(QBĐT) - Để chủ động cung ứng nguồn rau màu phục vụ thị trường Tết Quý Mão 2023, hiện nay bà con nông dân xã Quảng Hưng (Quảng Trạch) đang tích cực chăm sóc diện tích các loại rau màu, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường.
Những ngày này, trên các cánh đồng của xã Quảng Hưng, bà con nông dân đang tất bật ra đồng chăm sóc các loại cây rau màu (các loại rau, củ, quả) vụ Đông, chuẩn bị nguồn hàng phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán. Mấy năm gần đây, xã Quảng Hưng được biết đến là một trong những địa phương có diện tích trồng rau màu vụ Đông lớn nhất huyện.
Thông thường hàng năm, từ đầu tháng 10 âm lịch, nông dân xã Quảng Hưng đã bắt đầu xuống giống những loại rau màu dài ngày và cuối tháng 11 sẽ xuống giống những loại rau ngắn ngày (rau có thời gian sinh trưởng từ 30-45 ngày). Tuy nhiên, so với mọi năm thì Tết Nguyên đán năm nay sẽ đến sớm hơn. Do đó vụ rau màu Tết năm nay, bà con xuống giống sớm hơn khoảng nửa tháng so với những năm trước.
Được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp-PTNT, gia đình anh Nguyễn Văn Tiến (SN 1992) ở thôn Hòa Bình sản xuất rau củ quả an toàn VietGAP trong nhà lưới có diện tích 1.200m2.
Để kịp nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán, từ đầu tháng 10 âm lịch, gia đình anh Tiến đã xuống giống gieo trồng. Với diện tích nhà lưới của mình, anh Tiến gieo trồng 1.400 gốc dưa lưới, 200 gốc dưa bao tử. Ngoài ra, anh còn trồng cà chua, mướp đắng. Để cây phát triển tốt, cho quả đạt chất lượng cao, anh sử dụng phân vi lượng nhập khẩu để bón cây.
![]() |
Theo anh Tiến, dưa lưới là mặt hàng có giá trị và được tiêu thụ mạnh trong dịp Tết Nguyên đán. Để dưa lưới cho chất lượng quả đẹp, ngon, ngọt, khi cây ra quả, anh chỉ chọn mỗi cây 1 quả, các quả còn lại đều cắt bỏ. Nhờ thực hiện trồng và chăm sóc nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn VietGAP, các loại rau màu của gia đình anh Tiến đều đạt chất lượng cao, được khách hàng ưa chuộng, đặc biệt là bán được giá cao trong dịp Tết.
Chòm Điều hiện được xem là vựa rau màu của xã Quảng Hưng. Tại đây, mùa nào thức ấy, bà con nông dân đã tận dụng diện tích đất vườn nhà để trồng các loại cây rau màu. Với vụ Đông này, bà con tập trung sản xuất các loại cây, như: Dưa leo (dưa chuột), mướp đắng (khổ qua), hoa cúc để phục vụ cho nhu cầu người tiêu dùng hàng ngày và đặc biệt là thị trường Tết Nguyên đán.
Vụ Đông năm nay, gia đình bà Võ Thị Khoa trồng dưa leo trên 600m2 đất vườn nhà. Đến nay, sau 1 tháng xuống giống, dưa leo của gia đình bà Khoa đã bắt đầu cho thu hoạch. Bà cho biết, bình quân mỗi ngày gia đình thu hoạch được khoảng 50kg quả, bán với giá 20.000 đồng/kg, thu về 1 triệu đồng.
Theo bà con trồng rau màu ở xã Quảng Hưng, so với mọi năm thì thời tiết năm nay không mấy thuận lợi, nhất là đối với vụ rau màu phục vụ thị trường Tết. Tuy vậy, vượt qua những khó khăn do thời tiết, bà con nông dân xã Quảng Hưng vẫn nỗ lực, cần mẫn chăm sóc, tưới bón vườn rau màu của mình với hy vọng có được vụ rau màu Tết được mùa, được giá. Tết Nguyên đán là thời điểm tiêu thụ rau lớn nhất năm, giá cả cũng cao hơn từ 30-40% nên thu nhập của người nông dân cũng khá hơn. Đây cũng là nguồn thu nhập quan trọng để bà con đón một cái Tết thêm sung túc.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Hưng cho biết, là địa phương có diện tích đất bằng phẳng, màu mỡ phù hợp trồng cây rau màu nên xã vận động bà con nông dân thâm canh tăng vụ, tăng hệ số sử dụng đất, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Đặc biệt, xã khuyến khích bà con tận dụng diện tích đất vườn, đất cấy lúa trên chân ruộng một vụ để trồng cây rau màu vụ Đông, góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống.
Đến nay, xã Quảng Hưng có 200ha trồng cây rau màu vụ Đông, gồm: Dưa leo, dưa lưới, cà chua, các loại rau ngắn ngày… Những năm qua, sản phẩm rau màu của địa phương không chỉ bán trong huyện mà còn được các thương lái thu mua phục vụ cho thị trường trong và ngoài tỉnh, mang lại nguồn thu nhập cao cho nông dân.
Lâm An