Phát huy hiệu quả các cụm công nghiệp

  • 05:08, 23/08/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Việc xây dựng phát triển các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh bước đầu đã hình thành mạng lưới sản xuất công nghiệp (SXCN), giúp cho SXCN phát triển theo hướng tập trung, hạn chế tình trạng sản xuất phân tán, không theo quy hoạch và ô nhiễm môi trường, Phó Giám đốc Sở Công thương Đào Anh Tuấn khẳng định.
 
Sản xuất công nghiệp theo hướng tập trung
 
CCN làng nghề Cảnh Dương (Quảng Trạch) đi vào hoạt động năm 2006 với tổng diện tích 6,4ha, có quy mô 100 cơ sở sản xuất đa ngành, như: Sản xuất ngư cụ, chế biến hải sản, hậu cần nghề cá, đồ mộc mỹ nghệ, sản xuất hương... Được bàn giao cho địa phương quản lý, CCN làng nghề Cảnh Dương đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của xã.
 
Bà Nguyễn Thị Hương đã có 17 năm mượn mặt bằng tại CCN làng nghề Cảnh Dương để làm nơi sản xuất. Bà cho biết, ngay khi biết có CCN này, gia đình bà đã nhanh chóng đăng ký vì những lợi thế đưa lại, như: Mặt bằng rộng rãi, thoáng đãng, sạch sẽ, hoạt động của cơ sở không ảnh hưởng đến khu dân cư, gia đình yên tâm làm ăn, nâng cao thu nhập.
Có mặt bằng rộng rãi, sạch sẽ, cơ sở chế biến nước mắm truyền thống Tuệ Hương (CCN Cảnh Dương, Quảng Trạch) yên tâm ổn định sản xuất.
Có mặt bằng rộng rãi, sạch sẽ, cơ sở chế biến nước mắm truyền thống Tuệ Hương (CCN Cảnh Dương, Quảng Trạch) yên tâm ổn định sản xuất.
Còn bà Cao Thị Nịnh, chủ cơ sở chế biến nước mắm Hiền Dục khẳng định, được thuê mặt bằng tại CCN làng nghề là rất thuận lợi. “Nếu như ở trong khu dân cư, mình phải mua nguyên liệu nhỏ lẻ thì chi phí sẽ rất cao. Trong khi đó, ở CCN, đường sá rộng rãi, khâu vận chuyển tiện lợi, chúng tôi mua được nguyên liệu cả chuyến xe với giá sỉ, nhờ vậy giảm chi phí sản xuất”, bà Nịnh chia sẻ.
 
Từ những thuận lợi về mặt bằng, gia đình bà đầu tư mua sắm dụng cụ chế biến và cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Sản phẩm nước mắm của cơ sở nước mắm Hiền Dục do bà làm chủ đã đạt OCOP 3 sao.
 
TP. Đồng Hới hiện có 93 cơ sở, doanh nghiệp được Nhà nước cho thuê đất tại 6 CCN Thuận Đức, Bắc Nghĩa, Nghĩa Ninh, Phú Hải, Quang Phú, Đức Ninh, với tỷ lệ lấp đầy 93,54%. Đối với địa bàn đô thị, khu dân cư tập trung đông đúc như TP. Đồng Hới thì việc hình thành các CCN càng khẳng định là điều tất yếu.
Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Trường Thành mong muốn được tăng diện tích mặt bằng thuê tại CCN để tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.
Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Trường Thành mong muốn được tăng diện tích mặt bằng thuê tại CCN để tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.
Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Trường Thành có địa chỉ tại CCN Bắc Nghĩa chuyên kinh doanh trần vách, thạch cao, sơn tít, sàn nhựa… Anh Nguyễn Thành Núi, Giám đốc công ty cho biết: Trước đây, công ty đặt cơ sở sản xuất ở tổ dân phố 1 Mỹ Cương, phường Bắc Nghĩa (TP. Đồng Hới). Nằm ở khu vực dân cư nên rất bất lợi, các xe container có tải trọng lớn ra, vào cơ sở sản xuất khó khăn, người dân có ý kiến phản ánh. Từ năm 2017, công ty đăng ký vào CCN Bắc Nghĩa, hoạt động trở nên thuận lợi hẳn, nhất là trong việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu. Anh Nguyễn Thành Núi chia sẻ: Công ty mong muốn được tăng diện tích mặt bằng thuê tại CCN để tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.
 
Khó khăn, hạn chế cản trở sự phát triển của CCN
 
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển các CCN trên địa bàn tỉnh gặp phải những vấn đề khó khăn.
 
“Hiện nay, hầu hết đất sản xuất công nghiệp tại các CCN, điểm tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn thành phố đã được lấp đầy. Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng đất chưa cao, nguyên nhân chủ yếu là do di dời các cơ sở sản xuất trong khu dân cư nên nhiều doanh nghiệp thiếu và yếu về năng lực tài chính, công nghệ cũng như năng lực sản xuất… do đó, chậm tiến độ trong quá trình đầu tư xây dựng cũng như hoàn thành dự án. Một số dự án không đưa đất vào sử dụng mà chuyển nhượng, mua đi, bán lại, thời gian để đất trống 4-5 năm, dẫn đến lãng phí đất đai và làm giảm hiệu quả sử dụng đất”, Phó trưởng Ban Quản lý Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất TP. Đồng Hới Nguyễn Thị Hương Giang chia sẻ.
Đường giao thông tại các CCN rộng rãi, thuận lợi cho việc vận chuyển nguyên liệu, hàng hoá của các doanh nghiệp.
Đường giao thông tại các CCN rộng rãi, thuận lợi cho việc vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa.
Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch Nguyễn Thị Ngọc Thủy cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có 2 CCN. Đối với CCN Cảnh Dương, về cơ bản mới đầu tư đường sá, phân khu, còn hạ tầng để bảo đảm xử lý nước thải, bảo đảm vệ sinh môi trường đang còn thiếu. Còn CCN tại trung tâm huyện lỵ có diện tích 38,5ha, mới thu hút 1 nhà đầu tư; huyện đang phối hợp với các sở, ban, ngành, đặc biệt là Sở Kế hoạch và Đầu tư để đưa vào chương trình xúc tiến đầu tư (XTĐT), mời gọi các nhà đầu tư.
 
Nói về những khó khăn, hạn chế cản trở sự phát triển của CCN trên địa bàn tỉnh, Phó Giám đốc Sở Công thương Đào Anh Tuấn cho rằng: Tỷ lệ lấp đầy còn thấp, nhiều dự án đầu tư vào các CCN chất lượng không cao, lãng phí tài nguyên đất, một số dự án có nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường, đầu tư kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào chưa đồng bộ…
 
Vẫn còn một số địa phương chưa quan tâm, chú ý đến phát triển CCN; việc triển khai văn bản hướng dẫn của Trung ương còn chậm; sự phối hợp giữa các cấp, ngành chưa được đồng bộ trong công tác quản lý, phát triển và thu hút đầu tư vào CCN; chưa thành lập được doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng CCN nên chưa tạo mặt bằng ổn định, do đó, chưa thu hút được các nhà đầu tư thứ cấp vào CCN.
 
Quy mô vốn đầu tư và thu hút các dự án vào các CCN hạn chế. Nguồn kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật còn hạn chế nên một số CCN hạ tầng đầu tư chưa đồng bộ, tiến độ đầu tư còn chậm so với quyết định phê duyệt chủ trương. Nhiều CCN chưa triển khai đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý chất thải, nước thải tập trung...
Một góc CCN Bắc Nghĩa (TP. Đồng Hới).
Một góc CCN Bắc Nghĩa (TP. Đồng Hới).
Để CCN hình thành và phát triển bền vững theo quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, ông Đào Anh Tuấn cho biết: Trong thời gian tới, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo về phát triển công nghiệp tập trung; làm tốt công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận về tư tưởng, nhận thức và hành động. Xây dựng kế hoạch và phương án thu hút đầu tư xây dựng các CCN trên địa bàn theo hình thức xã hội hóa; tổ chức các đoàn XTĐT, hội nghị XTĐT nhằm thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh.
 
Song song với đó là tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng trong việc tư vấn, hướng dẫn tạo điều kiện để nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN dễ dàng tiếp cận các chính sách ưu đãi; hỗ trợ nhà đầu tư trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thủ tục thành lập CCN, đầu tư hạ tầng để đẩy nhanh tiến độ đầu tư.
 
Đồng thời, triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách về phát triển CCN của Trung ương; xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển CCN của tỉnh nhằm khuyến khích kêu gọi các nhà đầu tư hạ tầng CCN; hỗ trợ và tạo điều kiện để nhà đầu tư hạ tầng và các doanh nghiệp trong CCN được hưởng chính sách, ưu đãi đầu tư theo quy định của nhà nước và của tỉnh.
 
Mặt khác, thực hiện các giải pháp về đầu tư kết cấu hạ tầng đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước về CCN với mục tiêu: Phát triển CCN, giúp cho SXCN của tỉnh theo hướng tập trung, hạn chế tình trạng SXCN phân tán, không theo quy hoạch; góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế và góp phần xây dựng nông thôn mới.
 
Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Quảng Bình có 38 CCN với tổng diện tích khoảng 757ha. Những năm qua, đã có 13 CCN được phê duyệt quy hoạch chi tiết, đã phát triển được 10 CCN. Các CCN được hình thành đã thu hút 111 dự án đầu tư, với tổng số vốn đăng ký hơn 500 tỷ đồng. Tổng doanh thu của các dự án trong CCN đạt gần 400 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 14 tỷ đồng, tạo việc làm cho 1.788 lao động.
Hương Lê

tin liên quan

Hơn 800 doanh nghiệp, hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền
Hơn 800 doanh nghiệp, hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền

(QBĐT) - Thông tin từ Cục Thuế tỉnh cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 815 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền.

Bố Trạch: Gần 430ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC
Bố Trạch: Gần 430ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC
(QBĐT) - Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn huyện Bố Trạch có nhiều chuyển biến tích cực.
 
Quảng Trạch: Thiếu cán bộ thú y, công tác phòng, chống dịch bệnh gặp khó
Quảng Trạch: Thiếu cán bộ thú y, công tác phòng, chống dịch bệnh gặp khó

(QBĐT) - Thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP, ngày 24/4/2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (Nghị định 34), huyện Quảng Trạch đã tiến hành tinh giản biên chế đối với cán bộ thú y (CBTY) cấp xã. Tuy nhiên, việc thiếu cả hệ thống CBTY cơ sở ở Quảng Trạch đã khiến tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc ở địa phương này gặp rất nhiều khó khăn.