Nâng cao giá trị sản phẩm thủy, hải sản: Cần những "cú hích" mạnh mẽ
06:08, 28/08/2023
(QBĐT) - Thời gian qua, ngành Thủy sản cơ bản duy trì ổn định, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng hàng năm tăng 5-10%. Tuy nhiên, để lĩnh vực chế biến thủy sản phát triển tương xứng với tiềm năng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế thì các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã (HTX) chế biến thủy sản cần có những giải pháp thiết thực, sự chung tay của các sở, ban, ngành, địa phương.
Quảng Bình hiện có khoảng 400 cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm thủy sản, đa phần được sản xuất ở quy mô hộ gia đình theo phương pháp thủ công, truyền thống, công suất thấp, trang thiết bị lạc hậu. Các cơ sở chế biến thủy sản đông lạnh phần lớn là hệ thống làm lạnh kiểu cũ, toàn tỉnh hiện chỉ có 5 doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạnh hiện đại.
Gần đây, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến thủy sản đã mạnh dạn đầu tư hệ thống dây chuyền máy móc, thiết bị, sử dụng công nghệ chế biến hiện đại vào hoạt động, nâng cao giá trị, tính cạnh tranh cũng như xây dựng thương hiệu, tạo lập vị thế cho sản phẩm trên thị trường.
Cá bờm trắng Vương Đoàn đang xây dựng các tiêu chí để đạt chuẩn OCOP 5 sao.
Ðiển hình như HTX Sản xuất, mua bán, chế biến thủy hải sản Vương Đoàn (Quảng Ninh). Là một trong những sản phẩm đầu tiên được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, cá bờm trắng của HTX được xem là sản phẩm thành công nhất trong chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" ở huyện Quảng Ninh xét cả về khía cạnh thương hiệu, thị trường cũng như chất lượng sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Đoàn, Giám đốc HTX cho biết: Hiện, sản phẩm cá bờm trắng của HTX đã có mặt tại nhiều tỉnh thành trong cả nước và xuất khẩu sang các nước Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc… theo đường tiểu ngạch. Bình quân mỗi năm HTX bán ra thị trường 40-50 tấn cá bờm trắng khô. Được sự hỗ trợ của các sở, ban, ngành, địa phương, HTX đang nỗ lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đầu tư thiết bị hiện đại phục vụ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm với quyết tâm nâng hạng sản phẩm cá bờm trắng đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao trong năm 2024. Ngoài ra, HTX đang hướng đến chế biến các sản phẩm khác, như: Cá nục, cá trích hấp sấy khô để xuất bán sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc.
Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ tổng hợp Việt Trung (xã Thanh Trạch, Bố Trạch) cũng là đơn vị đi đầu trong hiện đại hóa quy trình sản xuất nước mắm truyền thống. Với quy trình sản xuất hiện đại, mỗi năm với 200 tấn nguyên liệu cá cơm, công ty sản xuất ra khoảng hơn 25.000 lít nước mắm các loại, được tiêu thụ tại nhiều cửa hàng nông sản sạch, đại lý trên toàn quốc, nhiều nhất là TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Sản phẩm chế biến thủy sản ở tỉnh ta chưa tương xứng với tiềm năng khai thác.
Hiện, công ty đang tích cực cải thiện mẫu mã sản phẩm, thay thế chai nhựa bằng chai thủy tinh, đầu tư hệ thống đóng chai tự động, mở rộng diện tích, quy mô sản xuất với dự kiến bán ra 200.000 lít nước mắm/năm. Cùng với đó, công ty cũng bắt tay vào thực hiện các tiêu chí, nâng cao chất lượng, phấn đấu đưa sản phẩm đạt OCOP 5 sao.
Là địa phương có thế mạnh về khai thác và đánh bắt thủy sản trên biển, tuy nhiên Quảng Bình hiện mới chỉ có 3 doanh nghiệp được cấp mã số xuất khẩu thủy sản vào các thị trường EU, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, gồm: Công ty CP thủy sản Năm Sao, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Dalu Surimi; Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu thủy sản Quảng Bình Surimi.
