(QBĐT) - Trước vòng xoáy của thị trường, để tồn tại và phát triển, nhiều nghề truyền thống, làng nghề truyền thống đã thay đổi tư duy, phương thức khi đưa máy móc công nghệ hiện đại vào sản xuất. “Cách mạng công nghệ” đã giúp nghề truyền thống, làng nghề truyền thống tồn tại và phát triển mà vẫn không làm mất đi giá trị, linh hồn của mỗi sản phẩm.
Giải phóng sức lao động nhờ công nghệ
Thôn Mai Hạ, xã Mai Thủy xưa có nghề mộc truyền thống được xem là phát triển ở huyện Lệ Thủy. Theo thời gian, nghề truyền thống này vẫn được các gia đình “cha truyền con nối” để tiếp tục lưu giữ đến ngày hôm nay. Hầu hết nghề mộc vẫn được người dân địa phương làm theo phương pháp thủ công truyền thống. Tuy nhiên, để đạt năng suất, chất lượng cao và có sức cạnh tranh với thị trường thì phương pháp sản xuất này chưa cho hiệu quả kinh tế như kỳ vọng.
Để thay đổi phương thức sản xuất cũ, anh Lê Văn Thăng (xã Mai Thủy) đã mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc hiện đại với mong muốn làm cuộc “cách mạng công nghệ” cho nghề mộc truyền thống của địa phương.
Anh cho biết: “Gia đình tôi có truyền thống làm mộc. Từ đời ông nội tôi đã làm nghề mộc và truyền lại nghề cho ba tôi, rồi đến tôi. Được làm quen với nghề từ nhỏ, bởi vậy mà khi học lớp 6, 7, tôi cũng đã bắt đầu biết mày mò với các dụng cụ mộc. Lớn lên, được đi học chuyên ngành xây dựng của một trường đại học nhưng tôi vẫn luôn dành niềm đam mê cho nghề truyền thống của gia đình. Tốt nghiệp đại học, mặc dù được nhận vào làm ở một công ty tại Đà Nẵng nhưng tôi quyết định về quê lập nghiệp. Với quyết tâm phát triển nghề mộc truyền thống, tôi đã đầu tư mua một máy CNC gỗ, trị giá 300 triệu đồng để bắt tay làm nghề. Sau thời gian sản xuất thấy hiệu quả, tôi đầu tư mua thêm 6 máy nữa và một số máy móc hỗ trợ khác”.
Các sản phẩm rèn của làng nghề truyền thống Mai Hồng được làm ra với sự hỗ trợ của máy móc.
Hiện tại, với sự trợ giúp của hệ thống công nghệ, các sản phẩm mộc mỹ nghệ của xưởng anh Thăng cũng đa dạng và tinh xảo hơn xưa nhiều. Anh Thăng chia sẻ, bây giờ làm mộc nhàn hơn thời trước, bởi các công đoạn đều thực hiện trên máy nên giải phóng được nhiều sức lao động. Đặc biệt, đối với những sản phẩm khó như tranh gỗ điêu khắc, với sự hỗ trợ của máy, sản phẩm làm ra nhanh và đẹp hơn.
Trước đây, để sản xuất ra một sản phẩm tranh gỗ điêu khắc, người thợ phải mất gần một tháng mới hoàn thành xong và phải qua các khâu thủ công như tạo phôi, vẽ, thiết kế... đều làm hoàn toàn bằng tay. Nhưng hiện nay, nhờ máy móc công nghệ, các công đoạn này đều thực hiện nhanh chóng và chỉ mất một tuần là hoàn thành xong, sản phẩm cũng tinh xảo, sắc nét hơn nên được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Không chỉ riêng nghề mộc của xã Mai Thủy, nhiều nghề truyền thống ở các địa phương khác cũng đã được người dân áp dụng và đưa máy móc công nghệ vào sản xuất. Hình ảnh những cơ sở, làng nghề truyền thống dần được công nghệ hóa đã trở nên không còn xa lạ với nhiều người dân.
Hội nhập với thị trường
Làng nghề truyền thống Mai Hồng (thôn 8, xã Đồng Trạch, Bố Trạch) được biết đến với lịch sử hàng trăm năm tồn tại, với các nghề chủ yếu là rèn, hàn cơ khí. Trải qua thời gian, làng nghề vẫn được duy trì và phát triển đến ngày hôm nay. Với sự phát triển của công nghệ, làng nghề cũng dần thay đổi phương thức và áp dụng máy móc vào sản xuất. Từ khi có máy móc, nghề rèn cũng trở nên nhẹ nhàng với người dân Mai Hồng.
Chị Nguyễn Thị Bê ở thôn 8 cho biết: "Nghề rèn Mai Hồng có từ thời ông bà để lại. Trước đây, các công đoạn, như: Thổi bể, quay bể, mài... đều làm hoàn toàn bằng thủ công nên người thợ rất vất vả. Công việc nặng nhọc nên chỉ có sức đàn ông mới làm được. Trước đây, tôi chỉ phụ gia đình làm, nhưng bây giờ có máy móc hiện đại, sức người được giải phóng hơn nên phụ nữ như tôi cũng làm được nghề".
Trong bối cảnh hội nhập, các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức, do đó việc đổi mới công nghệ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất được xem là nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy sự phát triển. Chính vì vậy, sự quan tâm, chính sách hỗ trợ của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng là rất cần thiết và trở thành động lực để các ngành nghề truyền thống phát huy giá trị.
Ông Hoàng Minh Đức, Trưởng thôn 8, xã Đồng Trạch chia sẻ: “Ngày xưa, làng Mai Hồng được nhiều người gọi là xưởng nông cụ Bố Trạch, vì chuyên sản xuất, rèn các nông cụ của huyện. Lúc đó, các thợ rèn trong làng chỉ sử dụng đao búa và làm bằng tay chứ chưa có máy móc hỗ trợ. Sau này để tăng năng suất, hiệu quả kinh tế nên các hộ dân đã bắt đầu mua máy móc hiện đại, như: Máy hàn, máy khoan, máy mài... về sản xuất. Hộ đầu tư ít thì khoảng vài chục đến 100 triệu đồng, hộ nào đầu tư lớn thì khoảng 300 triệu đồng. Nhờ có máy móc, các sản phẩm rèn của làng nghề Mai Hồng sản xuất ra bền, đẹp và thẩm mỹ hơn, từ đó sản phẩm đã tạo được uy tín và được nhiều tỉnh, thành trong cả nước đặt hàng. Hiện nay, sản phẩm rèn của Mai Hồng có mặt từ Nghệ An đến TP. Đà Nẵng, đa số là những sản phẩm phục vụ cho đánh bắt thủy hải sản”.
Trong xu hướng hội nhập, các cơ sở sản xuất, làng nghề phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Trước thách thức đó, sự xuất hiện của máy móc công nghệ đã giúp sản phẩm truyền thống có cơ hội tồn tại, phát triển và đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm trên thị trường.
Ông Trần Hữu Trung, Giám đốc Hợp tác xã làng nghề chiếu cói An Xá, xã Lộc Thủy (Lệ Thủy) cho biết: Sản xuất chiếu cói trước đây được làm hoàn toàn bằng thủ công. Số lượng sản phẩm làm ra ít, trong khi giá thành không cao nên ngày càng ít người dân trong làng gắn bó với nghề. Đứng trước nguy cơ mai một của nghề truyền thống, ông đã thành lập hợp tác xã và nhập máy móc về sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cho sản phẩm.
Từ chỗ chỉ sản xuất tự cung tự cấp, đến nay, chiếu cói An Xá đã nhập ra thị trường số lượng lớn và có mặt ở nhiều địa phương trong nước. Sản phẩm chiếu cói An Xá cũng nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã sản phẩm để cạnh tranh với các sản phẩm chiếu cói trên thị trường.
"Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng hơn 30 nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống. Mặc dù là những loại hình truyền thống nhưng không ít cơ sở, làng nghề đã đưa máy móc vào sản xuất, qua đó tăng năng suất, hiệu quả kinh tế cho người dân. Trong thời gian tới, chi cục sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và địa phương tích cực tuyên truyền, khuyến khích các hộ, cơ sở và làng nghề truyền thống chuyển đổi công nghệ, đưa máy móc hiện đại vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, giúp các sản phẩm truyền thống có chỗ đứng trên thị trường" - Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Nguyễn Quốc Tuấn cho biết.
(QBĐT) - Bộ Giao thông Vận tải cho biết vừa có văn bản 6936/BGTVT-KHĐT gửi đến UBND tỉnh Quảng Bình liên quan đến đầu tư nhà ga hành khách T2 - Cảng hàng không Đồng Hới.
(QBĐT) - Tròn 20 năm kể từ ngày được UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới, Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng giờ đây là một trong những tên tuổi hàng đầu trên bản đồ du lịch thế giới với những cảnh quan kỳ bí, hùng vĩ được nhào nặn từ bàn tay tạo hóa qua hàng triệu năm.
(QBĐT) - Những giá trị ngoại hạng về địa chất, địa mạo, cảnh quan, sinh thái đã tạo nên một di sản duy nhất, hấp dẫn, trở thành "nơi mong đến, chốn mong về" của du khách trong và ngoài nước. PN-KB cũng đang nỗ lực mỗi ngày để phát triển đa dạng các sản phẩm thu hút khách du lịch, khẳng định vị thế là "trái tim" du lịch của Quảng Bình.