Minh Hóa: Nông dân tích cực chăm sóc cây ăn quả

  • 01:02, 23/02/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời điểm hiện tại, những vườn cây ăn quả trên địa bàn huyện Minh Hóa đã bắt đầu ra hoa rộ, chuẩn bị thời kỳ đậu quả. Đây chính là thời điểm, người trồng cây tập trung vào công việc chăm sóc nhằm nâng cao tỷ lệ ra hoa đậu quả, hướng tới những mùa vụ bội thu.
 
Mùa này, tại gia trại của gia đình ông Đinh Văn Chuyên, xã Hóa Hợp, hoa bưởi nở trắng vườn. Những cánh hoa trắng tinh bung khoe nhị vàng, tỏa hương thơm nồng nàn. Vườn bưởi của gia đình ông Chuyên đã trồng trên 5 năm và thu hoạch trong vòng hai năm nay. Năm ngoái, từ vườn bưởi ông thu về hơn 20 triệu đồng nên rất phấn khởi. Ông Chuyên cho biết: Từ tháng 8-9 âm lịch, gia đình ông đã thu hoạch và bán hết quả. Để vườn cây tiếp tục sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao trong vụ quả tiếp theo, ông tập trung cắt tỉa cành, vun xới đất xung quanh gốc và bón phân.
 
Cũng theo ông Chuyên, việc chăm sóc cây sau thu hoạch sẽ quyết định đến năng suất, chất lượng trồng của vụ tiếp theo. Do đó, sau khi thu hoạch bưởi, ông bắt đầu cắt tỉa cành, tạo tán, cuốc xới cỏ, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi chú trọng việc bón phân, phun phòng các loại sâu bệnh. Hiện nay, vườn bưởi phục hồi tốt, đang ra hoa rộ và đậu quả. Sâu bệnh có xuất hiện nên ngày nào ông cũng có mặt ở vườn để kiểm tra, xử lý, không để ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Từ 20 gốc bưởi đầu tiên, năm 2021 gia đình ông Chuyên tiếp tục cải tạo vườn và trồng thêm 60 gốc bưởi da xanh, nhờ chăm sóc tốt nên năm nay bưởi bắt đầu ra lứa hoa đầu tiên. 
Ông Đinh Văn Chuyên xã Hóa Hợp tích cực chăm sóc vườn bưởi
Ông Đinh Văn Chuyên xã Hóa Hợp tích cực chăm sóc vườn bưởi
Xã Hóa Hợp có diện tích trồng bưởi tập trung trên 30ha, với gần 100 hộ dân tham gia trồng. Hàng năm, xã đã vận động bà con cải tạo đất đồi, đất vườn để trồng cây ăn quả; tạo điều kiện cho các hộ gia đình tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật với trung bình mỗi năm từ 1-3 lớp; áp dụng tiến bộ kỹ thuật trồng và chăm sóc cây theo quy trình VietGAP, đưa những cây giống mới năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Ngoài trồng bưởi, bà con còn trồng ổi, mít thái, xoài, vải, thanh long...
 
Nhờ tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hành tại vườn theo hình thức “cầm tay chỉ việc” nên người dân nhanh chóng nắm bắt các phương pháp, cách xử lý phòng trừ sâu bệnh.
 
Chủ tịch UBND xã Hóa Hợp Nguyễn Thanh Quyết cho biết: Sau một vụ nuôi quả, cây gần như kiệt quệ nên sau khi thu hoạch, người dân cần nhanh chóng giúp cây phục hồi, như: Tỉa cành, tạo tán, bón phân để nâng cao năng suất, chất lượng vụ sau. Hiện nay, xã đã đề xuất Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cử cán bộ chuyên môn hỗ trợ người dân về kỹ thuật trong chăm sóc cây ăn quả sau thu hoạch; tuyên truyền người dân chú ý phòng sâu bệnh nhằm hướng tới mùa vụ đạt năng suất, chất lượng cao.
 
Thực hiện chủ trương xóa bỏ vườn tạp, thay thế các loại cây có giá trị kinh tế thấp bằng cây ăn quả, huyện Minh Hóa đã khuyến khích, hỗ trợ người dân mở rộng diện tích cây ăn quả, trong đó tập trung vào cây bưởi. Từ nguồn vốn nông thôn mới, huyện đã hỗ trợ xây dựng 11 mô hình trồng bưởi Phúc Trạch trên diện tích 61,5ha với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng; chú trọng mở các lớp tập huấn trồng, chăm sóc cây ăn quả, hướng dẫn người dân áp dụng kỹ thuật sản xuất tiên tiến vào sản xuất, như: Sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt và đưa giống cây có năng suất, chất lượng vào thâm canh. Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nên diện tích trồng cây ăn quả nói chung và cây bưởi nói riêng trên địa bàn huyện Minh Hóa những năm gần đây tăng cao. Hiện toàn huyện có gần 350ha cây ăn quả, trong đó diện tích trồng bưởi khoảng 240ha, chủ yếu là giống bưởi da xanh và bưởi Phúc Trạch.
 
Phòng NN-PTNT huyện Minh Hóa khuyến cáo, sau kỳ thu hoạch quả vừa qua, hiện tại các loại cây ăn quả đang trong thời kỳ đâm chồi, ra hoa, kết quả. Để tăng khả năng đậu quả cũng như bảo đảm sự sinh trưởng, phát triển cho cây, trong những ngày này, bà con cần tranh thủ cắt tỉa cành, xáo cỏ, làm sạch gốc, bón phân, phòng trừ các loại sâu, nấm bệnh gây hại cho các diện tích cây ăn quả có múi. Với thời tiết thất thường như hiện nay, cây ăn quả thường dễ bị một số sâu bệnh gây hại, như: Sâu đục thân, nhện, rệp. Do đó bà con cần thường xuyên thăm vườn, theo dõi tình hình sâu bệnh, áp dụng quy trình phòng trừ tổng hợp, sử dụng các biện pháp sinh học, khi cây xuất hiện sâu bệnh cần phun các loại thuốc chuyên dùng theo đúng hướng dẫn kỹ thuật.
 
Hiện trên địa bàn huyện, các xã Hóa Hợp, Hóa Phúc, Hồng Hóa, Trung Hóa, Xuân Hóa và thị trấn Quy Đạt là những địa phương có diện tích trồng cây ăn quả lớn với thu nhập của các hộ trồng cây ăn quả đạt từ 15-40 triệu đồng/vụ, giúp người dân thoát nghèo vươn lên có cuộc sống khá giả, góp phần quan trọng vào phong trào xây dựng NTM ở địa phương.
 
Thùy Linh
(Trung tâm VH-TT-TT Minh Hóa)

tin liên quan

Linh hoạt triển khai các biện pháp thi công đường bộ cao tốc Bắc-Nam
Linh hoạt triển khai các biện pháp thi công đường bộ cao tốc Bắc-Nam

(QBĐT) - Sáng 23/2, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ và đoàn công tác của Bộ GTVT đã đến kiểm tra hiện trường thi công Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng tại Công ty cổ phần điện gió BT1
Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng tại Công ty cổ phần điện gió BT1

(QBĐT) - Sáng nay, 22/2, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021 trên địa bàn tỉnh tại Công ty cổ phần điện gió BT1. 

Sắp thực hiện vệ sinh, khử trùng phòng dịch bệnh gia súc, gia cầm đợt 1/2023
Sắp thực hiện vệ sinh, khử trùng phòng dịch bệnh gia súc, gia cầm đợt 1/2023

Ngày 21/2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn gửi các UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.