Bài 2: Tạo sự đột phá theo hướng toàn diện và có chiều sâu

  • 03:07, 06/07/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Dù gặp nhiều khó khăn trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) nhưng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huyện Quảng Ninh đang tiếp tục huy động tối đa mọi nguồn lực, triển khai thực hiện các tiêu chí theo hướng bền vững, toàn diện và có chiều sâu.
 
“Bức tranh” có nhiều điểm sáng
 
Sau hơn 12 năm triển khai thực hiện, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, phong trào xây dựng NTM trên địa bàn huyện Quảng Ninh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Bộ mặt nông thôn khởi sắc, hạ tầng kinh tế-xã hội (KT-XH) phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước nâng lên.
Các tuyến đường ở thôn Lương Yến, xã Lương Ninh được đầu tư nâng cấp khang trang, cảnh quan xanh - sạch - đẹp.
Các tuyến đường ở thôn Lương Yến, xã Lương Ninh được đầu tư nâng cấp, cảnh quan xanh - sạch - đẹp.
Về thăm thôn kiểu mẫu Lương Yến, xã Lương Ninh chúng tôi không khỏi ngạc nhiên trước sự thay đổi ấn tượng, rõ nét trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng NTM của vùng quê này. Lương Yến hôm nay đã khoác lên mình diện mạo mới với hệ thống đường giao thông nông thôn rộng mở, cứng hóa nối dài tới khắp các đường làng, ngõ xóm. Cơ sở vật chất văn hóa, thể dục-thể thao được đầu tư đồng bộ. Người dân đồng thuận, quyết tâm thực hiện nếp sống văn minh và tích cực phát triển kinh tế.
 
Ông Phan Mậu Hai, Trưởng thôn Lương Yến cho biết, thôn được công nhận thôn kiểu mẫu vào năm 2020. Trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, cấp ủy, chính quyền thôn Lương Yến đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực giúp nhau phát triển kinh tế, tham gia đóng góp xây dựng NTM. Bằng nguồn kinh phí nhân dân đóng góp và xã hội hóa, thôn đã xây dựng đình làng, nhà văn hóa, làm đường giao thông… với kinh phí hàng tỷ đồng.
 
Chỉ tính riêng trong năm 2022, nhân dân đã đóng góp xây dựng hệ thống tuyền thanh mới, tôn tạo sân văn hóa, tu bổ công trình tâm linh… trị giá 490 triệu đồng. Công tác giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường cũng được thôn đặc biệt quan tâm. Thôn thường xuyên duy trì tổng vệ sinh môi trường vào các ngày chủ nhật hàng tuần; tổ chức thu gom xử lý rác đúng nơi quy định; đường làng, ngõ xóm sạch sẽ.
Xã Trường Xuân đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện sân thể thao trung tâm xã để “đạt” tiêu chí cơ sở vật chất văn hoá.
Xã Trường Xuân đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện sân thể thao trung tâm xã để đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hoá.
Theo Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Phạm Trung Đông, trong quá trình xây dựng NTM, huyện đã lồng ghép các nguồn vốn từ nguồn vốn đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để đầu tư xây dựng hạ tầng KT-XH thiết yếu, xây dựng NTM.
 
Nhiều công trình hạ tầng nông thôn đã được xây mới, nâng cấp từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của người dân; hình thành nhiều mô hình phát triển sản xuất theo hướng kinh tế hàng hóa có hiệu quả, góp phần tích cực vào sự phát triển KT-XH của huyện, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân; đời sống văn hóa tinh thần không ngừng được nâng lên, an ninh trật tự được giữ vững, nhiều cơ sở văn hóa được nâng cấp và xây mới, các hoạt động văn hoá-thể thao và học tập trong cộng đồng được khôi phục, duy trì và phát triển.
 
Phong trào thi đua làm đường giao thông nông thôn rộng, thoáng, an toàn đã được nhân dân trong toàn huyện tích cực hưởng ứng. Không chỉ hiến đất, hiến tài sản, người dân còn tham gia làm đường giao thông. Đến nay, huyện Quảng Ninh có 12 xã được công nhận NTM, bình quân 1 xã đạt 16,5 tiêu chí NTM, tiêu chí NTM nâng cao đạt 140 tiêu chí, trung bình 10 tiêu chí/xã.
 
