Miệt mài trồng rừng gỗ lớn

  • 06:07, 09/07/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau nhiều năm bôn ba trên nước bạn Lào làm nghề buôn gỗ, anh Trần Văn Minh, thôn Thanh Khê, xã Thanh Trạch (Bố Trạch) nhận thấy, nghề này tuy cho thu nhập cao nhưng lại ảnh hưởng đến rừng, tác động xấu đến môi trường. Do vậy, năm 1999, anh quyết định trở về quê, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh rồi mua đất trồng rừng và gắn bó với rừng từ đó…
Anh Trần Văn Minh đang chăm sóc rừng gỗ lớn của mình
Anh Trần Văn Minh đang chăm sóc rừng gỗ lớn của mình.
Anh Trần Văn Minh (SN 1968) trong một gia đình nghèo. Năm 15 tuổi, anh đã học cách kinh doanh, buôn bán. Anh đi qua nhiều nơi, thậm chí là nước ngoài để làm nhiều ngành nghề khác nhau kiếm sống. Có những năm, anh theo bạn sang Lào xây dựng các công trình phúc lợi để đổi lấy gỗ rừng khai thác.Anh kể: “Công việc ngày đó mặc dù cho thu nhập cao, nhưng việc khai thác gỗ rừng về bán đã làm những cánh rừng biến mất, gây hậu quả nặng nề cho các thế hệ sau này. Do vậy, tôi đã quyết định trở về quê hương lập nghiệp bằng nhiều ngành nghề khác nhau, trong đó có trồng rừng”.
 
Anh Minh bắt đầu trồng rừng từ năm 1999 khi Cộng hòa Liên bang Đức hỗ trợ cho nước ta trồng thông để phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Lúc đó, nhận thức trồng rừng của bà con ở xã Thanh Trạch còn hạn chế, nhiều người nhận phân bón rồi bán đi, tiền hỗ trợ cây giống thì dùng vào mục đích khác nên nhiều diện tích đất rừng bỏ hoang. Một lần, khi leo lên đỉnh một ngọn đồi nhìn xuống làng mạc, bãi cát trắng mịn màng với biển Đá Nhảy xanh, đẹp mắt, anh Minh chợt nghĩ, ngọn đồi này nếu được trồng rừng để phát triển du lịch trải nghiệm sẽ rất phù hợp. 
 
Vậy là anh quyết định dốc vốn mua luôn 10ha đất đồi của bà con đang bỏ hoang để trồng thông. Thời gian đầu triển khai, cây thông chết khá nhiều do đất cằn cỗi. Với tình yêu rừng, anh quyết định chuyển sang đầu tư trồng cây bản địa bằng giống lim, huỵnh và nhiều giống cây dài ngày khác. Thấy cây phát triển tốt, anh Minh mừng lắm, giấc mơ làm du lịch trải nghiệm của anh đã dần hình thành.
 
Dưới chân đồi, anh mua thêm 3ha đất sản xuất để làm trang trại. Ở đó, anh đào ao nuôi cá, trồng cây ăn quả, làm một con đường lên đồi và trồng xà cừ hai bên. Qua 20 năm, cây của anh đã phát triển thành rừng xanh tốt, phủ xanh cả một ngọn đồi.
Bà con huyện Bố Trạch lâu nay vẫn trồng rừng gỗ nhỏ, thời gian cho thu hoạch nhanh nhưng sản lượng và hiệu quả kinh tế không cao
Người dân huyện Bố Trạch lâu nay vẫn trồng rừng gỗ nhỏ, thời gian cho thu hoạch nhanh nhưng sản lượng và hiệu quả kinh tế không cao.
Niềm vui, hy vọng vừa chớm nở thì nỗi buồn lại ập đến với anh Minh. Một buổi trưa nắng mùa hè năm 2019, cả khu rừng của anh bị bốc cháy, thiêu rụi luôn ước mơ, hoài bão mà anh đang nhen nhóm. “Thấy cây phát triển tốt, lớn lên từng ngày lòng tôi vui mừng khó tả. Khi rừng bốc cháy, tôi đau xót lắm! Tiếc của, tiếc công sức đã đành lại còn gây ảnh hưởng đến môi trường nữa”, anh Minh tâm sự.
 
Buồn nhưng không nản, anh Trần Văn Minh lại đầu tư trồng rừng. Đó là dịp cuối năm 2019, khi chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững hỗ trợ cho huyện Bố Trạch trồng 300ha rừng gỗ lớn. Khi chương trình triển khai, trong khi có khá nhiều hộ dân chưa dám thực hiện vì thời gian trồng rừng gỗ lớn phải kéo dài ít nhất 10 năm mới cho thu hoạch thì anh Minh lại xung phong trồng. Thời điểm đó, chương trình hỗ trợ cho anh 9.000 cây keo giống cấy mô, phân bón để trồng 5ha (mỗi ha hỗ trợ 8 triệu đồng).Trên diện tích của mình, anh Minh trồng 5ha keo giâm hom và 5ha keo cấy mô. Hơn 3 năm trồng, rừng của anh đã phát triển xanh tốt. 
 
