(QBĐT) - Thời gian trước đây, tình trạng khai thác gỗ rừng, phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn TP. Đồng Hới đã làm cho diện tích rừng phòng hộ ngày càng nghèo kiệt. Trước thực trạng này, Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) TP. Đồng Hới đã tập trung trồng rừng thay thế (RTT) bằng các loài cây bản địa. Đến nay, rừng cây này đã phát triển xanh tốt, giúp cho rừng nâng cao khả năng phòng hộ, tái sinh, phục hồi, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu…
Mới đây, chúng tôi đã có dịp theo cán bộ BQLRPH TP. Đồng Hới vào thăm khu rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Phú Vinh. Nơi đây có trên 3.100ha rừng phân bố trên địa bàn̉ xã Thuận Đức và phường Đồng Sơn (TP. Đồng Hới), trong đó, có 216ha rừng cây bản địa, gồm: Lim xanh, dổi, huỵnh từ 1-5 tuổi đang phát triển xanh tốt. Từ Quốc lộ 9E đoạn qua thị trấn Nông trường Việt Trung (Bố Trạch), chúng tôi phải đi xe máy và cuốc bộ gần 1 giờ đồng hồ, đi qua hàng chục ngọn đồi, khe suối mới đến vị trí trồng rừng.
Trước năm 2007, khu rừng này do Công ty TNHH MTV Lâm công nghiệp Long Đại quản lý. Sau quá trình khai thác và sản xuất, đơn vị đã bàn giao lại cho BQLRPH TP. Đồng Hới quản lý, bảo vệ.
Anh Đặng Văn Khánh, cán bộ kỹ thuật của BQLRPH Đồng Hới cho hay: “Để RTT bằng cây bản địa phát triển tốt cần phải được chăm sóc 5 năm và bảo vệ lâu dài. Do vậy, sau khi trồng một thời gian, chúng tôi phải đi kiểm tra thật kỹ, nếu cây nào chết thì phải trồng lại ngay. Qua một năm, đơn vị phải huy động lực lượng, thuê thêm người dân vào vun xới gốc, dọn thực bì xung quanh để cây phát triển. Công việc này được làm ít nhất mỗi năm 2 lần và kéo dài 3 năm. Khi cây phát triển ổn định, cạnh tranh được chất dinh dưỡng, ánh sáng với những cây xung quanh thì không phải vun gốc nữa mà chỉ phát thực bì. Nhờ được trồng, chăm sóc, bảo vệ tốt nên tỷ lệ cây sống và phát triển đạt trên 90%”.
Khi rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Phú Vinh xanh trở lại, công tác bảo vệ cũng gặp không ít khó khăn, vất vả so với việc trồng và chăm sóc. Bởi rừng do đơn vị quản lý gần các khu dân cư nên việc người dân vào rừng, chăn thả gia súc diễn ra thường xuyên.
Anh Hoàng Văn Nam, Trạm trưởng Trạm bảo vệ rừng số 1 thuộc BQLRPH TP. Đồng Hới chia sẻ: “Để bảo vệ rừng phòng hộ, hàng ngày, chúng tôi phải tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát toàn bộ khu rừng, trong đó tập trung những nơi có diện tích RTT bằng cây bản địa. Ngoài ra, đơn vị còn làm hàng rào, đào hào để gia súc không thể vào rừng; đặt các biển báo cấm lửa, cấm thả gia súc và phá rừng trái phép để tuyên truyền, nhắc nhở người dân. Về mùa nắng nóng, trạm cắt cử lực lượng thường xuyên vào rừng, thậm chí ngủ lại để canh lửa, nhắc nhở người dân không dùng lửa trong rừng”.
Ông Nguyễn Văn Duẫn, Phó chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm đánh giá: “Mặc dù trong điều kiện hết sức khó khăn, vất vả song cán bộ, nhân viên BQLRPH TP. Đồng Hới đã có nhiều nỗ lực, nhất là trong công tác bảo vệ, phát triển, phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Phú Vinh. Qua đó, góp phần giúp phủ xanh đất trống đồi trọc, hạn chế tình trạng sạt lở, cải thiện môi trường, bảo đảm nguồn nước sản xuất, sinh hoạt, điều tiết lũ trên địa bàn, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương…".
(QBĐT) - Hàng trăm hộ nông dân ở xã Trường Thủy (Lệ Thủy) chạy theo phong trào trồng cây dó bầu tạo trầm hương với hy vọng thu tiền tỷ sau nhiều năm trồng và chăm sóc. Bỏ công sức, tiền bạc để nuôi giấc mộng thành tỷ phú trầm hương nhưng nhiều người đã vỡ mộng...
(QBĐT) - Hưởng ứng cuộc vận động (CVĐ) "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", thời gian qua, Sở Công thương đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm đưa sản phẩm Việt đến tay người tiêu dùng trong tỉnh, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
(QBĐT) - Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, trên địa bàn huyện Lệ Thủy đã xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, vươn lên làm giàu chính đáng. Ông Lê Hồng Sáu (SN 1974), thôn Mai Hạ, xã Xuân Thủy là một trong những tấm gương sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương với mô hình mộc dân dụng kết hợp nuôi chim yến thương phẩm và trồng sen lấy hạt theo chuỗi.