Xăng dầu tăng giá, ngư dân "lao đao"

  • 08:07, 08/07/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Không chỉ xăng, dầu tăng giá kéo theo các chi phí hậu cần tăng mà tình trạng thiếu lao động, giá hải sản xuống thấp, nguồn thủy sản khan hiếm… khiến cho nhiều tàu cá ở Quảng Bình thời gian qua phải chấp nhận nằm bờ dù đang vào vụ đánh bắt chính.
 
Ghi nhận tại xã Cảnh Dương (Quảng Trạch), dù đang mùa đánh bắt chính, thời tiết rất thuận lợi nhưng bến cảng chật kín tàu thuyền neo đậu. Ông Đồng Minh Quang, Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương cho biết: Địa phương có khoảng 590 tàu cá các loại, trong đó có 180 tàu cá đánh bắt xa bờ, mỗi năm sản lượng khai thác khoảng 3.500 tấn. Do nhiều lý do nên hiện đang có đến 60% tàu cá nằm bờ. Số còn lại vẫn cố gắng ra khơi nhưng với tình hình giá xăng dầu không giảm sâu thì có lẽ thời gian tới số tàu này cũng phải neo bờ.
 
Theo các ngư dân nơi đây, từ Tết Nguyên đán đến nay, giá nhiên liệu, vật tư tăng cao khiến tổng chi phí mỗi chuyến biển tăng gấp đôi bình thường. Không chỉ giá xăng tăng mà giá thu mua hải sản cũng xuống thấp. Tàu xa bờ của địa phương chủ yếu là khai thác cá hố xuất khẩu nhưng giá cá hố những năm trước dao động từ 120-150.000 đồng/kg, nay xuống còn 50.000/kg nên thu không đủ bù chi. Mong muốn của ngư dân hiện nay là nhà nước bình ổn giá xăng dầu, ngư dân được hỗ trợ nhiên liệu, vay vốn, khoanh nợ, giảm lãi, đặc biệt là các ngành chức năng cần tạo điều kiện trong việc xúc tiến thương mại xuất khẩu hải sản để nâng giá sản phẩm, giúp ngư dân tiếp tục ra khơi, bám biển.
 
Anh Trương Minh Tuấn, thôn Trung Vũ, xã Cảnh Dương, chủ một tàu cá xa bờ cho biết: Xăng dầu tăng trong khi ngư trường ngày càng cạn kiệt, sản lượng hải sản đánh bắt không đạt hiệu quả, giá cả sản phẩm thấp, ra khơi toàn thua lỗ hoặc hòa vốn nên tàu tôi đã nằm bờ hơn 2 tháng. Tàu nằm bờ, không hoạt động thì sâu hà ăn mục tàu; động cơ không nổ, nắng gió, không bảo dưỡng thì tàu sẽ nhanh hư hỏng, xuống cấp nhưng ra khơi cầm chắc lỗ nên cũng phải chấp nhận nằm bờ. 
 Mặc dù đang vào vụ đánh bắt chính nhưng khoảng 60% tàu cá ở xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) vẫn nằm bờ.
Mặc dù đang vào vụ đánh bắt chính nhưng khoảng 60% tàu cá ở xã Cảnh Dương (Quảng Trạch) vẫn nằm bờ.
Xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) là một trong những địa phương có lượng lớn tàu thuyền đánh bắt hải sản. Hiện toàn xã có 432 tàu, trong đó có 193 tàu đánh bắt xa bờ, giá xăng leo thang nên tàu cá nằm bờ của ngư dân khoảng 15-20%.
 
Được biết, lượng tàu nằm bờ của địa phương ít là do những năm gần đây, khoảng 50% tàu đánh bắt xa bờ của địa phương chuyển từ nghề lưới sang nghề rập ghẹ, mặc dù thu nhập giảm sâu nhưng chưa đến mức lỗ nên bà con vẫn tiếp tục vươn khơi, bám biển. Mặt khác, xã Bảo Ninh có hơn 10 tàu thu mua hải sản, trung chuyển vật tư, hậu cần cho tàu xa bờ nên giảm được phần nào chi phí nhiên liệu vào bờ của ngư dân. Còn các tàu cá gần bờ thì vẫn tiếp tục đánh bắt, dù thu nhập giảm nhiều nhưng đây là công việc mưu sinh hàng ngày của bà con nên không thể nghỉ.
 
Không chỉ tàu đánh bắt xa bờ mà đội tàu đánh bắt gần bờ, đi về trong ngày cũng không mặn mà ra khơi thời điểm này. Ông Tô Hồng Phương, thôn Hạ Thôn, xã Bảo Ninh cho biết: "Tôi thường ra khơi từ 2 giờ chiều, đến 4 giờ sáng trở về cảng. Nếu như trước đây, chi phí mỗi chuyến từ 1,5-2 triệu đồng tiền dầu thì nay đã trên 3 triệu đồng. Đánh bắt gần bờ hải sản ít, giá trị không cao, thu nhập không được bao nhiêu nên thuyền của gia đình ngày làm ngày nghỉ, không làm liên tục như trước đây".
 
Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Hiện tỉnh ta chưa có chính sách hỗ trợ mà đang đề nghị Bộ Công thương xem xét sớm có giải pháp bình ổn lại giá xăng dầu; đốc thúc các sở, ngành liên quan thực hiện các chính sách hỗ trợ ngư dân; đặc biệt là đẩy mạnh thực hiện Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg, ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa; kết nối với các đơn vị, ngân hàng để hỗ trợ vay vốn, giãn thời gian đóng các khoản lãi, nợ để đồng hành cùng bà con ngư dân trong thời điểm khó khăn này.
 
"Quảng Bình hiện có 6.792 phương tiện khai thác thủy sản, trong đó có 1.207 tàu đánh bắt xa bờ, còn lại là tàu vùng lộng và gần bờ. Hiện tàu nằm bờ có khoảng 40-50%. Thời gian qua, Chi cục Thủy sản cũng đã khuyến cáo ngư dân kết hợp khai thác với hậu cần nghề cá để trung chuyển cá, vật tư khai thác, kéo dài cho mỗi chuyến biển để giảm chi phí, tăng lợi nhuận; tích cực phối hợp với các địa phương ven biển tuyên truyền, động viên ngư dân cố gắng khắc phục khó khăn, tiếp tục vươn khơi, bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia…", ông Lê Ngọc Linh cho biết thêm.
 
Thanh Hoa

tin liên quan

Khai mạc hội chợ Thương mại khu vực Bắc Trung bộ - Quảng Bình 2022
Khai mạc hội chợ Thương mại khu vực Bắc Trung bộ - Quảng Bình 2022

(QBĐT) - Chiều nay, 8/7, tại TP. Đồng Hới, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (KC-XTTM), Sở Công thương tổ chức khai mạc hội chợ Thương mại khu vực Bắc Trung bộ - Quảng Bình 2022.

Đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đường ven biển
Đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đường ven biển

(QBĐT) - Dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3 tỉnh Quảng Bình được các cấp, ngành, địa phương quyết liệt triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đến nay, Dự án thành phần 1-Đường ven biển đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc có thể làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Giữ xanh rừng ven biển
Giữ xanh rừng ven biển

(QBĐT) - Quảng Bình có hơn 116km bờ biển với tiềm năng và thế mạnh riêng có nhưng cũng đặt ra cho địa phương nhiều thách thức, khó khăn trong công tác bảo vệ môi trường, chống cát bay, cát chảy, biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai ở vùng ven biển. Và một trong những giải pháp hết sức quan trọng, căn cơ phải kể đến, đó là giữ xanh cho được những diện tích rừng ven biển.