Tập trung phát triển kinh tế vùng gò đồi

  • 07:10, 25/10/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế vườn đồi, những năm qua, huyện Quảng Trạch đã khuyến khích, hỗ trợ người dân thực hiện cải tạo đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, áp dụng khoa học-kỹ thuật, phát triển các mô hình kinh tế theo hướng gia trại, trang trại... mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần ổn định đời sống người dân.
 
Làm giàu từ kinh tế vườn đồi
 
Qua giới thiệu của Hội Cựu chiến binh huyện Quảng Trạch, chúng tôi đến thăm trang trại của ông Phan Xuân Thủy ở thôn 3, xã Quảng Thạch. Nhìn khu trang trại tổng hợp vườn-ao-chuồng được quy hoạch chỉn chu đang bừng sức sống, ít người biết rằng nơi đây từng là một vùng đất cằn sỏi đá, mọc toàn cây dại.
 
Dẫn khách đi thăm trang trại, ông Thủy kể: "Năm 1988, tôi rời quân ngũ trở về quê, cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn. Với bản lĩnh của người lính, tôi quyết định đưa gia đình lên vùng đồi khai hoang tạo dựng cuộc sống mới. Ngày mới lên đây, cũng gặp không ít trở ngại, nhưng với quyết tâm không cam chịu đói nghèo, gia đình thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài” để từng bước phát triển trang trại.
 
Ngày qua ngày, với sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và bà con làng xóm, gia đình tôi đã xây dựng được trang trại rộng 8ha gồm rừng keo tràm, cây ăn quả, cây tiêu… và hệ thống chuồng trại nuôi bò, dê, ao nuôi cá. Đến thời điểm này, chưa kể rừng keo tràm đang phát triển, mỗi năm gia đình tôi cũng đã có thu hoạch hơn 300 triệu đồng”.
Nhiều hộ dân ở vùng gò đồi huyện Quảng Trạch trồng tiêu cho thu nhập cao.
Nhiều hộ dân ở vùng gò đồi huyện Quảng Trạch trồng tiêu cho thu nhập cao.
Thôn Bưởi Rỏi (xã Quảng Hợp) là nơi xa nhất của huyện Quảng Trạch. Do giao thông đi lại khó khăn, không có điều kiện để tiếp cận, giao thương hàng hóa, nên hơn 10 năm về trước, Bưởi Rỏi cũng là thôn nghèo nhất xã. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, ngành, người dân thôn Bưởi Rỏi đã biết tận dụng lợi thế vùng gò đồi của mình để phát triển kinh tế. Trong điều kiện không có đất ruộng, bà con nơi đây đã đẩy mạnh trồng rừng nguyên liệu kết hợp với chăn nuôi. Những cánh rừng trồng và đàn đại gia súc đã giúp thôn Bưởi Rỏi giảm nghèo bền vững, bức tranh nông thôn đổi thay về mọi mặt.
 
Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp Bùi Hải Lưu cho biết, không riêng gì thôn Bưởi Rỏi, hiện các thôn khác trên địa bàn xã cũng nắm bắt xu hướng phát triển của vùng gò đồi nên đã tận dụng tiềm năng, lợi thế đất đai rộng lớn để trồng rừng nguyên liệu và phát triển chăn nuôi. Toàn xã hiện có gần 40 mô hình kinh tế trang trại, gia trại vùng gò đồi, mỗi năm mang lại thu nhập hàng chục tỷ đồng, góp phần quan trọng giúp xã phát triển kinh tế-xã hội và giảm nghèo bền vững.
 
Khai thác tiềm năng vùng đồi
 
Quảng Trạch có gần 28.000ha gò đồi, chiếm hơn nửa diện tích toàn huyện, trong đó có hơn 14.000ha đất lâm nghiệp. Để phát huy tiềm năng, 5 năm qua địa phương đã ban hành các nghị quyết, chính sách khuyến khích người dân phát triển kinh tế, xem đây là hướng phát triển lâu dài, bền vững. Hiện, toàn huyện có gần 600 hộ dân làm kinh tế vườn đồi có hiệu quả, với các loại cây trồng chủ đạo, như: Tiêu, tràm, bạch đàn, cây ăn quả kết hợp chăn nuôi trâu bò, dê, lợn, gà…
Nén (hành tăm) là một loại cây trồng ở vùng gò đồi Quảng Trạch cho thu nhập khá.
Nén (hành tăm) là một loại cây trồng ở vùng gò đồi Quảng Trạch cho thu nhập khá.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Trạch Trần Văn Định cho biết: Trong phát triển kinh tế vùng gò đồi, huyện xác định phát triển các mô hình kinh tế trang trại, gia trại gắn với thế mạnh trồng rừng và chăn nuôi. Trong đó, địa phương chú trọng hướng dẫn, khuyến khích người dân trồng các loại cây có giá trị cao, thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.
 
Những năm qua, huyện cũng đã hỗ trợ rất nhiều chương trình, dự án, giúp người dân khai thác tốt tiềm năng, lợi thế về diện tích đất vườn đồi ở các địa phương. Trong đó, chú trọng hỗ trợ người dân cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đem lại hiệu quả rất tích cực, góp phần tăng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.
 
“Trong thời gian tới, phòng tiếp tục tham mưu cho UBND huyện hướng dẫn các xã đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên vùng gò đồi. Trong đó, tập trung xây dựng các mô hình sản xuất mới theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao để nhân rộng trong toàn huyện. Bởi đây chính là động lực để các địa phương phát huy hết tiềm năng, thế mạnh vùng đất gò đồi của mình, góp phần đưa nền nông nghiệp của huyện phát triển bền vững”, ông Định nhấn mạnh.  
Phan Phương

tin liên quan

Chú trọng phát triển ngành nghề nông thôn
Chú trọng phát triển ngành nghề nông thôn

(QBĐT) - Thời gian qua, xã Quảng Thanh (Quảng Trạch) đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy ngành nghề nông thôn phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.    

Tiếp sức cho nông dân giảm nghèo bền vững
Tiếp sức cho nông dân giảm nghèo bền vững
(QBĐT) - Nhờ được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ chương trình vay ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hộ nông dân nghèo trong tỉnh đã có thêm nguồn lực và điều kiện để đầu tư phát triển các mô hình kinh tế.
Bế giảng các lớp nghiệp vụ du lịch, khách sạn
Bế giảng các lớp nghiệp vụ du lịch, khách sạn

(QBĐT) - Sáng 25/10, Sở Du lịch phối hợp với Trường trung cấp Du lịch-Công nghệ số 9 tổ chức lễ bế giảng và trao bằng tốt nghiệp cho học viên các lớp nghiệp vụ du lịch, khách sạn năm 2023.