Bên cạnh một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, HTX đầu tư các trang thiết bị hiện đại để sản xuất thì phần lớn các cơ sở, doanh nghiệp chế biến, bảo quản thủy, hải sản ở trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhỏ lẻ, công suất thấp, trang thiết bị còn lạc hậu. Hầu hết các cơ sở sản xuất mới chỉ sơ chế và xuất bán nguyên liệu thô bằng phương pháp thủ công truyền thống nên giá trị không cao. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chế biến thủy sản còn gặp nhiều khó khăn, một số thời điểm không chủ động được nguồn nguyên liệu cho hoạt động chế biến. Các sản phẩm chế biến chủ yếu tiêu thụ thị trường nội địa, sản phẩm xuất khẩu chiếm tỷ lệ rất thấp…
Trò chuyện với bà Phạm Thị Hoa, Giám đốc HTX Chế biến thủy sản Nhân Trạch, chúng tôi được biết, hiện HTX có 13 sản phẩm, gồm: Nước mắm, ruốc quết, mắm nêm, cá, mực rim me, cá khô, mực khô… Trong đó, nước mắm và cá rim me là 2 sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Mỗi năm HTX sản xuất bình quân trên 25.000 lít nước mắm, 40 tấn ruốc và hàng chục tấn cá, mực khô các loại. Khó khăn nhất của HTX là người tiêu dùng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã, bao bì bắt mắt, phương thức mua bán nhanh chóng, thuận lợi, uy tín.
Tuy nhiên, các sản phẩm của HTX hiện nay đều làm bằng thủ công truyền thống, nguyên liệu tươi ngon, chất lượng bảo đảm nhưng một số sản phẩm vẫn chưa có bao bì, nhãn mác. Đặc biệt, sản phẩm nước mắm vẫn nặng mùi và có độ mặn cao, sau khi đóng chai, để một thời gian thì chuyển sang màu đen nên không hấp dẫn được người tiêu dùng. Kèm theo đó là áp lực cạnh tranh về giá ngày càng gay gắt từ các sản phẩm tương tự như nước mắm công nghiệp, nước mắm pha chế…; sức ép từ việc thiếu nguyên liệu, chi phí tăng cao, thiếu nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như các thiết bị hiện đại để giảm chi phí nhân công lao động, tăng năng suất, bảo đảm chất lượng sản phẩm.
Phần lớn các cơ sở chế biến thủy sản có quy mô nhỏ, lẻ, công suất thấp, trang thiết bị còn lạc hậu.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Văn Lợi, để nâng cao giá trị sản phẩm trong chế biến thủy, hải sản, thời gian qua, sở đã phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tăng cường đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu các mặt hàng thủy, hải sản đặc sản của các địa phương; chú trọng đẩy mạnh công tác quản lý chất lượng hàng hóa, đăng ký tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, đăng ký thương hiệu; cải tiến mẫu mã, bao bì để chiếm lĩnh thị trường, tiến tới xuất khẩu trực tiếp.
Thời gian tới, các sở, ngành, địa phương liên quan cần tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở chế biến thủy, hải sản trong việc dự báo thị trường, thường xuyên cung cấp thông tin về thị hiếu tiêu dùng, yêu cầu chất lượng, giá cả các loại sản phẩm; tăng cường công tác quản lý nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh lĩnh vực thủy sản; phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, tạo ra bước đột phá về chất lượng sản phẩm hàng hóa; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến gắn với vùng nguyên liệu, gắn nâng cao hiệu quả kinh tế với bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái…
(QBĐT) - Sáng 28/8, tại TP. Đồng Hới, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Trung tâm đấu thầu qua mạng quốc gia tổ chức hội nghị phổ biến, hướng dẫn cho các chủ đầu tư, bên mời thầu trên địa bàn tỉnh các quy định pháp luật mới về đấu thầu, đấu thầu qua mạng và các thao tác trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
(QBĐT) - Cuộc tái thiết, "thay áo mới" những vùng đất khô cằn đã và đang được nhiều nông dân bền bỉ, cần mẫn thực hiện nhằm phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững. Vùng gò đồi đầy cỏ hoang, giờ phủ đầy màu xanh hy vọng, trở thành "mỏ vàng" hái ra tiền.