Anh Phạm Phong Phú, kiểm lâm viên (Hạt Kiểm lâm Bố Trạch) phụ trách địa bàn xã Thanh Trạch cho biết: “Trước khi trồng rừng gỗ lớn, chúng tôi đã hướng dẫn cho anh Minh cách đào hố, bón phân và kỹ thuật chăm sóc nên rừng cây của anh phát triển rất tốt. Đặc biệt là cây keo cấy mô, khi trồng xuống có tỷ lệ sống cao, phát triển đều và lớn vượt trội hơn so với loại keo thường. Rễ cọc của cây cắm sâu xuống lòng đất nên sẽ hạn chế gãy đổ do mưa bão. Nếu trồng 10 năm, đường kính của cây có thể lên đến 20-30cm, gỗ nặng, lõi chắc có thể làm các vật dụng trong gia đình cũng như xuất khẩu”.
 
Theo tính toán của các chuyên gia, so với trồng rừng gỗ nhỏ, lợi nhuận từ rừng gỗ lớn cao hơn nhiều lần tùy theo tuổi khai thác và đường kính cây. Chỉ tính riêng đối với loại cây trồng phổ biến là cây keo lai và keo tai tượng, đến năm thứ 6 vẫn còn là rừng trồng gỗ nhỏ nên chỉ bán làm dăm gỗ, giá trị đạt từ 60-80 triệu đồng/ha. Thế nhưng, khi trở thành rừng trồng gỗ lớn, tức là cây sau 10-14 năm trồng mới tiến hành khai thác, sản lượng gỗ sẽ đạt từ 200-240m3/ha và hầu hết cây đạt đường kính trên 20cm, trữ lượng gỗ đạt khoảng 100-120m3/ha.
Nhiều diện tích rừng trồng ở huyện Bố Trạch sẽ được tỉa thưa để chuyển sang rừng gỗ lớn
Nhiều diện tích rừng trồng ở huyện Bố Trạch sẽ được tỉa thưa để chuyển sang rừng gỗ lớn.
Lúc đó, rừng sẽ được bán theo giá gỗ xẻ, gỗ chế biến với giá trị từ 1,8-2 triệu đồng/m3, tức là khoảng 250-300 triệu đồng/ha, cao hơn từ 2-3,5 lần giá trị rừng gỗ nhỏ. Rừng gỗ lớn còn hạn chế được số lần khai thác, giãn tiến độ trồng lại nên giảm thiểu nguy cơ xói mòn và rửa trôi đất.
 
Như vậy, 5ha rừng gỗ lớn của anh Minh khoảng 10 năm nữa sẽ mang lại nguồn thu khoảng 1,5 tỷ đồng. Anh Minh tâm sự: “Hiện, tôi đã ký cam kết với chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững là sau 10 năm mới thu hoạch. Dù thời gian hơi dài, nhưng tôi sẽ chờ đợi để xem giá trị của rừng gỗ lớn. Nếu năng suất, sản lượng đạt cao như dự tính, tôi sẽ tiếp tục chuyển diện tích còn lại sang trồng gỗ lớn. Tôi cũng dự định sau này trồng xen rừng gỗ lớn với cây bản địa, làm đường giao thông lên rừng, trồng thêm cây ăn quả, chăn nuôi để phát triển du lịch sinh thái, tạo công ăn việc làm cho bà con trong vùng”…
 
“Anh Trần Văn Minh là một trong những người tiên phong trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn huyện Bố Trạch. Cùng với anh Minh, đến nay bà con trên địa bàn huyện đã trồng được 350ha rừng gỗ lớn trong tổng số 22.000ha rừng trồng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho huyện mở rộng thêm diện tích, chuyển đổi từ rừng trồng gỗ nhỏ sang trồng gỗ lớn; phối hợp với các đơn vị liên quan cấp chứng chỉ rừng FSC để nâng cao giá trị rừng cũng như ý thức chăm sóc bảo vệ rừng cho bà con nhân dân”, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Bố Trạch Đoàn Văn Ngãi cho biết.
Xuân Vương

tin liên quan

Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực tài nguyên-môi trường
Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực tài nguyên-môi trường

(QBĐT) - Chiều 7/7, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

"Tinh hoa" núi rừng Trường Sơn
"Tinh hoa" núi rừng Trường Sơn

(QBĐT) - Tuy mô hình không mới nhưng nuôi ong ở đại ngàn Trường Sơn (xã Trường Sơn, Quảng Ninh) ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng mật là hướng đi mới, góp phần tạo dựng thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường.

Kết nối giao thương với doanh nghiệp nước CHDCND Lào và Vương quốc Thái Lan
Kết nối giao thương với doanh nghiệp nước CHDCND Lào và Vương quốc Thái Lan
(QBĐT) - Sáng nay, 7/7, tại TP. Đồng Hới đã diễn ra hội nghị kết nối giao thương xúc tiến xuất khẩu hàng hóa giữa doanh nghiệp 6 tỉnh khu vực Bắc Trung bộ của Việt Nam với doanh nghiệp xuất, nhập khẩu nước CHDCND Lào và Vương quốc Thái Lan.