Quảng Trạch: Thiếu cán bộ thú y, công tác phòng, chống dịch bệnh gặp khó

  • 08:08, 21/08/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP, ngày 24/4/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (Nghị định 34), huyện Quảng Trạch đã tiến hành tinh giản biên chế đối với cán bộ thú y (CBTY) cấp xã. Tuy nhiên, việc thiếu cả hệ thống CBTY cơ sở ở Quảng Trạch đã khiến tác phòng, chống dịch bệnh (PCDB) trên đàn gia súc ở địa phương này gặp rất nhiều khó khăn.
 
Khi không còn cán bộ thú y cấp xã
 
Những năm qua, lĩnh vực chăn nuôi trên địa bàn huyện Quảng Trạch phát triển và tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy, việc không có CBTY cấp xã đã tác động không nhỏ đến công tác tiêm phòng và bảo đảm an toàn dịch bệnh trên đàn vật nuôi.
 
Nhiều hộ chăn nuôi ở huyện Quảng Trạch cho biết: Trước đây mỗi khi địa bàn có dịch bệnh xảy ra, các cán bộ làm công tác thú y đều có mặt rất sớm tại các hộ gia đình có gia súc, gia cầm chết để tìm hiểu nguyên nhân và có biện pháp PCDB cho số vật nuôi còn lại. Nhưng sau khi CBTY cấp xã không còn trong biên chế nhà nước, công việc PCDB tại các hộ gia đình khó khăn hơn nhiều.
 
Bà Trần Thị Hiền (xã Quảng Hợp) cho biết, gia đình chỉ dám nuôi 2 con bò, dù chuồng trại bảo đảm sạch sẽ và rộng rãi. Trước đây trâu, bò bị bệnh, chỉ cần báo là cán bộ đến kiểm tra ngay, nhưng bây giờ dịch bệnh ngày càng xuất hiện nhiều mà xã không có CBTY nữa, gia súc có bị bệnh cũng không biết kêu ai.
Thiếu cán bộ thú y cấp cơ sở, công tác PCDB trên đàn gia súc ở huyện Quảng Trạch gặp nhiều khó khăn.
Thiếu cán bộ thú y cấp cơ sở, công tác PCDB trên đàn gia súc ở huyện Quảng Trạch gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, ông Từ Văn Nghị (xã Quảng Kim) cho biết, kinh tế gia đình ông chủ yếu dựa vào chăn nuôi lợn và trâu, bò. Thế nhưng thời gian qua, trên địa bàn liên tiếp xảy ra dịch tả lợn châu Phi và viêm da nổi cục trên trâu, bò, trong khi lực lượng CBTY cấp xã đã không còn, khiến gia đình ông băn khoăn, không dám mở rộng chăn nuôi để phát triển kinh tế.
 
Ông Nguyễn Văn Dương (xã Quảng Hưng) chia sẻ thêm: “Chăn nuôi lợn, gà đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình. Tuy nhiên với việc ở xã không còn CBTY, gia đình chỉ biết phòng tránh theo kinh nghiệm bằng cách rắc vôi bột, phun khử trùng chuồng trại, nhưng không biết hiệu quả đến đâu nên rất lo lắng.
 
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (TTDVNN) huyện Quảng Trạch Tưởng Chí Thành cho biết: Sau khi thực hiện việc tinh giản biên chế, toàn huyện chỉ còn xã Quảng Lưu còn biên chế CBTY và có 3 xã hợp đồng lại với CBTY là Quảng Thanh, Quảng Châu và Quảng Tùng.
 
Trong khi đó, tại TTDVNN huyện cũng chỉ có 2 cán bộ làm công tác thú y. Vì vậy, cứ đến thời điểm tiêm phòng hoặc các xã có phát sinh dịch bệnh, trung tâm rất vất vả trong việc cử CBTY hỗ trợ các xã tiêm phòng và PCDB trên đàn gia súc.
 
Đặc biệt, ở Quảng Trạch có 1 số địa phương có tập quán chăn thả gia súc trong rừng như Quảng Châu, Quảng Kim, Quảng Đông…, mỗi lần tiêm phòng gặp rất nhiều khó khăn, tốn nhiều thời gian, công sức nhưng kết quả tiêm PCDB lại đạt tỷ lệ rất thấp…
Thiếu cán bộ thú y cấp cơ sở, công tác PCDB trên đàn gia súc ở huyện Quảng Trạch gặp nhiều khó khăn.
Thiếu cán bộ thú y cấp cơ sở, công tác PCDB trên đàn gia súc ở huyện Quảng Trạch gặp nhiều khó khăn.
Nỗ lực tìm giải pháp để gỡ khó
 
Hệ thống thú y viên cấp xã là lực lượng quan trọng trong phát triển chăn nuôi trên địa bàn. Đây là lực lượng đi đầu trong giám sát, tiêm phòng và PCDB ở các địa phương. Chính vì vậy, việc thiếu CBTY cấp xã do tinh giản biên chế khi thực hiện Nghị định 34 ở Quảng Trạch đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phát triển chăn nuôi trên địa bàn.
 
Đặc biệt, thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm ở huyện Quảng Trạch diễn biến khá phức tạp. Trong 6 tháng đầu năm 2023, dịch tả lợn châu Phi xảy ra ở 2 xã Quảng Hưng và Quảng Đông làm 223 con lợn mắc bệnh; bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò xảy ra ở 6 xã, làm 59 con trâu, bò bị mắc bệnh, trong đó 11 con bị chết buộc tiêu hủy. Trong khi đó, như đã nêu ở trên, việc thiếu trầm trọng CBTY đã khiến công tác PCDB gặp rất nhiều khó khăn.
 
Tại kỳ họp thứ 9, HĐND huyện Quảng Trạch khóa XX diễn ra mới đây, nhiều đại biểu đã nêu thực trạng khó khăn về công tác PCDB, dẫn đến khó khăn trong việc phát triển chăn nuôi trên địa bàn. Các đại biểu đề xuất, kiến nghị huyện cần có giải pháp để sớm khắc phục tình trạng thiếu CBTY cơ sở như hiện nay.

Cũng theo Giám đốc TTDVNN huyện Quảng Trạch Tưởng Chí Thành, việc khắc phục lại hệ thống thú y viên cấp xã là rất cần thiết trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên đây thực sự là một vấn đề rất nan giải. Bởi lẽ phần lớn CBTY trước đây đều đã lớn tuổi, có người 60-70 tuổi, trong khi lớp trẻ thì không mấy thiết tha.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch Phan Văn Thanh thừa nhận, việc không có cán bộ làm công tác thú y tại cấp cơ sở thời gian qua đã bộc lộ nhiều bất cập trong công tác PCDB trên đàn vật nuôi trên địa bàn. Do đó rất cần các cơ quan có thẩm quyền xem xét và đánh giá lại để đưa lực lượng này trở lại “biên chế” làm công tác PCDB ngay tại cơ sở, có như vậy nguy cơ bùng phát dịch bệnh từ gia súc, gia cầm mới được kiểm soát tốt.
 
Hiện nay, để tháo gỡ những khó khăn trước mắt, UBND huyện đang chỉ đạo Phòng Nội vụ; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; TTDVNN rà soát, tìm những giải pháp phù hợp với điều kiện hiện tại để tham mưu cho huyện, cũng cố lại hệ thống CBTY cấp xã, nhằm bảo đảm công tác PCDB và phát triển chăn nuôi trên địa bàn. Bởi hiện nay huyện Quảng Trạch vẫn được xem là một huyện nông nghiệp, chăn nuôi vẫn là nguồn thu nhập chính của đại đa số bà con nông dân.   
Phan Phương

tin liên quan

Nỗ lực về đích nông thôn mới
Nỗ lực về đích nông thôn mới

(QBĐT) - Năm 2023, Hải Phú và Xuân Trạch là hai xã được huyện Bố Trạch chọn về đích nông thôn mới (NTM). Để hoàn thành mục tiêu đề ra, thời gian qua, các địa phương đã tập trung mọi nguồn lực để triển khai hoàn thiện những tiêu chí khó, chưa đạt.

Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Bố Trạch: 95% khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile banking
Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Bố Trạch: 95% khách hàng sử dụng dịch vụ Mobile banking

(QBĐT) - Sau một thời gian triển khai Mobile banking, đến nay đã có 95% khách hàng Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Bố Trạch được cài đặt và sử dụng dịch vụ này.

"Trẻ hóa" nhân lực hợp tác xã
"Trẻ hóa" nhân lực hợp tác xã

(QBĐT) - Từ sau khi triển khai Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, các HTX trên địa bàn tỉnh đã có những bước chuyển đáng kể cả về chất và lượng. Đặc biệt, với việc thu hút lực lượng lao động trẻ có trình độ gắn bó lâu dài sẽ tạo ra luồng gió mới cho khu vực kinh tế tập thể, HTX…