Nỗ lực xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội - Bài 2: Vượt khó để hoàn thành mục tiêu
06:08, 25/08/2023
(QBĐT) - Có thể nói, cùng với những kết quả đạt được, việc đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội (KT-XH) trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Đây là những thách thức lớn mà tỉnh phải vượt qua để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, kế hoạch đề ra.
Tại hội nghị của UBND tỉnh sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình hành động số 02-CTr/TU, ngày 9/12/2020 (Chương trình hành động số 02) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH giai đoạn 2021-2025 theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại vừa được tổ chức mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng nhấn mạnh: Giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh triển khai thực hiện Chương trình hành động số 02 và Kế hoạch số 195/KH-UBND, ngày 4/2/2021 trong điều kiện gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19, thiên tai, lũ lụt.
Các nguồn lực đầu tư cho thực hiện chương trình hành động còn hạn chế; nguồn vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được so với nhu cầu; việc huy động đầu tư theo hình thức xã hội hóa trong các lĩnh vực còn khó khăn.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng và đoàn công tác kiểm tra các công trình đầu tư công chậm tiến độ.
Bên cạnh đó, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) trên địa bàn tỉnh thời gian qua gặp nhiều vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án đầu tư công và dự án nhà đầu tư. Hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH của tỉnh mặc dù đã có nhiều thay đổi nhưng nhìn chung còn hạn chế.
Cụ thể là: Hạ tầng giao thông vẫn chưa hoàn thiện, hiện đại. Hạ tầng nông nghiệp chậm được đầu tư: Các hồ chứa nước chưa được đầu tư hoàn chỉnh; hệ thống cấp, thoát nước, xử lý nước thải đặc biệt là ở các khu đô thị còn thiếu. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong khu kinh tế, khu công nghiệp chưa được đầu tư hoàn thiện, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển và tạo động lực thu hút nhà đầu tư.
Là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng hạ tầng du lịch vẫn còn thiếu đồng bộ; thiếu các khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm, chợ đêm và các dịch vụ hỗ trợ khác. Hạ tầng môi trường, đặc biệt là hạ tầng xử lý rác thải vẫn chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu xử lý rác thải trên địa bàn; hạ tầng giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao còn thiếu và chưa đồng bộ, nhất là các tuyến cơ sở.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Chương trình hành động số 02 thì phấn đấu giai đoạn 2021-2025, huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 130-150 nghìn tỷ đồng; trong đó vốn đầu tư của doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước chiếm 80%, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước chiếm 20%. Trong khi đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2021-2022 và 6 tháng đầu năm 2023 chỉ mới đạt con số gần 63.500 tỷ đồng, chỉ bằng 47% mục tiêu đề ra cho cả giai đoạn.
Vướng mắc trong GPMB, nhất là các công trình trọng điểm đã ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng hạ tầng KT-XH của tỉnh.
Nguyên nhân của tình hình trên, theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phan Phong Phú, đó là do Quảng Bình nằm trong vùng chịu nhiều ảnh hưởng của khí hậu khắc nghiệt, thiên tai, bão lũ, địa hình phức tạp, bị chia cắt nên đã ảnh hưởng lớn đến việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH. Mặt khác, tỉnh có xuất phát điểm thấp, thu ngân sách gặp nhiều khó khăn nên việc bố trí nguồn lực cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế.
Một nguyên nhân khác nổi lên, đó là trong giai đoạn 2021-2022 vừa qua, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến toàn bộ nền kinh tế của cả nước nói chung cũng như Quảng Bình nói riêng.
Đồng thời, đây cũng là những năm đầu triển khai kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, phần lớn thời gian chủ yếu để hoàn thiện thủ tục đầu tư, vì vậy, tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công chậm, nguồn vốn kéo dài sang kế hoạch năm sau khá lớn tiếp tục gây áp lực lên công tác điều hành kế hoạch vốn và giải ngân của năm sau.
Ngày 12/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo quy hoạch, tỉnh tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Đến năm 2030, phấn đấu đưa Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung và tầm nhìn đến năm 2050 Quảng Bình sẽ là tỉnh có nền kinh tế phát triển năng động của miền Trung và cả nước, là điểm kết nối quan trọng trong ngã tư kinh tế Bắc-Nam, Đông-Tây.
