(QBĐT) - Không nuôi lươn ở ruộng như cách truyền thống, anh Trương Công Minh ở thôn Tiền, xã Võ Ninh (Quảng Ninh) làm bể nuôi lươn ngay tại nhà. Chỉ với vài chục mét vuông, nhưng với cách nuôi khoa học, anh đã khởi nghiệp thành công từ nuôi lươn không bùn, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.
Thu nhập ổn định
Theo lời giới thiệu của Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quảng Ninh Nguyễn Quang Tuyển, chúng tôi về thăm mô hình nuôi lươn không bùn của anh Trương Công Minh ở thôn Tiền. Trong vườn nhà, anh Minh xây 12 bể chứa xi măng để nuôi lươn, trên mỗi bể chứa đều có mái che, điện chiếu sáng và hệ thống cấp thoát nước.
Anh Minh chia sẻ, với mong muốn lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương, năm 2016, anh bắt tay xây dựng mô hình trang trại tổng hợp chăn nuôi gà, vịt, cá…Trong một lần xem truyền hình, anh biết đến mô hình nuôi lươn không bùn và rất muốn nuôi thử nghiệm tại gia đình, nhưng vì lúc đó nguồn vốn đầu tư vào trang trại còn hạn hẹp, anh đành gác lại.
Năm 2020, khi trang trại chăn nuôi đi vào ổn định, có nguồn thu nhập, anh lại nhen nhóm ý định đầu tư nuôi lươn. Sau khi tìm hiểu biết được nguồn lươn giống nhập về khá cao, trong khi trên địa bàn chưa có ai nuôi để tham quan, học hỏi kinh nghiệm nên anh “ngại”.
Anh Trương Công Minh phát triển thành công mô hình nuôi lươn không bùn.
Nhưng với ý chí của người trẻ “dám nghĩ, dám làm”, anh Minh đã gạt bỏ những lo lắng, bắt đầu tìm hiểu về cách thức nuôi cũng như thị trường tiêu thụ trên địa bàn. Càng tìm hiểu, anh càng nhận thấy lươn là con vật dễ nuôi, không mất nhiều công chăm sóc, thị trường tiêu thụ ổn định nên anh đã mạnh dạn “khởi nghiệp”.
Anh Minh đầu tư xây dựng 12 bể nuôi được làm bằng xi măng, diện tích 6 mét vuông/bể, có hệ thống cấp thoát nước và hệ thống nước xả tràn, mặt trong bể được lát gạch hoa trơn bóng để tránh lươn bị xây xát trong quá trình nuôi… Được sự hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh, anh Minh thả nuôi 1 vạn con lươn giống vào nuôi tại các bể chứa.
Ban đầu do thiếu kiến thức, anh Minh đã thất bại ngay lần đầu bắt tay vào nuôi lươn. Lươn bị bệnh do nguồn nước bị nhiễm khuẩn và chết dần. Lứa nuôi đầu tiên, anh chỉ thu về hơn 50 triệu đồng.
Lươn có trọng lượng từ 4-5 con/kg là có thể xuất bán.
Không được như kỳ vọng nhưng anh Minh cũng không nản chí, tiếp tục mua thêm con giống để nuôi vụ mới. Đến nay, anh Minh đã có cách chăm sóc khoa học, đúng quy trình nên mô hình nuôi lươn không bùn của anh đã ổn định, phát triển tốt.
Theo anh Minh, nuôi lươn không bùn rất đơn giản, ngoài con giống chất lượng thì người nuôi chỉ cần giữ vệ sinh nguồn nước, bảo đảm nguồn nước luôn sạch thì lươn sẽ sinh trưởng và phát triển tốt. Lươn khá mẫn cảm với môi trường nước trong bể, vì vậy, hàng ngày phải thay nước sạch sau khi cho ăn. Mỗi tháng sát khuẩn bể nuôi 2 lần để diệt vi khuẩn. Lươn không thích ánh sáng nên trên mặt nước nhất định phải rải nhiều sợi nilon làm giá thể để lươn trú ngụ.
Bên cạnh đó, để lươn khỏe mạnh, phát triển nhanh, người nuôi cần bổ sung muối, vitamin C và thường xuyên tẩy giun để tăng sức đề kháng và phòng bệnh cho lươn. So với phương thức nuôi truyền thống trong ao bùn thì nuôi lươn trong bể xi măng hiệu quả hơn nhờ nuôi với mật độ dày hơn, lươn phát triển nhanh hơn, dễ chăm sóc, dễ quan sát để phòng và trị bệnh cho lươn.
Mô hình nuôi lươn không bùn của anh Trương Công Minh là mô hình đầu tiên của huyện Quảng Ninh đến thời điểm hiện tại.
