(QBĐT) - Trong ngày 23-24/7, tại TP. Đồng Hới, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Ứng dụng các giải pháp, tiến bộ kỹ thuật phát triển bền vững nghề nuôi tôm tại một số tỉnh vùng duyên hải miền Trung”.
![]() |
Tham dự diễn đàn có đại diện lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Cục Thuỷ sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, Chi cục Thuỷ sản, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến Ngư các tỉnh và các tổ chức, cá nhân nuôi tôm ở một số địa phương trong tỉnh.
Những năm qua, ngành tôm Việt Nam đã năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức để trở thành ngành hàng mũi nhọn có đóng góp quan trọng trong nền nông nghiệp và kinh tế của đất nước.
Kim ngạch xuất khẩu tôm của nước ta trong năm 2022 lập kỷ lục đạt 4,3 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2021. Năm 2023 nước ta đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4,3 tỷ USD.
![]() |
Thông qua một số đề án, chương trình, hiện nay, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã và đang triển khai các dự án nuôi tôm, như: Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ nuôi tôm tuần hoàn, nuôi tôm xen ghép, nuôi theo hướng hữu cơ, VietGAP...
Tại diễn đàn, các đại biểu đã được nghe các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương trình bày một số tham luận về thực trạng, giải pháp, định hướng phát triển bền vững nghề nuôi tôm nước lợ ở Việt Nam, các tỉnh duyên hải miền Trung; các mô hình nuôi tôm đã được hỗ trợ và triển khai có hiệu quả; bảo vệ môi trường, giảm phát thải CO2 trong nuôi tôm; khó khăn, thuận lợi trong công tác tư vấn và đánh giá cấp giấy chứng nhận VietGAP cho mô hình nuôi tôm nước lợ…
![]() |
Diễn đàn cũng dành phần lớn thời gian để cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp, các tổ chức, doanh nghiệp và người nuôi tôm trao đổi, thảo luận để ứng dụng giải pháp, tiến bộ kỹ thuật phát triển bền vững nghề nuôi tôm tại một số tỉnh vùng duyên hải miền Trung một cách hiệu quả…
Việc tổ chức diễn đàn, có ý nghĩa quan trọng trong việc đề xuất để tìm ra giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển nghề nuôi tôm tại các tỉnh duyên hải miền Trung thành ngành sản suất hàng hóa quy mô lớn, góp phần nâng cao sản lượng, giá trị và phát triển bền vững; đồng thời là cơ hội để giúp cho người nuôi tôm nâng cao nhận thức, kiến thức, cập nhật thường xuyên thông tin mới về tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng trong sản xuất giống và nuôi tôm nước lợ…
![]() |
Trong khuôn khổ diễn đàn, các đại biểu đã đi tham quan mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng tại trang trại của anh Trần Anh Đức, xã Hải Ninh (Quảng Ninh).
Ngọc Hải