(QBĐT) - Ngược nguồn sông Gianh đến thăm trang trại chăn nuôi tổng hợp của ông Hà Văn Thú (SN 1963, thôn Đồng Giang, xã Đồng Hóa, Tuyên Hóa), chúng tôi không chỉ ấn tượng với cơ ngơi tiền tỷ của gia đình mà còn thán phục bởi hành trình bền bỉ vươn lên làm giàu và sự chia sẻ giúp người, giúp đời của 2 vợ chồng người nông dân này.
“Gập ghềnh” con đường lên bờ
Bây giờ, vợ chồng ông Thú đã có trong tay một cơ ngơi tiền tỷ, gồm: Một trang trại tổng hợp nuôi lợn, bò, dê, ong mật… rộng hơn 2ha; một cửa hàng buôn bán vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp và mua bán nông sản mỗi năm cho doanh thu gần 3,5 tỷ đồng… Nhìn cơ ngơi ấy rất ít người biết được rằng, cách đây 20 năm về trước, vợ chồng ông Thú là những người dân vạn đò có cuộc sống lênh đênh cùng dòng nước sông Gianh.
Ông Thú kể, giống như những đứa trẻ vạn đò khác, ông có một tuổi thơ cơ cực gói gọn trong con đò cũng là ngôi nhà và phương tiện kiếm ăn của bố mẹ. Cuộc sống vạn đò cơ cực đâu chỉ chuyện ăn, chuyện ở, thiệt thòi nhất vẫn là cảnh thất học truyền đời…
Năm 1992, ông Thú lập gia đình nhưng 2 vợ chồng phải sống cảnh vạn đò sông nước thêm 8 năm nữa. Đến năm 2000, là Phó trưởng thôn Vạn Đò với gần 100 hộ dân, ông Thú đã quyết định làm đơn gửi lên xã Đồng Hóa và huyện Tuyên Hóa xin cho bà con được lên bờ. Đơn của ông được chấp nhận, nhưng để đưa được gần 100 hộ dân với hơn 500 con người lên bờ không phải là một chuyện dễ dàng.
“Đa số bà con trong thôn Vạn Đò đều muốn lên bờ nhưng vì nghề nghiệp đều gắn với sông nước nên yêu cầu nếu lên bờ thì phải được ở gần sông, chứ xa sông người dân chưa biết làm gì để sống. Trong khi đó, quỹ đất theo yêu cầu của bà con đã không còn, hoặc nằm vào vùng sạt lở…Vì vậy, dù rất muốn nhưng bà con cứ chần chừ mãi, không ai chịu lên bờ…”, ông Thú nhớ lại.
Chưa ai chịu lên bờ thì gia đình ông Thú lên trước để làm gương. Gia đình ông được xã Đồng Hóa cấp cho một miếng đất ở đồi Cỏ May, một vùng đất hoang hóa, cằn cỗi nằm sát núi đá vôi mà nhiều người chê nên còn sót lại. Có miếng đất “cắm dùi”, vợ chồng ông Thú chỉ đủ tiền (hơn chục triệu đồng từ bán chiếc đò) để dựng căn nhà nhỏ tránh nắng, tránh mưa.
30 đàn ong mật trong khuôn viên trang trại ông Thú cho thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm.
Cuộc sống sau đó của gia đình ông Thú cũng không phải dễ dàng gì. Vốn là dân vạn đò, chỉ quen với những nghề mưu sinh trên sông nước, giờ lên bờ làm nông dân, mọi thứ đều phải bắt đầu từ con số 0. Không có tiền để đầu tư nên mọi công việc 2 vợ chồng ông đều phải “trằn lưng” ra làm. Cứ vậy, suốt 10 năm trời, cũng trồng trọt, chăn nuôi nhưng vợ chồng ông chỉ dám làm với quy mô nhỏ, thu nhập cũng chỉ đủ nuôi sống gia đình…
Làm giàu, giúp người và giúp đời
Năm 2010, hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, với quyết tâm thoát nghèo, vợ chồng ông Thú bàn bạc, quyết định phát triển kinh tế của gia đình theo hướng xây dựng trang trại và lấy chăn nuôi lợn làm chủ đạo.
