(QBĐT) - Để xây dựng làng văn hóa và giữ gìn vệ sinh làng xóm, bảo đảm sức khỏe đối với người dân và tạo thuận lợi trong công tác chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh cho gia súc..., năm 2005, thôn Thanh Liêm 1 (nay là thôn Thanh Liêm), xã Trung Hóa (Minh Hóa) đã thống nhất xây dựng nghị quyết nhằm di dời toàn bộ đàn trâu, bò của thôn ra xa khu vực dân cư. Từ đó, các "khu tập thể" dành cho trâu, bò ở thôn lần lượt hình thành và tồn tại cho đến tận hôm nay.
Thôn Thanh Liêm, xã Trung Hóa ngày nay từng được tách ra thành hai thôn, gồm: Thanh Liêm 1 và Thanh Liêm 2 (năm 1999), rồi được sáp nhập lại thành một thôn (năm 2019) và giữ nguyên tên gọi cho đến nay. Với địa hình miền núi rẻo cao, từ nhiều đời nay, người dân thôn Thanh Liêm sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Với nhiều khu vực bình địa, thôn Thanh Liêm 1 có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi hơn hẳn khu vực thôn Thanh Liêm 2.
Ông Dương Minh Sơn, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Trung Hóa nhớ lại: "Trước đây, hầu hết các hộ chăn nuôi ở địa phương đều bố trí chuồng trại trâu, bò ngay trong vườn nhà. Chính vì thế, mùi phân gia súc gây hôi hám cho cả làng, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người do ruồi, muỗi, bọ nhặng... bu bám đầy khắp các nhà dân. Dọc theo nhiều trục đường trong thôn, tình trạng phân trâu, bò rải khắp rất bẩn. Chưa kể việc trâu, bò sổng chuồng, thả rong đến phá hoại rau màu trong xóm, gây ra không ít mâu thuẫn giữa các hộ dân với nhau.
Một góc "khu tập thể" dành cho trâu, bò ở thôn Thanh Liêm, xã Trung Hóa.
Hưởng ứng phong trào xây dựng làng văn hóa do tỉnh, huyện và chính quyền xã Trung Hóa phát động, sau khi tiến hành họp bàn, đầu năm 2005, Chi bộ thôn Thanh Liêm 1 quyết định đưa việc di dời toàn bộ đàn trâu, bò của thôn ra xa khu vực dân cư vào nội dung nghị quyết để làm cơ sở triển khai thực hiện. Trên tinh thần đó, ban cán sự thôn Thanh Liêm 1 đã chủ động quy hoạch, phân chia, bố trí cụ thể diện tích đất để làm chuồng cũng như khu vực đồng cỏ dành cho từng hộ có trâu, bò.
Thời điểm đó, việc phân chia dựa trên cơ sở số lượng gia súc hiện có trong mỗi gia đình. Nhà nào có nhiều trâu, bò thì diện tích chuồng trại và đồng cỏ được phân chia cao hơn. Ngoài việc dựng chuồng, thôn Thanh Liêm 1 cũng yêu cầu tất cả các hộ có trâu, bò phải rào lại đồng cỏ của gia đình để chăn thả, tránh việc gia súc phá hoại cây màu của bà con trong thôn.
Tinh thần của nghị quyết là yêu cầu cán bộ, đảng viên phải tiên phong thực hiện trước, sau đó vận động quần chúng cùng thực hiện theo. Nghị quyết ban hành phù hợp với lòng dân, nhờ vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, đã có 3 "khu tập thể" dành cho trâu, bò ở thôn Thanh Liêm 1 lần lượt được hình thành và tồn tại đến hôm nay. Cũng nhờ thực hiện tốt theo tinh thần nghị quyết nói trên, suốt nhiều năm liền, thôn Thanh Liêm 1 (trước thời điểm sáp nhập) đã được công nhận và giữ vững danh hiệu làng văn hóa..."
Là một trong những hộ dân tiên phong di dời chuồng trại cùng đàn trâu, bò trong vườn nhà ra khu vực 1, thuộc vùng đất cây Bôộc Bôộc, ông Đinh Tiến Đô (SN 1955), ở thôn Thanh Liêm cho hay: Thời điểm đầu, một số ít người dân ở thôn Thanh Liêm 1 còn "bán tín bán nghi" về việc di dời chuồng trại và trâu, bò ra khỏi vườn nhà. Nói chung, tâm lý của họ là sợ bị mất đi "đầu cơ nghiệp" do nằm cách xa nhà, khó bảo vệ, chăm sóc. Lúc đó, bản thân là đảng viên nên xác định cần phải tiên phong thực hiện trước để làm gương cho quần chúng học tập, noi theo. Vừa tiên phong di dời chuồng trại cùng 5 con trâu, bò của gia đình ra với vùng đất cây Bôộc Bôộc, bản thân còn tích cực phối hợp với các đảng viên khác đến tận từng nhà vận động bà con nghiêm túc thực hiện theo chủ trương chung của thôn để xây dựng làng văn hóa "xanh-sạch-đẹp".
