(QBĐT) - Hưởng ứng cuộc vận động (CVĐ) “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thời gian qua, Sở Công thương đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm đưa sản phẩm Việt đến tay người tiêu dùng trong tỉnh, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Để đưa CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đi vào cuộc sống, thời gian qua, Sở Công thương đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị-xã hội trong tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung của CVĐ.
Năm 2021, Sở Công thương đã đăng hơn 200 tin, bài viết trên sàn giao dịch thương mại điện tử Quảng Bình và trang thông tin điện tử của sở; phối hợp với Báo Quảng Bình, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh thực hiện các chuyên trang, chuyên mục có nội dung liên quan đến CVĐ, các thông tin hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân. Qua đó, góp phần làm chuyển biến nhận thức, hành động của các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân trong việc ưu tiên lựa chọn những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ là hàng Việt Nam.
![]() |
Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, Sở Công thương còn chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh mở rộng sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, sở cũng đã phát huy vai trò quản lý nhà nước,ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, phối hợp với các sở, ban, ngành, các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp đẩy mạnh thực hiện CVĐ trong tình hình mới; thường xuyên cập nhật thông tin giá cả thị trường; tăng cường quản lý hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các doanh nghiệp xây dựng danh mục sản phẩm được sản xuất trong tỉnh, hàng hóa Việt đang lưu thông trên địa bàn; hưởng ứng chương trình nhận diện hàng Việt, đưa hàng Việt về nông thôn…
Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại (XTTM) hướng về thị trường nội địa cũng được sở chú trọng triển khai. Cụ thể, sở đã hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia 16 gian hàng tại hội chợ xuân Tân Sửu Quảng Bình năm 2021; đầu tư cho 8 cửa hàng tiện ích bán hàng Việt và 1 doanh nghiệp đầu mối; xuất bản ấn phẩm quảng bá sản phẩm công nghiệp nông thôn tỉnh Quảng Bình; giúp các doanh nghiệp tham gia các hoạt động XTTM thường niên trực tiếp và trực tuyến tại các tỉnh, thành phố trong nước …
Đặc biệt, sở đã tổ chức thành công hội nghị kết nối giao thương trực tuyến Quảng Bình năm 2021 với gần 70 sản phẩm của hơn 30 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia. 52 thỏa thuận đã được kết nối thành công giữa các doanh nghiệp tỉnh Quảng Bình với các doanh nghiệp và sàn giao dịch thương mại điện tử của 5 tỉnh, thành phố trên cả nước, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Những hoạt động đó đã góp phần giúp các doanh nghiệp tiếp cận, tìm hiểu thị trường, nhu cầu, tâm lý mua sắm, giá cả hàng hóa để từng bước xây dựng kênh phân phối, mở rộng thị trường, tạo dựng uy tín với người tiêu dùng, đặc biệt là khu vực nông thôn. Đồng thời, giúp người dân có cơ hội mua sắm, sử dụng những sản phẩm hàng Việt Nam chính hiệu với chất lượng tốt, giá cả phải chăng, phù hợp với thu nhập của mình.
Đồng hành với việc chỉ đạo hướng dẫn các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, Sở Công thương cũng đã phối hợp với Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường; tập trung kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về kinh doanh hàng giả, vi phạm trong lĩnh vực giá, đo lường chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, kinh doanh vàng bạc, xăng dầu, gas trong thời điểm có sự biến động về giá; tăng cường công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại, góp phần làm lành mạnh thị trường, ổn định giá cả hàng hóa, tạo điều kiện cho hàng Việt có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Ông Phan Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Để tiếp tục triển khai hiệu quả CVĐ, trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của cộng đồng trong mua sắm công cũng như trong tiêu dùng cá nhân.
Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, hội chợ, triển lãm… nhằm kích cầu tiêu dùng của người dân toàn tỉnh. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nguồn vốn xã hội hóa xây dựng, phát triển mạng lưới phân phối hàng Việt ở khu vực nông thôn.
Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành trong công tác quản lý, chấn chỉnh các hoạt động quản lý thị trường, hải quan, thuế; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, hàng lậu, hàng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Lồng ghép nội dung của CVĐ vào các phong trào thi đua để chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả…
Hiện, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Việc tích cực tuyên truyền và hưởng ứng CVĐ "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" cũng là cách để hỗ trợ người tiêu dùng, các doanh nghiệp ứng phó với đại dịch Covid-19.
Nhằm kích cầu tiêu dùng thị trường trong nước, phục hồi sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, thời gian qua, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi nhằm đưa đến cho người tiêu dùng nhiều sản phẩm hàng hóa bảo đảm chất lượng, trong đó có nhiều sản phẩm là hàng Việt chất lượng cao, giá cả phù hợp. Năm 2021, Sở Công thương đã tiếp nhận và theo dõi thông báo thực hiện khuyến mại của 11.373 doanh nghiệp với tổng trị giá hàng hóa doanh nghiệp thông báo thực hiện khuyến mại là 32.359 tỷ đồng. |
Thanh Hoa