![]() |
Đạt sản phẩm OCOP 4 sao năm 2021, đến nay, Công ty TNHH Thương mại và DVTH Việt Trung duy trì mỗi năm sản xuất khoảng 150 tấn nguyên liệu, cho ra 70.000-80.000 lít thành phẩm nước mắm “Ngọc Biển”, giải quyết việc làm cho nhiều lao động, trong đó có 7 lao động thường xuyên và 30 lao động thời vụ.
Từ khi đi vào hoạt động sản xuất, công ty đã đầu tư máy móc thiết bị với trên 300 triệu đồng; trong đó có hệ thống với công nghệ hấp thụ nhiệt mặt trời, các thiết bị chuyên dụng, như: Bơm thực phẩm cao cấp, máy lọc nước mắm vi sinh, máy kiểm tra độ đạm mini; đồng thời đăng ký mã QR để khách hàng tra cứu thông tin khi cần thiết.
Nhờ đó, sản phẩm nhận được chứng chỉ cao cấp về an toàn thực phẩm ISO. Để khách hàng tin dùng, lựa chọn sản phẩm nước mắm “Ngọc Biển”, các khâu sản xuất đều phải bảo đảm quy chuẩn về vệ sinh thực phẩm. Các loại máy móc hiện đại sẽ nâng cao chất lượng, tăng năng suất, tăng thu nhập, bảo vệ môi trường và giảm chi phí, giảm sức lao động, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và DVTH Việt Trung Nguyễn Hoàng Long chia sẻ.
Ngoài các sản phẩm OCOP đã đạt 3 sao, 4 sao cấp tỉnh và các sản phẩm đang chờ phân hạng, huyện Bố Trạch cũng có nhiều sản phẩm chất lượng cao từ các mô hình ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nhất là các mô hình trồng cây ăn quả, dược liệu, hoa màu.
Anh Nguyễn Ngọc Cương, Giám đốc HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Tâm An (xã Lý Trạch), chuyên trồng cây ăn quả cho hay, dù sản lượng cây trồng thu hoạch không cao, nhưng sử dụng các loại thảo mộc qua xử lý để đối kháng sâu bệnh thì chất lượng luôn bảo đảm an toàn và giữ được thương hiệu dài lâu. Với diện tích 1,5ha đất đồi, trước đây anh Cương chuyên trồng ổi giống ruột hồng AT36 nhập từ tỉnh Bình Dương, nay mở rộng nhân giống 1.000 gốc na Đài Loan. Từ phương thức canh tác thuận theo tự nhiên áp dụng công nghệ hiện đại với hệ thống tưới nước thông minh, cây na Đài Loan đang phát triển tốt, hứa hẹn cho những mùa quả ngọt.
“Dù sản phẩm OCOP trên địa bàn nhiều và phong phú về chủng loại, mẫu mã nhưng muốn giữ được số lượng cũng như chất lượng và để “thăng hạng” sản phẩm, thì các chủ thể sản xuất phải không ngừng cập nhật kiến thức, đưa công nghệ cao vào sản xuất. Và với điều kiện tự nhiên, thời tiết ngày càng khắc nghiệt thì việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cùng với sử dụng nguồn tài nguyên có trách nhiệm sẽ mang lại kết quả vững bền. Về phía huyện, trong điều kiện cho phép sẽ hỗ trợ để các cá nhân, đơn vị tiếp cận gần hơn, ứng dụng tốt hơn khoa học công nghệ hiện đại, nâng cao và giữ vững bền lâu thương hiệu các sản phẩm OCOP, đặc sản của quê hương di sản khi đến tay người tiêu dùng”, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Nguyễn Ngọc Tuấn, trao đổi thêm.
H.Trà