Những kết quả đạt được trong xây dựng NTM đã tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; duy trì tốt và nâng dần mức độ hoàn thiện các tiêu chí về thủy lợi, điện, thông tin và truyền thông, cấp nước sạch nông thôn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân; chăm lo tốt công tác giáo dục và đào tạo, xây dựng đời sống văn hóa, góp phần giữ vững quốc phòng-an ninh, trật tự xã hội. Các vấn đề về văn hóa, giáo dục và đào tạo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn luôn được bảo đảm, đạt chỉ tiêu đề ra.
Mô hình lúa hữu cơ đem lại năng suất, hiệu quả cao cho nông dân huyện Quảng Ninh.
Mô hình lúa hữu cơ đem lại năng suất, hiệu quả cao cho nông dân huyện Quảng Ninh.
Nâng tầm nông thôn mới
 
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Ninh Trần Đức Thuận cho biết, với quan điểm xây dựng NTM không chỉ là nâng cấp về cơ sở hạ tầng, như: Điện, đường, trường, trạm ngày càng khang trang, hiện đại mà hơn hết phải là phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân, huyện tập trung mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng liên kết bền vững trong sản xuất.
 
Cùng với đó, thực hiện hiệu quả các chính sách phát triển sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản; tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, ưu tiên phát triển các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị gắn với nâng cao chất lượng, giá trị, hiệu quả các sản phẩm chủ lực.
 
Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) mang lại luồng gió mới, nâng tầm giá trị nông sản, sản phẩm đặc trưng của địa phương. Từ chương trình đã bước đầu hình thành các sản phẩm đặc trưng gắn với từng địa phương, như: Dưa hấu Hàm Ninh, khoai deo Hải Ninh, gạo Vĩnh Tuy…
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Hiền Ninh (Quảng Ninh).
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân xã Hiền Ninh.
Đến hết tháng 6/2023, toàn huyện có 18 sản phẩm đạt OCOP (trong đó có 4 sản phẩm đạt 4 sao và 14 sản phẩm đạt 3 sao). Để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng NTM nâng cao đến năm 2025, Quảng Ninh tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh, gắn kết sản xuất với tiêu thụ, phát triển sản phẩm OCOP, làng nghề, dịch vụ du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
 
“Với phương châm “giữ chuẩn, thêm chuẩn và nâng chuẩn”, nhằm đưa việc thực hiện xây dựng NTM đi vào thực chất, chiều sâu, huyện tiếp tục chỉ đạo các xã về đích phấn đấu giữ vững và nâng cao các tiêu chí đã đạt, rà soát khôi phục các tiêu chí sụt giảm, huy động tối đa nguồn lực đầu tư hạ tầng KT-XH thiết yếu, xây dựng NTM; tập trung tuyên truyền những thành quả đạt được trong xây dựng NTM, tạo niềm tin, cổ vũ động viên nhân dân tiếp tục thi đua chung sức xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đồng thời, huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu để từng bước hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí, tạo sự đột phá về diện mạo nông thôn theo hướng hiện đại, xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh”, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Phạm Trung Đông cho biết thêm.
 
Với mục tiêu xây dựng NTM để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân ở khu vực nông thôn, cơ sở hạ tầng từng bước đầu tư hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất phát triển phù hợp; huyện Quảng Ninh phấn đấu trong năm 2023 có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, có 3-4 khu dân cư NTM kiểu mẫu, có 1-2 thôn/bản tại các xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn NTM.
Lan Chi

 

tin liên quan

Chủ động phòng trừ sâu bệnh hại lúa vụ hè-thu
Chủ động phòng trừ sâu bệnh hại lúa vụ hè-thu

(QBĐT) - Hiện nay, nông dân trong toàn tỉnh đang tích cực chăm sóc lúa vụ hè-thu, tuy nhiên, nhiều diện tích lúa đã xuất hiện tình trạng sâu bệnh gây hại. 

Nỗ lực xây dựng khu dân cư kiểu mẫu
Nỗ lực xây dựng khu dân cư kiểu mẫu

(QBĐT) - Những năm gần đây, việc triển khai xây dựng mô hình khu dân cư kiểu mẫu (KDCKM) trên địa bàn TX. Ba Đồn nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các tầng lớp nhân dân.

Quảng Ninh: Xây dựng nông thôn mới hiệu quả, bền vững
Quảng Ninh: Xây dựng nông thôn mới hiệu quả, bền vững

(QBĐT) - Xây dựng nông thôn mới (NTM) là "quá trình liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc". Sau hơn 12 năm triển khai thực hiện, dù gặp nhiều khó khăn nhưng "bức tranh" NTM trên địa bàn huyện Quảng Ninh đã có những "gam màu sáng". Bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, kinh tế-xã hội phát triển, đời sống người dân được nâng cao.