Tín hiệu vui từ sản xuất công nghiệp

  • 07:02, 22/02/2022
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chỉ số sản xuất (SX) công nghiệp (CN) toàn tỉnh tháng 1/2022 tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành CN SX và phân phối điện tăng 26,3%, CN chế biến chế tạo tăng 15,2%, cung cấp nước, quản lý rác thải, nước thải tăng 8% và ngành CN khai khoáng tăng 6,1%. Đây là tín hiệu rất đáng mừng trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh.
 
Theo ông Phạm Quang Hải, Giám đốc Sở Công thương, mặc dù các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực CN gặp rất nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nhưng nhờ sự hỗ trợ của tỉnh và các chương trình khuyến công quốc gia, chỉ số SX CN tháng 1/2022 vẫn đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất trong hơn 10 năm qua.
 
Đáng chú ý, một số nhóm ngành có tốc độ tăng trưởng khá, như: SX và phân phối điện (tăng 26,3%), SX vật liệu xây dựng (tăng 22%), chế biến thực phẩm (tăng 20,2%), SX trang phục (tăng 13,8%), SX hóa chất và sản phẩm hóa chất (tăng 10,6%); khai thác quặng kim loại (tăng 9,1%), khai thác xử lý và cung cấp nước (tăng 8,7%). Tuy nhiên, một số ngành có chỉ số SX tăng thấp, thậm chí giảm so với cùng kỳ năm trước do khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, như: SX sản phẩm từ cao su và plastic (tăng 1,8%); SX da và các sản phẩm có liên quan (tăng 1,7%); SX đồ uống (giảm 10,4%).
 
Số liệu tổng hợp từ Sở Công thương cho thấy, trong tháng 1/2022, hầu hết sản phẩm CN chủ yếu đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, 21/24 sản phẩm CN chủ yếu của tỉnh có tăng trưởng so với cùng kỳ và 3 sản phẩm giảm tăng trưởng (tinh bột sắn giảm 30,7%, cao lanh giảm 12%, nước khoáng có ga giảm 10,4%).
 
Một số sản phẩm tăng trưởng khá, như: Điện SX đạt 48,8 triệu kWh, tăng 756,1% (trong đó, thủy điện đạt 3,1 triệu KWh, tăng 34,8%; điện mặt trời đạt 3,7 triệu KWh, tăng 8,8% và điện gió đạt 42 triệu KWh); cá đông lạnh SX đạt 227 tấn, tăng 312,7%; ván ép từ gỗ đạt 11.666m3, tăng 91,2%; gỗ xẻ được xử lý, bảo quản đạt 828m3, tăng 72,9%; cao su tổng hợp và cao su tự nhiên sản xuất đạt 57 tấn, tăng 54,1%; gạch xây dựng bằng đất nung đạt 37.659 nghìn viên, tăng 23,3%; xi măng và clinker đạt 495.568 tấn, tăng 20,0% (trong đó xi măng đạt 164.478 tấn, tăng 27,5%; clinker thành phẩm đạt 331.090 tấn, tăng 16,6%)...
Mặt hàng gỗ ván ép được các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất ngay từ những ngày đầu năm mới.
Mặt hàng gỗ ván ép được các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất ngay từ những ngày đầu năm mới.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện một số lĩnh vực, như: SX điện, nước, trang phục, thực phẩm, phân bón, xi măng và clinker, sản xuất gỗ ván ép đang phục hồi nhanh và có tăng trưởng khá. Riêng lĩnh vực SX trang phục và gỗ ván ép, hầu hết các DN đã có đơn hàng SX đến tháng 6 và 9/2022. Tuy nhiên, một số lĩnh vực vẫn đang gặp khó khăn như: SX dăm gỗ, cao lanh, tinh bột sắn…
 
Tại Xí nghiệp May xuất khẩu Hà Quảng, hoạt động SX đang trở lại bình thường. Đại diện xí nghiệp cho biết, hiện có 1.204 lao động đang làm việc, tăng 200 lao động so với năm 2021. Hiện, nhà máy đang SX ổn định và có đơn hàng đến tháng 9/2022. Để mở rộng quy mô SX với khoảng 2.000 lao động trong năm 2022, các dây chuyền máy móc, thiết bị đã được đơn vị cho lắp đặt thi công, sẵn sàng vận hành.
 
Công ty May Thăng Long cũng đã nhanh chóng hoạt động ổn định trở lại ngay sau Tết Nguyên đán với hơn 1.400 lao động đang làm việc, tăng 250 lao động so với năm 2021. Hiện DN này đang SX ổn định và đã có đơn hàng đến tháng 9/2022.
 
Mặc dù hầu hết các DN đều đã có đơn hàng SX đến hết quý II và quý III/2022, tuy nhiên hoạt động xuất khẩu vẫn gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ông Hồ Nhật Bình, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công thương cho biết, chi phí SX tăng cao, đặc biệt là giá xăng dầu, chi phí nguyên liệu đầu vào… nên DN kinh doanh không có lãi hoặc lãi thấp. Để khắc phục khó khăn này, các DN SX gỗ ván ép xuất khẩu đã điều chỉnh lại kế hoạch tiêu thụ sản phẩm trong năm 2022 bằng cách xuất khẩu ủy thác thông qua đơn vị trung gian, SX phục vụ nhu cầu trong nước hoặc khống chế sản lượng xuất khẩu trực tiếp chỉ chiếm khoảng 30%.
 
Cũng theo ông Hồ Nhật Bình, phần lớn DN SX công nghiệp có sử dụng nhiều lao động hiện nay đang thiếu lao động, đặc biệt là các DN SX trang phục và gỗ ván ép. Vì thế, công suất hoạt động chỉ ở khoảng 60-70%. Các DN chế biến gỗ, sản phẩm từ gỗ đang thiếu vốn SX, kinh doanh và khó tiếp cận vốn vay thương mại. Điều này đúng thực tế bởi điều kiện vay của ngân hàng yêu cầu phải có tài sản thế chấp, bảo lãnh... Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu thường xuyên biến động, nhiều DN xuất, nhập khẩu bị cắt giảm đơn hàng hoặc từ chối đơn hàng, việc nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ SX gặp khó khăn. Đặc biệt, xuất khẩu tinh bột sắn hiện nay đang gặp nhiều khó khăn do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc hạn chế, gần 8.500 tấn tinh bột sắn tồn kho vẫn chưa tiêu thụ được...
 
Để bảo đảm hiệu quả SX, kinh doanh, hầu hết các DN trên địa bàn tỉnh đang kiến nghị tỉnh sớm có chủ trương cho xây dựng khu nhà ở cho công nhân và nhà trẻ; hỗ trợ DN tuyển dụng, thu hút lao động vào làm việc; có cơ chế, chính sách vay ưu đãi để tiếp cận vốn phục vụ SX, kinh doanh; cho phép DN sử dụng các đơn hàng, hợp đồng ký kết để bảo lãnh vay vốn sản xuất, kinh doanh.
 
Nguyễn Hoàng

tin liên quan

Hiệu quả của một đề án
Hiệu quả của một đề án

(QBĐT) - Bằng việc triển khai đồng bộ các giải pháp, sử dụng hiệu quả nguồn vốn, thời gian qua, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp khu vực nông thôn; đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển.

Hơn 790 doanh nghiệp, hộ kinh doanh được gia hạn nộp thuế
Hơn 790 doanh nghiệp, hộ kinh doanh được gia hạn nộp thuế
(QBĐT) - Thông tin từ Cục Thuế tỉnh cho biết, thực hiện Nghị định số 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ, tính đến ngày 31/1/2022, ngành Thuế đã gia hạn nộp thuế cho 790 doanh nghiệp, hộ kinh doanh với tổng số tiền hơn 137,11 tỷ đồng.
 
Có 68% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử
Có 68% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử

(QBĐT) - Thông tin từ Cục Thuế tỉnh cho biết, đến thời điểm hiện tại có 3.346/4.898 doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT), chiếm tỷ lệ 68%.