(QBĐT) - Tin từ Phòng NN và PTNT huyện Minh Hóa cho biết, tính đến ngày 9/7, nông dân trên địa bàn huyện Minh Hóa thực hiện gieo trồng được khoảng 95% diện tích lúa hè-thu năm 2022 (kế hoạch đề ra trên 470 ha).
Hiện nay, cây lúa ở trà đầu, trà chính vụ đang giai đoạn bắt đầu đẻ nhánh, trà sau trong giai đoạn dặm tỉa cây, sinh trưởng tốt. Tuy nhiên, nhiều diện tích lúa hè-thu xuất hiện sâu bệnh gây hại cho lúa…
Cụ thể, có 4,5ha bị chuột phá hoại, 19ha bị ốc bươu vàng tấn công, 8ha bị nhiễm rầy lưng trắng, 7ha bị tuyến trùng hại rễ lúa.
![]() |
Đặc biệt, toàn huyện có 7 ha lúa hè-thu bị nhiễm sâu keo và đang có chiều hướng lây lan nhanh, đe dọa lớn đến năng suất, chất lượng mùa vụ.
Qua kiểm tra của Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp (DVNN) huyện Minh Hóa cho thấy, mật độ sâu keo phổ biến từ 2-3con/m2, nơi cao từ 10-15con/m2; sâu phát sinh và gây hại nhiều ở các xã, như: Minh Hóa, Tân Hóa, Hóa Hợp, Xuân Hóa, thị trấn Quy Đạt…
Nhằm giúp các địa phương chủ động trong công tác điều tra, phát hiện và triển khai phòng trừ, hạn chế khả năng phát sinh gây hại của sâu keo, Trung tâm DVNN huyện kịp thời ban hành công văn hướng dẫn các biện pháp phòng trừ sâu keo hại lúa.
Theo đó, đối với biện pháp hóa học: Dùng 10g Dylan 10WG + 20g sát trùng đan pha với 15-20 lít nước phun cho 1 sào (500m2); dung thuốc Clever 150SC với liều lượng 12ml thuốc pha với 20 lít nước phun cho 1 sào; dùng thuốc Obaone 95WG với liều lượng 1 gói 15g/bình pha với 15-20 lít nước phun cho 1 sào...
Trung tâm DVNN huyện cũng đưa ra khuyến cáo đối với bà con nông dân: Sâu keo có tính kháng thuốc cao, vì vậy, bà con nên sử dụng luân phiên các loại thuốc như hướng dẫn và phòng trừ khi sâu tuổi -3 mới đạt hiệu quả cao.
Văn Minh