Khởi đầu, vợ chồng ông đầu tư nuôi 6 con lợn nái giống và 20 con lợn nái thịt. Thế nhưng, lứa lợn “khởi nghiệp” đó gia đình ông trắng tay, cụt cả vốn vì đàn lợn mắc phải dịch bệnh chết hết. Không bỏ cuộc, ông Thú quyết định đi học lớp sơ cấp thú y; các lớp kỹ thuật về chăn nuôi, cách phòng ngừa dịch bệnh cho lợn. Ngày đó, hễ nghe tin ở đâu có lớp tập huấn là ông Thú "cơm đùm gạo nắm" đi học dù nhiều chỗ ông không được mời…
Sau khi “tầm sư học đạo”, ông Thú đã quyết định cầm “sổ đỏ” vay 150 triệu đồng từ ngân hàng trở lại với công việc chăn nuôi lợn còn dang dở. Nhờ đã biết cách nuôi khoa học, đàn lợn của gia đình ông Thú không ngừng tăng lên mỗi năm.
Ông Thú cho biết, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, giá lợn lên xuống thất thường, nhưng nhờ kiên trì và làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh nên mô hình chăn nuôi của gia đình phát triển ổn định. Từ năm 2015 đến nay, trang trại của ông luôn ổn định tổng đàn: 30 lợn nái, 2 lợn đực, 600 lợn thịt/năm, gia cầm 1.000 con, 25 con dê sinh sản, 15 con bò lai dòng máu ngoại và 30 đàn ong lấy mật.
Ngoài ra, gia đình ông Thú còn có một cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng, vật tư nông nghiệp, kết hợp thu mua nông sản cho người dân trong vùng. Kết quả từ các mô hình sản xuất, kinh doanh trong trang trại, đến nay, gia đình ông có doanh thu mỗi năm gần 3,5 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi 950 triệu đồng. Mô hình trang trại tổng hợp của ông Thú cũng tạo việc làm thường xuyên có 23 lao động với mức thu nhập từ 4-7 triệu đồng/tháng và 20 lao động thời vụ.
Đặc biệt, sau khi lên bờ và gây dựng được cơ ngơi tiền tỷ, vợ chồng ông đã không quên những người nghèo, nhất là người dân vạn đò một thời lênh đênh sông nước.
Vợ chồng ông Thú đã vận động hàng trăm người dân vạn đò khác cùng lên bờ lập làng, lập nghiệp. Những ngày đầu lên bờ đầy khó khăn, người dân vạn đò đã được ông hỗ trợ con giống, truyền đạt kinh nghiệm chăn nuôi, cho "mua chịu" vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng… để ổn định cuộc sống.
Mỗi khi nhắc đến vợ chồng ông Thú, ông Nguyễn Văn Thanh, một cư dân vạn đò đã không giấu được cảm xúc. Ông bảo, đó là ân nhân của gia đình ông và nhiều gia đình vạn đò khác. Không chỉ giúp đỡ ban đầu, những năm gần đây, nhiều hộ dân khó khăn vẫn tiếp tục được gia đình ông Thú hỗ trợ trước vật tư nông nghiệp, con giống để sản xuất, cuối vụ thì thu mua nông sản với giá ổn định.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuyên Hóa Trương Tư Thoan đánh giá: “Mô hình trang trại của ông Thú là điểm sáng về thực hiện phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” tại địa phương. Không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi, ông Thú còn có nhiều đóng góp cho hoạt động hội và phong trào nông dân trên địa bàn.
Mỗi năm, ông Thú phối hợp với Hội Nông dân xã Đồng Hóa và huyện Tuyên Hóa tập huấn cho hàng trăm nông dân về kỹ thuật chăn nuôi và kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh; giúp nhiều nông dân trên địa bàn cùng vươn lên. Ngoài ra, hàng năm ông còn đóng góp hàng chục triệu để xây dựng các mô hình điểm về kinh tế và các hoạt động của phong trào nông dân”…
Với nhiều thành tích đạt được trong phong trào thi đua yêu nước, ông Hà Văn Thú đã được nhận nhiều phần thưởng của các cấp ngành từ địa phương đến Trung ương. Hiện, ông Thú đã được công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương giai đoạn 2017-2021. Năm 2021, ông Hà Văn Thú được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
(QBĐT) - Đã gần 4 năm trôi qua từ khi UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1783/KH-UBND, ngày 1/10/2020 về phát triển kinh tế ban đêm ở tỉnh Quảng Bình, nhưng"bức tranh" về đêm của TP. Đồng Hới, thị trấn Phong Nha hay một số điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thực sự được "bật sáng" như kỳ vọng.
(QBĐT) - Bằng sự nỗ lực, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, ông Nguyễn Văn Lỏng đã biến mảnh đất hoang hóa ở thôn Kim Sen, xã Trường Xuân (Quảng Ninh) thành trang trại trù phú, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
(QBĐT) - Ngày 9/6, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1114/KH-UBND thực hiện Chương trình hành động số 14-CTr/TU ngày 18/7/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045.