(QBĐT) - Những năm gần đây, Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông nghiệp-thủy sản Lộc Phát (HTX Lộc Phát), xã Hoa Thủy (Lệ Thủy) đã triển khai mô hình luân canh lúa-cá-tôm, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Hàng chục ha ruộng trên phá Hạc Hải trước đây thường bị ngập úng, cấy lúa bấp bênh, nay thành vùng trồng lúa, nuôi cá, tôm đem lại lợi nhuận hàng trăm triệu đồng cho người nông dân.
Hiệu quả mô hình cá-lúa
Trước đây, khu đầm phá Hạc Hải là vùng đất ngập nước quanh năm, người dân muốn tiếp cận phải đi bằng thuyền nên nhiều diện tích ruộng bỏ hoang, không canh tác để cỏ dại mọc um tùm. Từ khi đập ngăn mặn Mỹ Trung được xây dựng, nhiều người dân xã Hoa Thủy ra đây be bờ đắp đê, cải tạo thành vùng trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con.
"Mô hình sản xuất kết hợp của HTX Lộc Phát là mô hình nuôi trồng thủy sản sinh thái bền vững, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân cũng như khắc phục được tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang do chi phí sản xuất tăng cao, trồng lúa không có lãi", Chủ tịch UBND xã Hoa Thủy Võ Xuân Hòa cho biết. |
Vợ chồng chị Châu Thị Mai, anh Nguyễn Công Phát, thôn Xuân Bắc 2 là một trong những người tiên phong thực hiện mô hình cá-lúa ở xã Hoa Thủy. Vợ chồng ra ở riêng từ năm 2003, họ bàn nhau ra phá Hạc Hải đắp đê, cải tạo đất trồng lúa.
Chị Mai cho biết, ban đầu ra khai hoang vùng đất này thì ai cũng nghĩ để trồng lúa chứ không nghĩ là sẽ nuôi cá. Khoảng năm 2010, tình cờ xem tivi thấy có mô trồng lúa, nuôi cá ở miền Tây cho hiệu quả kinh tế cao, tôi mới bắt đầu thử nghiệm. Nhận thấy cá rô đồng và cá lóc là 2 loài cá được nhiều người ưa chuộng, phù hợp với vùng nước trên phá, tôi đã mua con giống về nuôi thử nghiệm. Sau 1 năm nuôi, tôi nhận thấy mô hình có chi phí đầu tư thấp, tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên, mặc dù chỉ nuôi được 1 vụ cá nhưng lợi nhuận tăng gấp nhiều lần so với trồng lúa như trước đây.
![]() |
Mô hình cá-lúa mang lại lợi ích “kép” do cá và lúa có quan hệ cộng sinh, cùng hỗ trợ nhau phát triển. Cá ăn sâu bọ hại lúa, sục bùn, diệt cỏ dại, góp phần giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật. Các loại chất thải của cá tích tụ có tác dụng làm phân bón, tăng độ mùn cho ruộng lúa, giảm công làm cỏ, làm đất. Với quan hệ cộng sinh này không chỉ tiết kiệm chi phí thức ăn chăn nuôi, phân bón cho lúa mà còn nâng cao chất lượng sản phẩm, con tôm, con cá, cho đến những hạt gạo đều bảo đảm sạch và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá trong ruộng lúa đạt hiệu quả, chị Mai cho biết, đầu tiên phải lựa chọn giống cá phù hợp với hệ sinh thái đồng ruộng; chọn nuôi các loại cá không cạnh tranh thức ăn với nhau; phải chú ý về hệ thống thoát nước để điều tiết lượng nước trong ruộng cho phù hợp với từng thời điểm để cá ăn sâu bọ và sục bùn, giúp lúa sinh trưởng và phát triển tốt.
Hiệu quả của mô hình đã tạo sức hút với nhiều người dân xã Hoa Thủy, hiện toàn xã có 450ha cá-lúa và 8ha lúa-tôm. Nhằm liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, năm 2021 chị Mai đã thành lập HTX Lộc Phát do chị làm giám đốc với 7 hộ gia đình tham gia. Đến nay, HTX có 20ha diện tích cá-lúa, 5ha diện tích lúa-tôm, theo tính toán mỗi năm trừ chi phí HTX thu về 50 triệu đồng/ha.
|
Nâng cao giá trị hàng hóa
Bên cạnh nuôi cá trên ruộng lúa, năm 2023, được sự hỗ trợ của huyện Lệ Thủy, HTX Lộc Phát đã mạnh dạn thử nghiệm mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trong ruộng lúa. Mặc dù chưa thu hoạch nhưng bước đầu tôm sinh trưởng và phát triển tốt, hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Chị Châu Thị Mai cho biết: Tôm càng xanh có đặc điểm là sẽ ăn nhau khi lột xác, vì thế nuôi trong ruộng lúa sẽ giúp tôm có nhiều cơ hội ẩn nấp hơn, tỷ lệ sống cao hơn nuôi trong ao đất. Khi bắt đầu nuôi, HTX đã chọn giống tôm lớn, nuôi trong ao đất tầm khoảng 2 tháng rồi mới thả ra ruộng lúa nhằm giúp tôm chống được địch hại, tỷ lệ sống cao.
Hiện, HTX đang thử nghiệm 5ha lúa-tôm với 14 vạn giống. Nếu tôm sinh trưởng và phát triển tốt, với giá bán 250.000 đồng/kg thì sẽ cho nguồn thu hơn 100 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí, hiệu quả gấp đôi mô hình cá-lúa.
![]() |
Hiện, HTX Lộc Phát đang hướng tới đầu tư kho chứa lúa, nhà máy xay xát, kết nạp thêm thành viên để hoàn thiện tất cả các khâu trong sản xuất theo chuỗi giá trị liên kết. Từ đó, đăng ký nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm của HTX nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên cũng như người dân Hoa Thủy.
Mong muốn của HTX trong thời gian tới là được các ngành chức năng, các cấp chính quyền hỗ trợ HTX tìm được địa điểm xây dựng kho chứa lúa, hỗ trợ đầu tư hệ thống xay xát, hỗ trợ kỹ thuật để nuôi thử nghiệm các loài cá có năng suất, giá trị cao hơn, các giống lúa cho năng suất, gạo ngon để HTX sản xuất đại trà, xây dựng thương hiệu và đưa ra thị trường.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lệ Thủy Lê Văn Tân cho biết: Mô hình trồng lúa, nuôi tôm, cá ngày càng chứng minh được sự phù hợp và hiệu quả kinh tế đối với điều kiện sản xuất tại các vùng đất trũng thấp trên địa bàn huyện Lệ Thủy. Mô hình này không làm thay đổi lớn về kết cấu hiện trạng mặt ruộng, các hộ dân chỉ cần cải tạo đất, đắp bờ vùng, bờ thửa là có thể tiến hành sản xuất mà không tốn nhiều chi phí đầu tư. Đặc biệt, kết hợp trồng lúa, nuôi tôm, cá cũng không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật, tỷ lệ rủi ro thấp, lợi nhuận cao.
Thời gian tới, huyện Lệ Thủy sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương nhân rộng mô hình, thử nghiệm các loài cá có giá trị kinh tế cao, tôm càng xanh để nuôi thử nghiệm nhằm tăng thu nhập cho người dân. Hướng dẫn, hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác sản xuất theo hướng hàng hóa, tuân thủ quy trình sản xuất sạch, thân thiện môi trường, mang tính bền vững cao.
Phú Quốc