"Gỡ vướng" vùng chăn nuôi tập trung

  • 09:08, 26/08/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Giai đoạn 2020-2025, huyện Tuyên Hóa xác định phát triển chăn nuôi là một trong những “trụ cột” của ngành nông nghiệp. Theo đó, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung “cấp xã, thị trấn” là giải pháp đột phá, nhằm đưa ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Tuy nhiên, sau gần 2 năm thực hiện, nhiều địa phương trên địa bàn huyện đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần nhanh chóng tháo gỡ kịp thời.
 
Chờ đợi và kỳ vọng
 
Sau gần 2 năm thực hiện Đề án Chăn nuôi tập trung (CNTT), giai đoạn 2021-2025, trên địa bàn huyện Tuyên Hóa mới chỉ có 2 địa phương hoàn thành quy hoạch vùng CNTT là xã Đức Hóa và Đồng Hóa, còn 16 xã, thị trấn đang triển khai quy hoạch. Đây cũng là 2 địa phương được chọn làm mô hình “điểm” cho các địa phương trên địa bàn huyện.
 
Xã Đức Hóa đang tiến hành quy hoạch chi tiết vùng CNTT tại khu vực xóm Trầm, thôn Đồng Lâm (diện tích 6,8ha). Dự kiến, vùng CNTT hoàn thành sẽ thu hút 6 hộ dân vào chăn nuôi. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đang còn lúng túng, đợi sự hướng dẫn của huyện.
Xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung, Tuyên Hóa kỳ vọng sẽ tạo “đòn bẩy” để ngành chăn nuôi phát triển.
Xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung, Tuyên Hóa kỳ vọng sẽ tạo “đòn bẩy” để ngành chăn nuôi phát triển.
Chủ tịch UBND xã Đức Hóa Võ Xuân Trường cho biết: “Xã đã thông báo cho người dân làm đơn đăng ký vào chăn nuôi trong vùng để xem xét, nhưng chúng tôi đang “bí” về phương án giao đất. Bởi, theo quy định, nếu người dân thuê đất trong vùng CNTT với diện tích 0,5ha trở lên phải có phương án đầu tư, trong đó phải đăng ký loại hình, quy mô, kế hoạch phát triển chăn nuôi, tuy nhiên, hiện chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể nào. Theo kế hoạch huyện giao, đến cuối năm 2023 xã Đức Hóa sẽ hoàn thành vùng CNTT để đưa vào hoạt động. Thời gian từ nay đến cuối năm còn rất ít, chúng tôi sẽ khó hoàn thành đúng tiến độ được giao”.
 
Việc hình thành vùng CNTT của huyện Tuyên Hóa hứa hẹn sẽ mở ra cơ hội mở rộng quy mô và phát triển chăn nuôi cho nhiều hộ dân trên địa bàn. Tuy nhiên, qua tìm hiểu, một số người dân vẫn còn băn khoăn về quy trình thủ tục đăng ký vào vùng CNTT.
 
Năm 2012, trang trại chăn nuôi bò, gà của anh Phạm Ngọc Hoàng ở thôn Đức Phú 3, xã Đức Hóa được huyện Tuyên Hóa cấp giấy chứng nhận trang trại cấp huyện. Tuy nhiên, đến năm 2021, huyện Tuyên Hóa đã thu hồi giấy chứng nhận vì trang trại của anh không đủ tiêu chuẩn về diện tích. Từ đó đến nay, mặc dù anh Hoàng rất muốn đầu tư xây dựng chuồng trại, tăng đàn, nhưng ấp ủ đó đành phải gác lại vì không có mặt bằng.
 
Việc xây dựng các vùng CNTT trên địa bàn huyện Tuyên Hóa nhằm thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển nhanh, bền vững theo hướng tập trung, liên kết chuỗi sản xuất-tiêu thụ, đồng thời bảo vệ môi trường, áp dụng quy trình chăn nuôi tiên tiến, an toàn sinh học vào sản xuất. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, huyện Tuyên Hóa đưa giá trị sản xuất ngành chăn nuôi chiếm 55% trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng ít nhất 10 vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh và 21 trang trại CNTT.

Năm 2022, anh Hoàng đã thử nghiệm thành công mô hình nuôi gà thảo dược và dự định sẽ chế biến đưa ra thị trường sản phẩm “gà ủ muối”. Vì vậy, sau khi nhận được thông tin xã Đức Hóa thông báo, anh liền làm đơn đăng ký.

Anh Phạm Ngọc Hoàng cho biết: “Vùng CNTT sẽ giúp những người chăn nuôi như tôi giải quyết khó khăn về mặt bằng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa biết các thông tin chi tiết về các hồ sơ, thủ tục liên quan như thế nào? Nhất là việc hướng dẫn lập phương án đầu tư, để chúng tôi có sự chủ động chuẩn bị cần thiết. Bởi, việc huy động nguồn lực đầu tư trong cùng một lúc để hoàn thiện mô hình với cá nhân, hộ gia đình là điều không phải dễ. Trong khi đó, chăn nuôi là ngành rất “nhạy cảm” với những biến động của thị trường, cả đầu vào lẫn đầu ra”.
 
Khó giải phóng mặt bằng
 
Trong số những khó khăn, vướng mắc từ việc xây dựng vùng CNTT, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) là vấn đề khiến nhiều địa phương đang gặp khó. Thị trấn Đồng Lê đã tiến hành quy hoạch vùng CNTT với diện tích khoảng 15ha, trong đó giai đoạn 1 sẽ GPMB khoảng 5ha.
 