Quá trình nuôi lươn không bùn trong vòng 8-10 tháng thì có thể xuất bán nhưng để thịt lươn dai, săn chắc và ngon hơn, anh Minh thường nuôi đến 14 tháng mới xuất bán. Mỗi bể lươn có thể xuất bán được 1,5-1,6 tạ lươn thương phẩm, với giá bán sỉ 130.000 đồng/kg và bán lẻ 160.000 đồng/kg. Mỗi ngày anh Minh bán từ 15-20kg lươn cho người dân mua lẻ trên địa bàn, cho thu nhập ổn định từ 700.000-1.000.000 đồng.
Lươn có giá trị dinh dưỡng cao, giàu protein, các loại vitamin và khoáng chất. Thịt lươn được sử dụng để chế biến nhiều món ăn hấp dẫn và có tác dụng bồi bổ sức khỏe cho mọi lứa tuổi.
“So với các loài thủy sản nước ngọt khác thì lươn dễ nuôi, ít dịch bệnh và có giá trị thương phẩm mang lại cao hơn, thị trường tiêu thụ tốt hơn. Để có thể thành công với mô hình nuôi lươn không bùn, người nuôi phải nắm chắc kỹ thuật nuôi; phải biết lúc nào cần xử lý bể nuôi, điều chỉnh nước trong bể để lươn sinh trưởng, phát triển tốt và điều quan trọng là nhanh nhạy trong tìm kiếm thị trường, bảo đảm nguồn tiêu thụ ổn định”, anh Minh chia sẻ.
Hướng đến liên kết, mở rộng mô hình
Nuôi lươn không bùn không cần diện tích lớn nhưng cho thu nhập khá cao.
Hiện tại, anh Minh đang duy trì ổn định 6 bể nuôi lươn không bùn, với hình thức nuôi gối vụ nên quanh năm anh luôn có lươn để bán.
Theo anh Minh, mô hình nuôi lươn không bùn của anh là mô hình đầu tiên của huyện Quảng Ninh đến thời điểm hiện tại. Định hướng trong tương lai anh sẽ liên kết với các hộ nuôi lươn trên địa bàn xây dựng thương hiệu “đặc sản” lươn sấy khô của Quảng Bình. Và để làm được điều này, anh đang xây dựng hệ thống bể ươm lươn để bán giống cho các hộ dân.
“Rất nhiều người dân trên địa bàn huyện muốn xây dựng mô hình nuôi lươn không bùn nhưng điều làm họ e ngại là giá thành mua lươn giống từ các tỉnh, thành khá cao và phải mua số lượng nhiều thì các công ty mới cung ứng giống. Nếu quá trình nuôi thử nghiệm không thành công thì chắc chắn sẽ lỗ nên nhiều người chưa mạnh dạn nuôi. Chính vì vậy, tôi luôn ấp ủ dự định tạo được con giống ngay tại địa phương để cung ứng cho người dân. Đồng thời, tạo điều kiện, khuyến khích các hộ nuôi bằng cách hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho người nuôi lươn trên địa bàn”, anh Minh cho hay.
Khu vực nuôi lươn không bùn của gia đình anh Trương Công Minh
Hiện, anh Minh đang hoàn thiện các thủ tục thành lập hợp tác xã và sẽ bắt tay vào xây dựng hệ thống ươm lươn giống. Cùng với đó, anh sẽ mở xưởng chế biến mặt hàng lươn sấy khô, đa dạng hóa các sản phẩm từ lươn để hướng tới tiêu thụ tại các thị trường lớn.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quảng Ninh Nguyễn Quang Tuyển chia sẻ: “Mô hình nuôi lươn không bùn của anh Trương Công Minh là mô hình mới tại địa phương. Thành công của mô hình đã mở ra hướng đi mới cho người dân trên địa bàn trong việc đa dạng hóa cơ cấu con nuôi. Thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tích cực hỗ trợ người dân nhân rộng mô hình trên địa bàn huyện, nhất là về vấn đề tiếp cận các nguồn vốn vay. Đồng thời, tích cực hỗ trợ nông dân trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm và giúp người dân kết nối thị trường để mô hình phát triển bền vững”.
(QBĐT) - So với cùng kỳ, việc thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn TP. Đồng Hới trong nửa đầu năm 2023 đạt thấp, dự kiến khó hoàn thành chỉ tiêu cả năm. Giải pháp nào "gỡ khó" đang là điều trăn trở lớn đối với cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng địa phương.
(QBĐT) - Hiện nay, ở các địa phương, một số chương trình vay vốn theo Nghị quyết số 11-NQ/CP, ngày 30/1/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đang chậm giải ngân với số tiền tồn đọng lớn, như: Cho vay nhà ở xã hội, cho vay vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo Nghị định số 28/NĐ-CP với tổng số tiền hơn 12 tỷ đồng.
(QBĐT) - Những ngày qua, vùng biển gần bờ ở huyện Quảng Trạch liên tục xuất hiện luồng cá cơm dày đặc. Nắm bắt cơ hội này, ngư dân liên tục dong thuyền ra khơi đánh bắt, thu tiền triệu/lao động sau mỗi chuyến biển…