trường về nuôi thử, nhưng tỷ lệ sống và sinh sản không cao. Hơn nữa, nếu nuôi thành công thì việc kê khai để bán sản phẩm chồn hương ra thị trường là rất khó, thậm chí là vi phạm pháp luật nếu không chứng minh được nguồn gốc rõ ràng. Qua tìm hiểu trên sách, báo, internet và xem trên tivi để nghiên cứu về cách thức nuôi chồn hương, nhận thấy việc nuôi loài ĐVHD này nếu tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật thì sẽ được các cơ quan chức năng chấp thuận, hỗ trợ. Vì thế, khoảng năm 2015, với sự giúp đỡ tận tình của cán bộ Kiểm lâm ở địa phương, gia đình tôi đã đầu tư kinh phí để xây dựng khu chuồng trại, mua chồn hương giống về nuôi. Đến nay, gia đình tôi duy trì nuôi từ 10-20 con chồn hương trong chuồng để phát triển kinh tế và tự chủ trong việc nhân đàn, không phải mua thêm con giống. Đây là một nghề mới nhiều hứa hẹn, có thể giúp nhiều nông dân vươn lên trong cuộc sống nếu chịu khó tìm tòi, học hỏi kỹ càng trước khi bắt tay vào thực hiện...".
 
Dù "bén duyên" với nghề nuôi chồn hương chậm hơn so với anh Việt, nhưng ông Cao Thanh Sơn (SN 1959), trú tại thôn Lâm Khai, xã Hóa Hợp vẫn chịu khó học tập kinh nghiệm để nuôi và nhân đàn thành công từ 4 con (năm 2019) lên 18 con chồn hương như hiện nay.
Một hộ nuôi chồn hương ở xã Hóa Hợp.
Một hộ nuôi chồn hương ở xã Hóa Hợp.
Ông Sơn tâm sự: "Năm 2022, gia đình bán được 4 con giống (mỗi con có giá khoảng 5 triệu đồng), cơ bản thu lại đủ tiền vốn đã bỏ ra để mua giống, số còn lại coi như là lãi ròng. Chồn hương có đặc tính nhút nhát, thường ngủ ngày và ăn vào ban đêm nên việc bố trí chuồng trại phải để ở nơi yên tĩnh, sạch sẽ để tránh các mầm bệnh xảy ra. Món ăn ưa thích của chồn hương thường là cá rô, gạo, chuối, mít... nên chi phí thức ăn cho chúng cũng khá rẻ, khoảng 3 nghìn đồng/con/ngày. Quan trọng nhất là người nuôi chồn hương cần phải thực hiện nghiêm túc việc "khai sinh, khai tử" cụ thể đối với từng cá thể cho lực lượng chức năng nắm bắt về biến động đàn. Nếu bỏ qua công đoạn này, người nuôi sẽ bị "dính" vào hành vi vi phạm pháp luật. Từ chỗ nhiều năm liền gia đình nằm trong diện nghèo và cận nghèo của xã, nay nhờ đến với nghề nuôi chồn hương, vợ chồng tôi có thể tự tin khẳng định đã trở thành hộ khá ở xã...".
 
Ông Nguyễn Công Chung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Minh Hóa cho biết, để hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi ĐVHD trên địa bàn đạt hiệu quả, tuân thủ đúng quy định của pháp luật, thời gian qua, đơn vị luôn tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn Kiểm lâm địa bàn thực hiện các nội dung: Thường xuyên kiểm tra, theo dõi, giám sát hoạt động của các cơ sở gây nuôi ĐVHD trên địa bàn, đặc biệt là công tác cập nhật biến động số lượng ĐVHD vào sổ theo dõi bảo đảm kịp thời, đúng quy định theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP, ngày 22/1/2019 của Chính phủ; hướng dẫn các cơ sở nuôi thực hiện việc đánh dấu mẫu vật nuôi đối với các loài thuộc danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm...
 
Ngoài ra, đơn vị còn tăng cường kiểm tra, rà soát lại hệ thống cơ sở nuôi trên địa bàn quản lý nhằm đề xuất cấp có thẩm quyền hủy mã số đối với các cơ sở nuôi vi phạm các quy định về gây nuôi ĐVHD hoặc không còn nhu cầu nuôi ĐVHD.
 
Huyện Minh Hóa hiện có 9 cơ sở chăn nuôi ĐVHD thông thường (lợn rừng, dúi và chim thông thường...) cùng 23 cơ sở chăn nuôi ĐVHD nguy cấp quý hiếm (chồn hương, cầy vòi mốc, nhím, don, dúi mốc lớn...) với tổng số 395 con.
Đối với các cơ sở nuôi có số lượng các loài ĐVHD nguy cấp quý, hiếm và động vật rừng thông thường nhiều, tính thương mại cao, Hạt Kiểm lâm huyện cũng yêu cầu Kiểm lâm địa bàn tăng cường kiểm tra, theo dõi và hướng dẫn chủ cơ sở nuôi thực hiện công tác gây nuôi ĐVHD theo quy định của pháp luật, đặc biệt là công tác xuất, nhập trong cơ sở nuôi, bảo đảm số lượng ĐVHD đang nuôi ở cơ sở phải phù hợp với số lượng ghi chép trong sổ theo dõi, tránh tình trạng chủ cơ sở nuôi lợi dụng để nuôi nhốt, buôn bán, tiêu thụ  ĐVHD trái pháp luật...
Văn Minh

 

tin liên quan

Tập huấn nghiệp vụ chuyên ngành tài nguyên và môi trường
Tập huấn nghiệp vụ chuyên ngành tài nguyên và môi trường
(QBĐT) - Trong ngày 15-16/11, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức lớp tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành tài nguyên và môi trường năm 2023.
 
Đề nghị tăng chuyến bay đi, đến Quảng Bình
Đề nghị tăng chuyến bay đi, đến Quảng Bình

(QBĐT) - UBND tỉnh vừa ban hành Công văn số 2314/UBND-NCVX về việc tăng cường năng lực khai thác đường bay Đồng Hới-Hà Nội, Đồng Hới-TP. Hồ Chí Minh.

Bố Trạch: Gần 4.000 người dân được vay vốn ưu đãi
Bố Trạch: Gần 4.000 người dân được vay vốn ưu đãi
(QBĐT) - Thời gian qua, từ nguồn vốn của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bố Trạch đã có gần 4.000 người dân chủ động vay vốn phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.