"Bằng phương pháp vận động "nói đi đôi với làm", chỉ ra cho người dân thấy công tác bảo vệ an ninh cho đàn gia súc đã có tập thể, trực tiếp là tổ an ninh của thôn đứng ra đảm nhận, môi trường quanh nhà được sạch sẽ, thơm tho hơn nhờ di dời chuồng trại, trâu, bò... Chỉ trong một thời gian ngắn, 100% hộ dân ở thôn Thanh Liêm 1 đã đồng thuận cao, thực hiện việc di chuồng trại và trâu, bò ra khu vực 1, 2, 3 thuộc hai vùng đất cây Bôộc Bôộc và cây Chầm theo chủ trương chung", ông Đô cho biết thêm.
"Cách làm hay cần nhân rộng"
Trực tiếp dẫn chúng tôi đến 3 "khu tập thể" dành cho trâu, bò của địa phương, ông Hoàng Trung Thành, Trưởng thôn Thanh Liêm cho biết: Toàn thôn hiện có 347 hộ, với 1.300 nhân khẩu, trong đó bình quân 90% hộ dân đều có trâu, bò (khoảng 450 con). Nhờ có lợi thế gần với khu vực bình địa ở sát chân núi nên khu vực thôn Thanh Liêm 1 (trước đây) vẫn duy trì được 3 "khu tập thể" với trên 100 chuồng dành cho trâu, bò. Riêng khu vực thôn Thanh Liêm 2 (trước đây), do nằm sâu trong làng và liền kề với nhiều khu dân cư nên không có vị trí để bố trí chuồng trại tập trung. Do đó, bà con nơi đây vẫn duy trì việc bố trí chuồng trại trâu, bò ở trong khu vực vườn nhà.
Người dân thôn Thanh Liêm tận dụng đất ở các chân lèn núi để chuyển đổi sang trồng cỏ, phát triển chăn nuôi trâu, bò.
"Sắp tới, chúng tôi sẽ đề xuất với UBND xã Trung Hóa và các cấp chính quyền tạo điều kiện thuận lợi về quỹ đất để toàn bộ những hộ chăn nuôi trong thôn thực hiện di dời hết chuồng trại chăn nuôi gia súc ra xa khu vực dân cư....", ông Hoàng Trung Thành cho hay.
Ngoài việc duy trì các "khu tập thể" dành cho trâu, bò, người dân ở thôn Thanh Liêm cũng tận dụng nhiều diện tích đất đồng cỏ tự nhiên, đất sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả, chân lèn đá, góc vườn... để trồng gần 10ha cỏ chất lượng cao phục vụ phát triển chăn nuôi. Nhờ bố trí các "khu tập thể" dành cho trâu, bò, vấn đề vệ sinh môi trường ở địa phương đã sạch sẽ hơn hẳn so với các khu vực chưa có khu chăn nuôi tập trung. Công tác chăm sóc, tiêm phòng vắc-xin và kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh cho đàn gia súc cũng gặp rất nhiều thuận lợi...
"Theo yêu cầu của bộ tiêu chí về môi trường và an toàn thực phẩm (tiêu chí số 17) trong xây dựng nông thôn mới, việc di dời toàn bộ chuồng trại chăn nuôi ra xa khu vực dân cư là rất cần thiết trong thời điểm hiện nay. Mô hình quy hoạch "khu tập thể" dành cho trâu, bò ở thôn Thanh Liêm trong thời gian qua là cách làm hay, đáng được học tập, nhân rộng ra toàn xã. Thời gian tới, cùng với việc di dời chuồng trại chăn nuôi ra xa khu vực dân cư, UBND xã Trung Hóa sẽ bố trí kinh phí để hỗ trợ người dân xây dựng chuồng trại kiên cố, cải tạo đàn bò cóc bằng những giống bò lai có chất lượng, hiệu quả hơn...", ông Cao Xuân Dương, Chủ tịch UBND xã Trung Hóa chia sẻ.
(QBĐT) - Đó là nội dung hội nghị trực tuyến do UBND tỉnh Thái Bình phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp-PTNT tổ chức sáng 21/9. Hội nghị được kết nối với 18 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong nước và 4 điểm cầu quốc tế, gồm: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Australia.
Trong số các tỉnh ven biển ở Bắc Trung bộ, Quảng Bình là cái tên sáng giá với lợi thế du lịch phong phú, hấp dẫn, tạo lực hút mạnh mẽ cho bất động sản nơi đây.
(QBĐT) - Đến thời điểm hiện tại, Sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) Quảng Bình đã thu hút hầu hết các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh các sản phẩm chủ lực của tỉnh đăng ký thành viên tham gia với hàng trăm sản phẩm được đăng tải, quảng bá. Với các DN, đây chính là kênh kết nối quan trọng nhằm giới thiệu các sản phẩm chủ lực của địa phương tiếp cận được lượng lớn khách hàng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh.