Bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất

  • 07:03, 15/03/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Thời điểm này, bà con nông dân trong toàn tỉnh đang tập trung chăm sóc cây trồng vụ đông-xuân2021-2022. Để cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, ngành Nông nghiệp và các địa phương đã chủ động các phương án tu sửa công trình thủy lợi, nạo vét kênh mương nội đồng, điều tiết nước hợp lý… nhằm bảo đảm đủ nguồn nước phục vụ sản xuất.
 
Vụ đông-xuân 2021-2022, toàn tỉnh gieo trồng hơn 29.467ha lúa, 3.893ha ngô, 3.269ha lạc, 2.175ha khoai, 6.345ha sắn, 3.459ha rau các loại… Việc bảo đảm nguồn nước tưới có ý nghĩa rất lớn để nâng cao năng suất và sản lượng lương thực.
 
Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình được giao quản lý 32 hồ chứa, 3 đập dâng và đập ngăn mặn giữ ngọt Mỹ Trung, phục vụ tưới tiêu, cấp nước cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, đơn vị được giao phục vụ tưới tiêu cho hơn 31.233ha lúa, trong đó, hơn 16.327ha lúa vụ đông-xuân và hơn 14.906ha lúa vụ hè-thu.
Cây lúa phát triển tốt, hứa hẹn một vụ mùa bội thu.
Cây lúa phát triển tốt, hứa hẹn một vụ mùa bội thu.
Ông Hoàng Kim Đại, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Quảng Bình cho biết, ngay sau khi kết thúc mùa mưa lũ năm 2021, công ty đã tiến hành tu sửa, nâng cấp hệ thống các công trình thủy lợi để chủ động nguồn nước tưới phục vụ bà con nông dân sản xuất.
 
Trong quá trình cấp nước phục vụ sản xuất, công ty đã chỉ đạo các chi nhánh phối hợp tốt với chính quyền địa phương để điều tiết nước, cấp nước theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây trồng; chỉ đạo các đơn vị thủy nông cử cán bộ thay nhau trực 24/24 giờ tại đầu mối công trình để vận hành máy bơm, phục vụ sản xuất.
 
Công ty cũng đã chỉ đạo các chi nhánh xây dựng phương án tưới tiết kiệm cho từng công trình, từng cụm, từng tuyến kênh; thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch dùng nước. Vận động bà con nông dân sử dụng nước tiết kiệm, áp dụng các biện pháp tưới hợp lý, khoa học, dành nước cho sản xuất vụ hè-thu.
 
Đối với địa phương có diện tích cây trồng lớn như huyện Quảng Ninh, việc điều tiết nguồn nước phục vụ tưới tiêu được đặc biệt chú trọng. Chi nhánh Thủy nông Quảng Ninh đã chủ động các biện pháp để bảo đảm nguồn nước cho gần 6.000ha lúa trên địa bàn.
 
Ông Nguyễn Thanh Phùng, Trưởng chi nhánh Thủy nông Quảng Ninh cho biết, chi nhánh quản lý 4 công trình hồ chứa, 2 đập dâng, 2 trạm bơm và hơn 50km hệ thống kênh chính và kênh cấp 1. Ngay từ đầu vụ đông-xuân, chi nhánh đã cử cán bộ, công nhân viên trực ở các điểm đầu mối, trạm bơm, cuối nguồn vận hành để điều tiết nước, bảo đảm tưới tiêu.
 
Đơn vị cũng đã tu sửa hệ thống máy bơm, sửa chữa máy trạm biến áp để bảo đảm phục vụ tốt sản xuất vụ đông-xuân, không để xảy ra tình trạng thiếu nước sản xuất. Lúa đẻ nhánh là giai đoạn cây lúa cần nước nhất, chi nhánh đã tiến hành xả bơm nước theo từng thời điểm cụ thể, có báo trước để người dân tiện lấy nước vào đồng. Hiện tại, diện tích lúa đông-xuân trên địa bàn huyện Quảng Ninh luôn đủ nước, sinh trưởng và phát triển tốt.
 
Ngay từ đầu vụ đông-xuân 2021-2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp; đầu tư sửa chữa, phục hồi các công trình thủy lợi bị ảnh hưởng do mưa, lũ trong năm 2021; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi để nâng cao năng lực khai thác nguồn nước, phục vụ sản xuất. Các đơn vị, địa phương thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, có kế hoạch phân phối nước hợp lý, tưới tiết kiệm từ đầu vụ và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt để bảo đảm cung cấp đủ cho mùa khô năm 2022.
 
Các địa phương chủ động nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn, trữ ngọt trong hệ thống kênh mương, đào ao trữ nước, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến để tận dụng tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí nước; thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng.
 
Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương chủ động sử dụng kinh phí từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn hợp pháp khác để tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp; phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn hiệu quả.
 
Ông Trần Xuân Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho hay, đơn vị thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin thời tiết, khí tượng, thủy văn để chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý, sử dụng nước; vận động người dân áp dụng các biện pháp canh tác mới như: Cấy lúa theo phương pháp canh tác lúa cải tiến, tưới tiết kiệm…; lập kế hoạch tích nước hợp lý vừa bảo đảm an toàn công trình vừa tích nước tối đa; quản lý chặt chẽ nguồn nước, duy tu bảo dưỡng và sửa chữa các công trình thủy lợi, chống rò rỉ, giảm thiểu thất thoát nước; lập kế hoạch dùng nước, lịch tưới, mức tưới của từng đợt theo các thời kỳ sinh trưởng của cây trồng.
 
Toàn tỉnh hiện có 153 hồ chứa nước, 193 đập dâng, 299 trạm bơm, 2.325km kênh mương nội đồng. Các công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng bảo đảm tưới chủ động cho hơn 31.000ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi và phục vụ nhu cầu dân sinh. Đến thời điểm hiện tại, các hồ chứa nước trên địa bàn cơ bản bảo đảm mực nước trên 80%, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất vụ đông-xuân.
Lan Chi

tin liên quan

Tháo gỡ vướng mắc cho các dự án điện
Tháo gỡ vướng mắc cho các dự án điện

(QBĐT) - Chiều ngày 15/3, đồng chí Phan Mạnh Hùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi họp bàn phương án giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án điện đầu tư trên địa bàn. 

Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới
Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới

(QBĐT) - Hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng (NTD) Việt Nam (15/3), tỉnh Quảng Bình đã có nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý phục vụ NTD.

Du lịch Quảng Bình: Sẵn sàng đón khách quốc tế
Du lịch Quảng Bình: Sẵn sàng đón khách quốc tế

(QBĐT) - Chỉnh trang hạ tầng, đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo lại nguồn nhân lực, các doanh nghiệp du lịch Quảng Bình đang "xốc" tinh thần để đón đợi du lịch mở cửa sau hơn hai năm "đóng băng" vì dịch Covid-19.