(QBĐT) - Từ nhiều năm nay, ông Cao Xuân Xiêm (62 tuổi, dân tộc Chứt), Trưởng bản K-Ai, xã Dân Hóa (Minh Hóa) được dân bản ví von là “cây đại thụ” bên dãy Giăng Màn.
Bởi ông không chỉ tâm huyết trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mà còn nỗ lực phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi kết hợp trồng rừng; đồng thời hướng dẫn, bày cách cho bà con dân bản cùng làm theo để vươn lên thoát nghèo.
Bên chén nước chè trong ngôi nhà kiên cố của mình, ông Cao Xuân Xiêm nhớ lại, trước đây, khi mới lập gia đình, vợ chồng ông cũng như nhiều hộ gia đình khác ở bản K-Ai sản xuất không đủ ăn, năm nào cũng thiếu đói, nhất là vào mùa giáp hạt. Con cái không được ăn no, mặc ấm để đến trường. Nhà cửa thì tạm bợ. Nói chung, cuộc sống lúc đó còn lắm khó khăn, thiếu thốn đủ bề.
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền địa phương, đoàn thể đã hỗ trợ, xây dựng điện, đường, trường, trạm cũng như các chính sách an sinh xã hội dành cho đồng bào dân tộc thiểu số nên cuộc sống đồng bào Chứt ở nơi biên giới xã Dân Hóa đã từng bước đổi thay.
Ông Cao Xuân Xiêm bên máy nước sinh hoạt phục vụ người dân ở bản K-Ai.
Ông Xiêm kể, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, khi bộ đội Biên phòng, cán bộ các tổ chức, đoàn thể đến tuyên truyền, vận động về xóa đói giảm nghèo, vợ chồng tôi đã xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, cây con giống năng suất kém để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi. Thuở mới đầu, vợ chồng tôi “lấy ngắn nuôi dài”, ngày ngày trên nương rẫy chăm chỉ trồng cây ngô, cây sắn. Ở vườn nhà, gia đình nuôi thêm đàn gà, con lợn để đắp đổi qua ngày, vừa tiết kiệm, tích lũy vốn để vươn lên thoát nghèo.
Có chí thì nên, kể từ năm 2000, ông Xiêm bàn bạc với vợ con vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với gia đình và điều kiện tự nhiên của địa phương. Với bản tính cần cù, chịu khó, vợ chồng ông đã khai hoang đất bên bờ suối để trồng lúa, trồng đậu xanh, vừa đảm bảo lương thực cho gia đình, vừa phục vụ chăn nuôi.
Chuyện ông trồng cây cỏ voi để phục vụ chăn nuôi là một bước tiến trong hành trình vươn lên làm giàu của gia đình. Bởi có thời điểm gia đình ông nuôi trên 70 con trâu, bò cùng đàn gia cầm hàng trăm con và 10ha rừng tràm, keo cho thu hoạch xen kẻ. Trừ chi phí, mỗi năm đem đến cho gia đình ông nguồn thu nhập bình quân từ 70-90 triệu đồng.
Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông luôn nhiệt tình hướng dẫn bà con trong bản phát triển chăn nuôi vươn lên thoát nghèo. Đến nay ở bản K-Ai có gần 40 hộ phát triển chăn nuôi, nhiều hộ kết hợp trồng keo, tràm và nuôi ong lấy mật mang lại nguồn thu nhập khá ổn định.
Để phát triển kinh tế gia đình, ông Xiêm vừa phát triển chăn nuôi kết hợp trồng rừng.
Với uy tín của mình, nhiều năm liền ông Cao Xuân Xiêm được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng bản. Ông đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con dân bản nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, ăn ở sạch sẽ, hợp vệ sinh.
Đặc biệt là vận động bà con không trông chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước, phát huy tình làng, nghĩa xóm, đoàn kết giúp nhau đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế. Người trưởng bản này cũng luôn vận động bà con dân bản không phá rừng chặt cây lấy gỗ mà nhận đất trồng rừng, phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn gà để có cái ăn, cái mặc, nuôi con học hành, biết cái chữ để sau này về giúp bản, làng.
Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN huyện Minh Hóa Đinh Hồng Sâm cho biết, với vai trò trưởng bản và ủy viên Ủy ban MTTQVN huyện, ông Cao Xuân Xiêm là thủ lĩnh đi đầu trong phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo bằng những việc làm cụ thể. Đặc biệt với vai trò của người có uy tín, ông luôn thực hiện phương châm “mình phải gương mẫu làm trước, làm tốt bà con dân bản mới tin, mới làm theo” nên các phong trào, hoạt động ở bản K-Ai được triển khai thực hiện đạt kết quả cao, từng bước đưa K-Ai trở thành bản kiểu mẫu ở vùng biên.
(QBĐT) - Triển khai sản xuất vụ hè-thu 2023 trong điều kiện thời tiết có nhiều diễn biến phức tạp, bởi vậy, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã tập trung chỉ đạo bà con nông dân triển khai sản xuất với phương châm tranh thủ sớm thời vụ, bố trí cơ cấu giống hợp lý, ngăn chặn dịch hại, bảo đảm đủ nước tưới để cây trồng vụ hè-thu sinh trưởng và phát triển tốt…
(QBĐT) - UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định số 24/2023/QĐ-UBND thay thế Quyết định số 35/2012/QĐ-UBND ngày 26/12/2012 ban hành quy định phân công, phân cấp quản lý đường đô thị trên địa bàn tỉnh.
(QBĐT) - Để giúp bà con bản Eo Bù-Chút Mút, xã Lâm Thủy (Lệ Thủy), năm 2014, Đoàn Kinh tế Quốc phòng (KTQP) 79, Binh đoàn 15 đã đầu tư xây dựng lưới điện. Từ khi có điện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể. Cũng từ đó, những "chiến sĩ áo cam" Điện lực Lệ Thủy đã vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ để quản lý, vận hành tuyến điện này.