(QBĐT) - Ngày 14/7, Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển (HTPNPT) tỉnh Quảng Bình (thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh) phối hợp với nhà tài trợ và các đơn vị đối tác tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trồng thí điểm sa sâm bản địa trên đất cát.
Tham dự hội thảo có lãnh đạo Hội LHPN tỉnh; Hội Nông dân tỉnh; Sở Khoa học-Công nghệ; Sở Nông nghiệp và PTNT; nhà tài trợ, các đơn vị đối tác và các hộ dân tham gia trồng thí điểm sa sâm trên đất cát.
![]() |
Sa sâm còn được gọi là cây “sâm biển” có giá trị dinh dưỡng cao, được xem là dược liệu quý có nhiều tác dụng trong bảo vệ và tăng cường sức khỏe. Ở xã Hải Ninh, sa sâm được xem là một loại cây bản địa rất gần gũi với cuộc sống người dân miền biển, thường xuyên được sử dụng như một loại rau sạch và trà uống nước.
Với mong muốn tạo cơ hội cho người dân tham gia trực tiếp vào hoạt động bảo vệ đa dạng sinh học, chung tay bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập, được sự đồng ý của UBND tỉnh, Quỹ HTPNPT tỉnh Quảng Bình đã triển khai dự án “Mô hình Tổ phụ nữ bảo tồn sa sâm bản địa trên vùng đất cát xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh”.
![]() |
Dự án được Quỹ HTPNPT tỉnh Quảng Bình triển khai thực hiện từ tháng 1 đến tháng 9/2023; do Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam hỗ trợ tài chính thông qua dự án “Quỹ bảo tồn” do Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) và Viện Gustav-Stresemann (GSI, Đức) phối hợp thực hiện.
Nhằm rút kinh nghiệm và có sự chuẩn bị tốt nhất cho các hoạt động nhân rộng mô hình, Quỹ HTPNPT tỉnh Quảng Bình đã tiến hành trồng thí điểm sa sâm trên cát. Hoạt động này chia làm hai đợt, mỗi đợt trồng trên diện tích 400 mét vuông cách nhau một tháng tại 6 hộ dân (5 nữ, 1 nam) tại 4 thôn của xã Hải Ninh.
![]() |
Trước khi trồng thí điểm, các hộ dân được chuyên gia kỹ thuật Tiến sỹ Hoàng Bích Thủy (Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công-Nông nghiệp Quảng Bình) hướng dẫn cách làm đất, lên luống, trồng cây, làm lưới che, cách chăm sóc sa sâm và thu hoạch theo hướng hữu cơ.
Qua quá trình trồng thử nghiệm cho thấy, sa sâm sinh trưởng và phát triển ổn định. Tuy nhiên, do thời tiết mùa hè nắng nóng, người dân phải tăng cường tưới nước. Đồng thời, đã phát hiện một số vấn đề nảy sinh như kiến đùn, cây quá nhiều ngòng, vàng lá… và đã đưa ra biện pháp hữu cơ dùng tỏi, ớt, chanh… để xử lý.
![]() |
Đến nay, các hộ trồng vườn ươm và trồng thí điểm đã thu hoạch lá, sản lượng ban đầu tính đến ngày 30/6/2023 thu được 30,4 kg. Sản phẩm lá sa sâm của Tổ Hợp tác đã được Công ty TNHH MTV An Nông thu mua và bán tại các cửa hàng rau sạch An Nông với giá từ 60-80 nghìn đồng/kg. Dự kiến thời gian tới sẽ mở rộng đến các thị trường Hà Nội, các chuỗi siêu thị… Phần ngòng cây sa sâm, người dân phơi khô, nấu nước uống.
Tại hội thảo, cán bộ dự án, các chuyên gia và các hộ dân trồng thí điểm đã chia sẻ những kinh nghiệm quý trong thực tiễn trồng thí điểm sa sâm bản địa trên đất cát ở xã Hải Ninh như: Kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trị các loại sâu bệnh. Qua đó rút kinh nghiệm, nhân rộng mô hình, phát triển thương hiệu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm…
![]() |
Kết thúc hội thảo, Ban quản lý dự án “Mô hình Tổ phụ nữ bảo tồn sa sâm bản địa trên vùng đất cát xã Hải Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình” đã chuyển giao kết quả dự án cho chính quyền địa phương xã Hải Ninh tiếp nhận quản lý và phát triển các bước tiếp theo. Tổ hợp tác bảo tồn sa sâm bản địa Hải Ninh và Công ty TNHH MTV An Nông đã ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.
Phan Phương