Quảng bá, xúc tiến du lịch điểm đến 5 địa phương miền Trung tại các tỉnh Tây Nguyên
06:08, 05/08/2022
(QBĐT) - Chiều nay, 5/8, tại TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), Sở Du lịch, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam tổ chức hội nghị quảng bá, xúc tiến du lịch điểm đến 5 địa phương tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên.
Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình và lãnh đạo Sở Du lịch, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch cùng 120 đại biểu là các doanh nghiệp du lịch các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và 5 tỉnh miền Trung.
Toàn cảnh hội nghị.
5 tỉnh, thành phố miền Trung (gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam) là một trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất châu Á (do Lonely Planet vinh danh năm 2019) và trở thành hành trình không thể thiếu của khách du lịch trong nước và quốc tế.
Du lịch 5 tỉnh miền Trung đã tăng trưởng ấn tượng, vươn lên trở thành một trong những điểm sáng của du lịch Việt Nam và khu vực châu Á với khoảng 20-25 triệu khách du lịch/năm trong giai đoạn 2016-2019.
Đại diện ngành Du lịch các địa phương tham dự hội nghị.
Với lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, kho tàng văn hóa đặc sắc, các tỉnh khu vực Tây Nguyên (gồm: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng) đã phát triển hệ thống các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế với nhiều điểm đến. Nổi bật, như: Buôn Ma Thuột, Đà Lạt, Măng Đen, Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông, Pleiku…
Tại hội nghị, các Sở Du lịch, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố đã giới thiệu về du lịch của các địa phương; trao đổi, thảo luận về việc phát triển sản phẩm du lịch kết nối giữa các địa phương miền Trung và vùng Tây Nguyên cho khách du lịch nội địa và quốc tế.
Ông Đặng Đông Hà, Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình phát biểu tại hội nghị.
Để khai thác, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và xây dựng, khẳng định thương hiệu, tạo lập không gian du lịch thống nhất cùng nhau phát triển, tại hội nghị đã diễn ra lễ ký kết thỏa thuận hợp tác, phát triển du lịch giữa 5 địa phương miền Trung với các tỉnh khu vực Tây Nguyên, giai đoạn 2022-2026.
Theo đó, các tỉnh, thành phố sẽ thường xuyên trao đổi thông tin về tình hình hoạt động du lịch giữa các địa phương; chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước về du lịch; tổ chức các chương trình khảo sát, học hỏi kinh nghiệm; phối hợp, liên kết các cơ sở đào tạo nghề du lịch trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; hợp tác phát triển sản phẩm du lịch và hợp tác quảng bá, xúc tiến du lịch.
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác, phát triển du lịch giữa 5 địa phương miền Trung với các tỉnh khu vực Tây Nguyên, giai đoạn 2022-2026.
Hội nghị lần này là dịp quảng bá hình ảnh “Miền di sản diệu kỳ”, giới thiệu các các sản phẩm du lịch và chương trình kích cầu của của 5 địa phương miền Trung đến các công ty du lịch, lữ hành khu vực Tây Nguyên.
Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hợp tác phát triển sản phẩm du lịch, tăng cường kết nối giữa 2 khu vực động lực phát triển du lịch của cả nước, từ đó, góp phần phục hồi, tăng trưởng và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
(QBĐT) - Ngày 5/8/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025, do đồng chí Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chủ trì hội nghị.
(QBĐT) - Sáng nay, 5/8, tại TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), đoàn công tác tỉnh Quảng Bình do đồng chí Hồ An Phong, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Đắk Lắk về hợp tác, phát triển du lịch giữa 2 địa phương.
(QBĐT) - Trở lại với núi rừng Trường Sơn, chúng tôi lên thăm bản Ông Tú, xã Trọng Hóa (Minh Hóa). So với 10 năm trước, bản Ông Tú giờ đã đổi thay nhiều. Cây cầu treo trị giá gần 10 tỷ đồng nối đôi bờ thượng nguồn sông Gianh, giúp học sinh và người dân tiện qua lại. Đường giao thông thuận lợi, đời sống người dân dần được nâng cao và điều đặc biệt là cánh rừng nguyên sinh có nhiều gỗ quý của bản không những được giữ nguyên mà còn phát triển hơn trước.