(QBĐT) - Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh gieo cấy được 29.268ha lúa vụ đông-xuân. Hiện, lúa trà đầu đang giai đoạn đẻ nhánh rộ, trà muộn bắt đầu đẻ nhánh. Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết sáng sớm và chiều tối có nhiều sương mù, ngày hửng nắng, rải rác có mưa, đêm trời lạnh nên thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá phát sinh gây hại.
![]() |
Tính đến ngày 22/2/2023, diện tích lúa vụ đông-xuân toàn tỉnh bị nhiễm bệnh đạo ôn lá là 46ha.Trong đó, huyện Lệ Thủy 15ha; TX. Ba Đồn 15ha; huyện Quảng Ninh 10ha; huyện Minh Hóa 6ha.Tỷ lệ bệnh phổ biến 3-5%, nơi cao 7-10%, cục bộ 15-20%; bệnh xuất hiện trên các giống lúa: P6, CT2, HN6...
Để bảo đảm an toàn cho sản xuất lúa vụ đông- xuân, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đề nghị các địa phương khẩn trương thông báo, hướng dẫn, chỉ đạo nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm và triển khai phòng trừ kịp thời theo các biện pháp kỹ thuật.
Cụ thể, trên những ruộng đang bị bệnh ngừng bón đạm, kali, phân bón lá, các chất kích thích sinh trưởng và giữ đủ nước trong ruộng; sử dụng một trong các loại thuốc có các hoạt chất đặc hiệu, như: Tricyclazole, Isoprothiolane, Fenoxanil... để phòng trừ.
Tiến hành phun thuốc theo hướng dẫn trên bao bì khi bệnh mới chớm xuất hiện, lúc cấp bệnh và tỷ lệ hại còn thấp; cần phun thuốc ướt đều trên mặt lá. Những ruộng bị bệnh nặng phải phun 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 5-7 ngày. Nên phun thuốc vào sáng sớm, chiều mát để đạt hiệu quả cao.
Ngoài bệnh đạo ôn lá đang phát sinh gây hại, lúa vụ đông- xuân còn có 242,5ha bị chuột gây hại; 154ha bị nhiễm bọ trĩ; 112ha nhiễm rệp muỗi; 137ha bị ốc bươu vàng gây hại; 35ha bị nhiễm tuyến trùng rễ…
Ngọc Hải