Nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao đất lót bạt

  • 07:08, 11/08/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm trở lại đây, thời tiết diễn biến phức tạp cộng với môi trường ở các vùng nuôi ngày càng suy thoái, dịch bệnh thường xuyên xảy ra khiến người nuôi tôm ở Quảng Bình phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đặc biệt, nhiều hộ nuôi vẫn chưa quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng CNC tại xã Hải Ninh (Quảng Ninh).
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng CNC tại xã Hải Ninh (Quảng Ninh).
Để góp phần khắc phục tình trạng trên, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư (KN-KN) tỉnh đã triển khai hỗ trợ sau đầu tư mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao đất lót bạt ứng dụng CNC tại xã Đồng Trạch (Bố Trạch), nhằm giúp kiểm soát tốt hơn môi trường ao nuôi, hạn chế rủi ro dịch bệnh, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi tôm.
 
Tháng 3/2023, ông Phạm Tiến Dũng (xã Đồng Trạch, Bố Trạch) đã đưa vào đầu tư mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao đất lót bạt, ứng dụng CNC với diện tích 0,7ha. Hệ thống nuôi tôm có đầy đủ bể ương, ao nuôi, ao xử lý nước cấp, nước thải và các trang thiết bị phụ trợ. Nhờ vậy, đã tạo môi trường nuôi sạch sẽ, hạn chế rủi ro do dịch bệnh. Đặc biệt, với kỹ thuật nuôi 2-3 giai đoạn, từ ao ương đến ao nuôi thương phẩm, gia đình ông Dũng có thể xác định được số lượng, mật độ tôm nuôi ở từng giai đoạn; nhờ đó kiểm soát tốt hơn môi trường và lượng thức ăn, giảm các chi phí đầu vào…
 
“Nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao đất lót bạt ứng dụng CNC qua nhiều giai đoạn có tỷ lệ thành công từ 70-80%, chắc ăn hơn, hiệu quả hơn so với nuôi tôm truyền thống. Vụ sản xuất tôm vừa qua, gia đình tôi thả hơn 1,1 triệu con tôm giống. Qua hạch toán hiệu quả kinh tế cho thấy, mô hình đã mang lại thu nhập cao hơn cho gia đình. Vụ nuôi tôm vừa rồi, gia đình tôi có doanh thu hơn 1,8 tỷ đồng, lợi nhuận đạt được khoảng 600 triệu đồng…”, ông Phạm Tiến Dũng cho hay.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của ông Phạm Tiến Dũng (xã Đồng Trạch, Bố Trạch).
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của ông Phạm Tiến Dũng (xã Đồng Trạch, Bố Trạch).
Cũng như gia đình ông Phạm Tiến Dũng, đầu năm 2023, gia đình ông Mai Văn Bình (xã Đồng Trạch, Bố Trạch) cũng được Trung tâm KN-KN tỉnh hỗ trợ 0,3ha sau đầu tư mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao đất lót bạt ứng dụng CNC. Mô hình được đánh giá có hiệu quả cho hộ nuôi so với nuôi tôm theo phương pháp truyền thống, như: Tỷ lệ sống cao, năng suất cao hơn, tỷ lệ tôm đồng đều hơn…
 
Nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao đất lót bạt ứng dụng CNC được xem là phù hợp với điều kiện nuôi của tỉnh; mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi, góp phần phát triển ngành tôm Quảng Bình thành ngành kinh tế quan trọng trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất, mang lại lợi ích cho người nuôi tôm trong tỉnh…

“Trung tâm KN-KN tỉnh đã hỗ trợ gia đình 40% kinh phí mua giống, thức ăn, thuốc và hóa chất. Vụ sản xuất tôm vừa rồi, gia đình tôi thả hơn 480.000 con tôm giống, sau thu hoạch cho lãi hơn 240 triệu đồng. Đặc biệt, mô hình giúp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường do quá trình xả thải, giảm thiểu rủi ro dịch bệnh lây lan hướng tới nuôi trồng thủy sản an toàn, bền vững; đồng thời, việc áp dụng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn trong ao lót bạt ứng dụng CNC bước đầu đã làm thay đổi phần nào về cách nhìn nhận, lựa chọn hình thức nuôi phù hợp thay vì lợi nhuận trước mắt để tiến tới nuôi lâu dài, bền vững. Từ đó, nhân rộng quy trình nuôi, tạo cơ hội lớn cho bà con nông dân, chủ trang trại từng bước tiếp cận nhằm tăng hiệu quả trên cùng một đơn vị diện tích….”, ông Mai Văn Bình cho biết.