Tuy nhiên, diện tích đất nói trên là đất rừng đã được cấp cho người dân. Muốn GPMB để xây dựng vùng CNTT, chính quyền địa phương phải thu hồi, đền bù nên cần nguồn kinh phí rất lớn, trong khi nguồn lực của địa phương có hạn.
 
Chủ tịch UBND thị trấn Đồng Lê Đậu Bá Quý cho biết: “Thị trấn hiện không có quỹ đất tập trung để xây dựng vùng CNTT nên chúng tôi phải thu hồi đất rừng của người dân để thực hiện, chứ không còn cách nào khác. Mà muốn thu hồi cần phải có kinh phí để đền bù cho người dân. Đây cũng là vướng mắc lớn nhất mà địa phương đang gặp phải. Theo tính toán sơ bộ, số tiền cần để GPMB 5ha cần khoảng 5 tỷ đồng. Nếu không có sự hỗ trợ từ huyện rất khó để triển khai”.
 
Tương tự, xã Hương Hóa cũng đã quy hoạch vùng CNTT Đồng Chuối với diện tích 6ha. Theo Chủ tịch UBND xã Hương Hóa Nguyễn Văn Linh: “Khó lắm. Bởi diện tích đất quy hoạch đó là đất rừng trồng cao su của người dân. Muốn đền bù, GPMB cần phải có nguồn kinh phí bồi thường rất lớn, địa phương không thể kham nổi. Hiện tại, địa phương đang tổ chức khoanh vùng quy hoạch, các bước còn lại sẽ tính sau. Chúng tôi cũng đã tính đến phương án vận động các hộ dân có đất ở trong vùng quy hoạch chuyển đổi mục đích từ trồng rừng sang phát triển chăn nuôi”.
Vùng chăn nuôi tập trung của xã Đồng Hóa đã hoàn thành quy hoạch chi tiết.
Vùng chăn nuôi tập trung của xã Đồng Hóa đã hoàn thành quy hoạch chi tiết.
Một khó khăn khác xã Hương Hóa đang gặp phải đó là do địa bàn xã miền núi, đất rộng, nên nhu cầu của người dân vào vùng CNTT cũng không thực sự quá lớn.
 
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuyên Hóa Đinh Xuân Thương cho biết, chủ trương thành lập vùng CNTT của huyện Tuyên Hóa là việc làm chưa có thường lệ và chưa có địa phương nào trên địa bàn tỉnh triển khai để học hỏi. Vì vậy, trong quá trình thực hiện, ở giai đoạn đầu sẽ gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Quan điểm của huyện là làm dần từng bước. Địa phương nào có lợi thế và thuận lợi không phải thu hồi, đền bù, GPMB sẽ thực hiện trước.
 
Qua báo cáo, hiện trên địa bàn huyện có nhiều địa phương đang gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc trong thu hồi, đền bù GPMB vì quỹ đất do xã quản lý không có. Về vấn đề này, quan điểm của huyện sẽ ưu tiên cho các hộ có đất rừng trong vùng quy hoạch CNTT tự chuyển đổi mục đích sử dụng để đầu tư phát triển chăn nuôi. Hoặc, các hộ có thể tự thỏa thuận đổi đất rừng, tự GPMB và huyện sẽ tạo điều kiện giao đất, cho thuê đất theo trình tự thủ tục quy định. Đối với các hộ dân đăng ký vào phát triển chăn nuôi trong vùng CNTT, huyện sẽ sớm có hướng dẫn cụ thể.
 
Theo đó, sau khi phương án chăn nuôi được phê duyệt, các hộ gia đình phải cam kết tiến độ đầu tư, lộ trình thực hiện theo kế hoạch đã đề ra. Và trên cơ sở phương án, tùy từng đối tượng, huyện sẽ có hạn mức giao đất, cho thuê đất phù hợp. Nếu cá nhân, hộ gia đình không thực hiện đúng cam kết sẽ bị thu hồi. Trong quá trình xét duyệt hồ sơ, các địa phương cũng phải tiến hành sàng lọc, lựa chọn được những hộ dân thực sự có năng lực và khát vọng, để mục đích hình thành vùng CNTT phát huy hiệu quả, góp phần tạo động lực phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện.
Dương Công Hợp 

tin liên quan

Phát triển nông-lâm nghiệp kết hợp theo hướng sản xuất xanh
Phát triển nông-lâm nghiệp kết hợp theo hướng sản xuất xanh
(QBĐT) - Ngày 25/8, Viện Phát triển kinh tế hợp tác phối hợp Liên minh HTX tỉnh tổ chức hội thảo kế hoạch sản xuất, kinh doanh nông, lâm nghiệp kết hợp theo hướng sản xuất xanh hiệu quả ứng phó với biến đổi khí hậu tại khi vực miền Trung Việt Nam. 
 
Nỗ lực xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội - Bài 2: Vượt khó để hoàn thành mục tiêu
Nỗ lực xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội - Bài 2: Vượt khó để hoàn thành mục tiêu

(QBĐT) - Có thể nói, cùng với những kết quả đạt được, việc đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Đây là những thách thức lớn mà tỉnh phải vượt qua để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm đưa rác thải vào bờ của ngư dân
Tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm đưa rác thải vào bờ của ngư dân

(QBĐT) - Ngày 25/8, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển kinh tế và Môi trường bền vững phối hợp cùng Chi cục Thủy sản tỉnh tổ chức tọa đàm "Ngư dân mang rác vào bờ góp phần bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản".