(QBĐT) - Đó là nội dung ý kiến của đại biểu Phan Thị Quyên tại phiên thảo luận, kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVIII diễn ra vào sáng nay, 13/7.
Đại biểu Phan Thị Quyên đồng tình với những nội dung được nêu tại báo cáo tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tiếp tục thực hiện kế hoạch năm 2023 của UBND tỉnh.
Theo đại biểu, cần đưa thêm một số nội dung, lĩnh vực thảo luận, vì báo cáo chưa đề cập đến hoạt động của tiểu thương buôn bán, kinh doanh tại các chợ truyền thống. Đây là một bộ phận quan trọng của thành phần kinh tế tư nhân, có đóng góp khá lớn cho nền kinh tế và hiện tại đang gặp nhiều khó khăn.
Theo đại biểu Phan Thị Quyên, những năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và nhiều nguyên nhân khác nhau, như sự xuất hiện ngày càng nhiều các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, các xe hàng bán lưu động, các điểm bán hàng tự phát, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ hình thức kinh doanh trực tuyến đã làm cho tình hình buôn bán, kinh doanh của bà con tiểu thương ở hầu hết các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, UBND tỉnh và các cơ quan chức năng liên quan cần quan tâm nghiên cứu, có những giải pháp thiết thực, khả thi để hỗ trợ, giúp bà con tiểu thương tháo gỡ những khó khăn trong kinh doanh hiện nay.
Cụ thể, quan tâm tạo mọi điều kiện để hỗ trợ nguồn vốn với lãi suất thấp, hợp lý giúp tiểu thương phục hồi hoạt động kinh doanh, buôn bán; có chính sách trợ giá khi có lạm phát, biến động xảy ra. Tiếp tục đưa hoạt động của các chợ đi vào nền nếp, loại bỏ các chợ tự phát trên lòng, lề đường để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Cần nghiên cứu thiết lập những kênh đào tạo miễn phí cho các tiểu thương về kết hợp kinh doanh truyền thống với bán hàng online, áp dụng công nghệ 4.0, văn minh thương mại trong kinh doanh để tiếp cận, làm quen với nền kinh tế số. Cùng đó, cần hỗ trợ các tiểu thương tìm kiếm nguồn hàng, thị trường, cách thức sản xuất, kinh doanh mới, mô hình mới...
|
Đại biểu Phan Thị Quyên kiến nghị: Vừa qua, chợ Hoàn Lão thực hiện việc cho tiểu thương thuê lại các quầy kinh doanh đã sử dụng trong 10 năm. Đây là chủ trương đúng được bà con tiểu thương hưởng ứng, hoan ngênh. Tuy nhiên, huyện Bố Trạch cũng có quy định đối với quầy kinh doanh có từ 2 người đăng ký kinh doanh thì phải tổ chức đấu giá. Quy định này đã vô tình làm khó cho một số hộ kinh doanh, vì muốn giữ lại điểm kinh doanh đã sử dụng từ trước đến nay, chủ quầy hàng phải thương thuyết, thỏa thuận với người thứ 2 để không phải đấu giá. Theo đó phải bù lại cho người có ý định tham gia đấu giá một khoản chi phí rất lớn, có quầy lên đến hàng trăm triệu đồng. Đây là chi phí phát sinh không đáng có. Đa số tiểu thương chịu bỏ ra số tiền lớn để giữ lại quầy hàng không phải vì điểm kinh doanh đó tốt, mang lại lợi nhuận cao mà vì họ đã gắn bó với quầy hàng hàng chục năm, khách hàng cũng đã quen với vị trí kinh doanh đó nên họ không muốn thay đổi, biến động, không muốn phải rời đi nếu lỡ đấu giá lại không trúng.
Từ thực tế đó, các cấp chính quyền cần đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp ổn định lâu dài trong kinh doanh, buôn bán, hạn chế những chi phí, tổn thất không đáng có.
Về nội dung này, đồng chí Trần Hải Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã có ý kiến chỉ đạo các sở, ngành liên quan và UBND huyện Bố Trạch có giải pháp giải quyết kịp thời.
Bùi Thành (lược ghi)