Giám đốc Trung tâm KN-KN tỉnh Trần Thanh Hải cho hay, năm 2023, trung tâm đã triển khai hỗ trợ sau đầu tư mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao đất lót bạt ứng dụng CNC tại xã Đồng Trạch (Bố Trạch) với quy mô 1,2 ha/3 hộ.
 
"Việc áp dụng quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn trong ao đất lót bạt ứng dụng CNC sẽ hạn chế việc sử dụng thuốc và hóa chất, là điều kiện quan trọng để hướng tới xây dựng sản phẩm tôm thẻ chân trắng an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như xây dựng quy trình VietGAP…", Giám đốc Trung tâm KN-KN tỉnh chia sẻ.
 
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Văn Lợi cho biết, nghề nuôi tôm được xem là chủ lực trong phát triển nuôi trồng thủy sản của tỉnh, với các vùng nuôi tôm tập trung thâm canh, nuôi CNC tại xã Ngư Thủy, Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy), xã Trung Trạch, Đại Trạch, Đồng Trạch (Bố Trạch), Hải Ninh (Quảng Ninh); nuôi thâm canh và bán thâm canh tại phường Quảng Thọ (TX. Ba Đồn), xã Quảng Xuân (Quảng Trạch), xã Võ Ninh (Quảng Ninh)...
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của ông Phạm Tiến Dũng (xã Đồng Trạch, Bố Trạch).
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng của ông Phạm Tiến Dũng (xã Đồng Trạch, Bố Trạch).
Người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh cũng đã chủ động học hỏi và áp dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi tôm, như: Nuôi lót bạt, nuôi tôm 2-3 giai đoạn, nuôi tôm CNC…qua đó, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị của con tôm. 
 
Năm 2022, toàn tỉnh thả nuôi được 1.480ha diện tích nuôi tôm nước lợ, trong đó nuôi tôm sú 281ha, nuôi tôm thẻ chân trắng 1.199ha. Sản lượng nuôi tôm đạt 4.145 tấn, trong đó, tôm sú 240 tấn, tôm thẻ chân trắng 3.905 tấn. Theo kế hoạch năm 2023, toàntỉnh sẽ thả nuôi gần 1.500ha diện tích nuôi tôm nước lợ, trong đó diện tích tôm thẻ chân trắng trên 1.200ha, tôm sú trên 280ha…
 
“Để nghề nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi tôm nói riêng phát triển bền vững, ngành Nông nghiệp đã tích cực tuyên truyền, vận động hộ nuôi tôm tại những vùng nuôi tập trung xây dựng mô hình tổ hợp tác, tổ cộng đồng nhằm nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường và hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; hướng dẫn cơ sở nuôi tôm áp dụng quy trình sản xuất hiệu quả, như: Quy trình nuôi tôm hạn chế hóa chất, quy trình nuôi 2-3 giai đoạn, thả giống cỡ lớn, nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP, khuyến khích phát triển sản xuất theo hướng liên kết chuỗi nhằm giảm khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất, truy xuất nguồn gốc...”, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT thông tin.
Ngọc Hải

tin liên quan

Huyện Lệ Thủy và Tập đoàn Quế Lâm hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ
Huyện Lệ Thủy và Tập đoàn Quế Lâm hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ

(QBĐT) - Sáng nay, 11/8, UBND huyện Lệ Thủy và Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm tổ chức tọa đàm và ký kết biên bản hợp tác đầu tư sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. 

Nâng cao nhận thức về hội nhập quốc tế và xuất nhập khẩu
Nâng cao nhận thức về hội nhập quốc tế và xuất nhập khẩu
(QBĐT) - Ngày 11/8, Sở Công thương tổ chức lớp tập huấn về hội nhập quốc tế và xuất nhập khẩu năm 2023.
 
Gà đồi Thái Thủy
Gà đồi Thái Thủy

(QBĐT) - Những năm gần đây, Hợp tác xã Gà đồi Thái Thủy (xã Thái Thủy, Lệ Thủy) đã liên kết phát triển mô hình chăn nuôi gà đồi chất lượng, đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao của người tiêu dùng.