(QBĐT) - Hơn một năm triển khai chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NĐ-CP, nhiều đối tượng khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã được tiếp cận các chương trình vay ưu đãi để bắt tay đầu tư sản xuất, kinh doanh. Nghị quyết đã tạo động lực giúp người dân trên địa bàn tỉnh vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Nghị quyết số 11/NĐ-CP, ngày 30/1/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, gồm 5 chương trình vay: Nhà ở xã hội; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; học sinh, sinh viên mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến; cơ sở giáo dục mầm non tiểu học ngoài công lập; cho vay vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong năm 2022, tổng nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP được phân giao đối với tỉnh là 471 tỷ đồng.
Ngay sau khi cho phép giải ngân các chính sách tín dụng theo nghị quyết này, từ ngày 27/4/2022, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH)-Chi nhánh Quảng Bình đã tập trung giải ngân các chương trình vay. Trong đó, nhiều chương trình vay tỷ lệ giải ngân đạt cao, như: Cho vay nhà ở xã hội 297 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch tăng trưởng.
Đây là chương trình lớn, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng dư nợ các chương trình theo nghị quyết; cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm với số tiền 150 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch; cho vay học sinh, sinh viên mua máy tính, thiết bị học tập trực tuyến với số tiền 16,4 tỷ đồng, đạt 99,9% kế hoạch.
Nhờ giải ngân kịp thời, các chương trình vay đã nhanh chóng đến được đúng đối tượng, qua đó giúp họ đầu tư sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống. Là một trong những hộ khó khăn của xã, gia đình chị Phan Thị Thắm, thôn 7, xã Xuân Trạch (Bố Trạch) đã được tiếp cận gói vay hỗ trợ tạo việc làm của NHCSXH. Với số tiền được vay 100 triệu đồng, chị đã đầu tư vào mô hình chăn nuôi và trồng rừng hiệu quả.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ nhiều trường hợp khó khăn ổn định sản xuất sau dịch Covid-19.
Chị Phan Thị Thắm cho biết: Từ số vốn vay của NHCSXH, gia đình tôi có kinh phí để đầu tư trồng 3ha rừng keo tràm và mua 2 con bò giống sinh sản. Sau một năm chăn nuôi 2 con bò cái đã sinh sản được thêm 2 con bê con. Gia đình cũng có thêm nguồn thu nhập từ bán bò. 3ha diện tích rừng keo tràm, sau hơn một năm trồng hiện cũng đang phát triển xanh tốt, chờ ngày thu hoạch.
Nhờ chương trình vay nhà ở xã hội đã giúp gia đình chị Nguyễn Thị Oanh, xã Liên Thủy (Lệ Thủy) có cơ hội xây mới nhà ở và ổn định cuộc sống. Chia sẻ cảm xúc sau khi sở hữu ngôi nhà vừa mới hoàn thành cuối năm 2022, chị Oanh cho biết: Gia đình tôi có 2 cháu nhỏ, thu nhập của hai vợ chồng chỉ đủ để chi tiêu cho sinh hoạt hàng ngày nên chưa đủ điều kiện kinh tế để xây nhà ở. Trước đây, sau khi lập gia đình, 2 vợ chồng chị phải thuê ngôi nhà cấp 4 đã cũ để sinh hoạt. Nhà xuống cấp và ở chỗ thấp nên thường hay bị ngập lụt vào mưa bão, rất bất tiện. Được Phòng Giao dịch NHCSXH huyện tạo điều kiện cho vay 500 triệu đồng từ gói vay nhà ở xã hội, vợ chồng chị đã mạnh dạn vay mượn thêm để xây ngôi nhà mới khang trang, an toàn. Hiện, nhà mới đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, vợ chồng chị cũng yên tâm công tác hơn.
Giám đốc NHCSXH-Chi nhánh Quảng Bình Trần Văn Tài cho biết: Qua hơn một năm triển khai cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, NHCSXH đã giải ngân kịp thời các chương trình vay đến đúng các đối tượng thụ hưởng. Từ những gói vay này, nhiều người dân, doanh nghiệp, đơn vị đã sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả. Từ đó họ đã vươn lên để ổn định kinh tế, sản xuất, kinh doanh. Có thể nói, Nghị quyết số 11/NQ-CP đã góp phần tích cực vào việc bảo đảm an sinh xã hội, khôi phục và thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển ổn định sau dịch Covid-19.
Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CPcủa Chính phủ, từ năm 2022 đến nay, NHCSXH-Chi nhánh Quảng Bình đã giải ngân số tiền 563,2 tỷ đồng đến các đối tượng vay, với 7.570 món vay.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết, NHCSXH-Chi nhánh Quảng Bình đã gặp không ít khó khăn, có 2 chương trình không hoàn thành kế hoạch giao.
Đối với gói vay vùng dân tộc thiểu số và miền núi nguyên nhân do vướng mắc trong việc ban hành văn bản hướng dẫn quy trình rà soát, xét duyệt đối tượng theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, ngày 26/4/2022 nên UBND các xã chưa có cơ sở rà soát và đề nghị UBND các huyện phê duyệt danh sách, dẫn đến khó có căn cứ để giải ngân. Gói vay cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập, qua rà soát, do tình hình các cơ sở này đã ổn định nên không có đơn vị nào có nhu cầu vay vốn.
Năm 2023, Nghị quyết số 11/NQ-CP tiếp tục được triển khai, trong đó các chương trình vay lớn có số lượng nhu cầu vay cao được triển khai tiếp, như: Nhà ở xã hội; hỗ trợ tạo việc làm duy trì và mở rộng việc làm. Để nghị quyết tiếp tục phát huy hiệu quả, NHCSXH-Chi nhánh Quảng Bình sẽ phối hợp với đơn vị liên quan khắc phục những hạn chế; nhanh chóng giải ngân các gói vay đến các đối tượng thụ hưởng chính xác để họ nhanh chóng khôi phục sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chương trình vay theo nghị quyết đến rộng rãi người dân được nắm bắt để mọi đối tượng thụ hưởng có nhu cầu được tiếp cận chính sách của Đảng, Nhà nước nhanh chóng, thuận lợi nhất.
NHNN quyết định giảm loạt lãi suất điều hành áp dụng từ ngày 19/6 tới đây. Đây là lần thứ tư các mức lãi suất điều hành được giảm để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
(QBĐT) - Để dần xóa bỏ tư duy sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, bà con nông dân ở xã Hóa Sơn (Minh Hóa) đã chủ động liên kết thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Hóa Sơn.
(QBĐT) - Hội đồng khoa học Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) vừa tổ chức nghiệm thu trực tuyến đề tài nghiên cứu khoa học: "Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giao dịch xã, phường, thị trấn của Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Bình".