Công tác GPMB còn nhiều tồn tại, thiếu dứt điểm gây chậm trễ, ách tắc làm ảnh hưởng lớn đến thời cơ thu hút vốn, tiến độ thực hiện dự án, nhất là các dự án xây dựng hạ tầng trọng điểm. Giá vật liệu tăng đột biến; năng lực các chủ đầu tư và đơn vị tư vấn còn yếu đã ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng các công trình hạ tầng. Một số dự án phải thực hiện các thủ tục liên quan ở các bộ, ngành Trung ương thời gian kéo dài...
"Giai đoạn cuối năm 2022 đầu năm 2023 đã có tín hiệu phục hồi nhưng còn chậm, do đó, việc huy động xã hội hóa gặp nhiều khó khăn từ phía các nhà đầu tư do các dự án trên địa bàn chưa thực sự hấp dẫn; mặt khác, ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 cũng tác động tiêu cực đến tình hình tài chính và dự án của các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh", ông Phan Phong Phú cho biết thêm.
Quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm
Từ thực trạng trên, để tiếp tục triển khai hiệu quả và hoàn thành mục tiêu của Chương trình hành động số 02, UBND tỉnh đã đề ra các nhóm nhiệm vụ trọng tâm và yêu cầu các cấp, các ngành tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Tỉnh Quảng Bình tổ chức thành công hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh và xúc tiến đầu tư năm 2023 tại Hà Nội.
Đầu tiên là tổ chức thực hiện có hiệu quả “Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Rà soát, triển khai tích hợp các quy hoạch ngành, lĩnh vực, địa phương, bảo đảm tính đồng bộ, kết nối, phát huy được các tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Xác định rõ trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh trong triển khai các quy hoạch. Xây dựng quy hoạch chi tiết các khu vực có tiềm năng, lợi thế, khu đô thị, khu dân cư nhằm đẩy mạnh phát triển quỹ đất và thu hút đầu tư.
Tiếp đó là chú trọng thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và sử dụng có hiệu quả vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để đầu tư các công trình thiết yếu, cấp bách, các công trình phục vụ lợi ích cộng đồng. Tập trung đầu tư vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các công trình, dự án trọng điểm có sức lan tỏa; tạo đột phá trong thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước, bảo đảm phát triển hài hòa giữa các vùng, miền trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Ưu tiên thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, đô thị, các ngành mũi nhọn, công trình, dự án lớn mang tính chiến lược.
Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Phạm Trung Đông chia sẻ: Thu hút vốn đầu tư và huy động tối đa mọi nguồn lực để tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH theo hướng đồng bộ, hiện đại chính là nền tảng vững chắc cho sự phát triển toàn diện về KT-XH của tỉnh nói chung và các địa phương nói riêng.
Dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đi qua địa bàn tỉnh Quảng Bình có chiều dài hơn 126,4km.
Đi đôi với thu hút đầu tư, UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh huy động các nguồn thu vào ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển. Tiếp tục thực hiện giải pháp tăng nguồn thu, rà soát lại các nguồn thu trên địa bàn, tập trung khai thác các nguồn thu mới, nhất là thu từ sản xuất, kinh doanh, các dự án phát triển quỹ đất, khu đô thị, nhà ở thương mại.
Theo Cục trưởng Cục Thuế Quảng Bình Đoàn Vĩ Tuyến, công tác thu ngân sách của tỉnh hiện nay đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn do sản xuất, kinh doanh trên địa bàn phục hồi chậm, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Thị trường bất động sản trầm lắng, đấu giá quyền sử dụng đất giảm sâu. Các dự án trọng điểm của tỉnh chậm tiến độ nên không phát sinh thuế phải nộp. Các khoản nợ đọng thuế có chiều hướng gia tăng... Vì vậy, cần phải thực hiện tốt các giải pháp thu ngân sách.
Cùng với các nhiệm vụ trên, cần tăng cường công tác phối hợp liên ngành, giữa các địa phương về thực hiện cơ chế giám sát, đánh giá đầu tư kết cấu hạ tầng. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH; nâng cao hiệu quả công tác GPMB; có cơ chế khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ mới trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng.
"Tuy còn gặp những hạn chế, khó khăn, nhưng với sự lãnh đạo chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự nỗ lực, phối hợp thông suốt giữa các sở, ngành, đơn vị, địa phương; sự đồng hành, quyết tâm của các chủ đầu tư, nhà đầu tư và doanh nghiệp, Quảng Bình sẽ xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH trên địa bàn tỉnh từng bước đồng bộ, hiện đại, hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu đã đề ra...", Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng khẳng định.
(QBĐT) - Ngày 25/8, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển kinh tế và Môi trường bền vững phối hợp cùng Chi cục Thủy sản tỉnh tổ chức tọa đàm "Ngư dân mang rác vào bờ góp phần bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản".