(QBĐT) - Khép lại năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng ngành Công thương Quảng Bình đã đạt được những kết quả khả quan, góp phần duy trì mức tăng trưởng kinh tế và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp (DN). Để tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm 2022, Sở Công thương đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, thúc đẩy phát triển thương mại nội địa và đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu.
Nỗ lực vượt khó
Ông Phan Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Năm 2021, ngành Công thương đã phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Dẫu vậy, bằng sự nỗ lực cố gắng của các DN, sự chỉ đạo kịp thời với nhiều chủ trương hỗ trợ thiết thực của Chính phủ và của tỉnh, ngành Công thương đã đạt được nhiều kết quả khả quan.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,4% so với năm 2020, công nghiệp khai khoáng tăng 4,2%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,5%; sản xuất và phân phối điện tăng 20,3%... Giá trị sản xuất công nghiệp đạt gần 14 nghìn tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2020. Lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và tăng thu ngân sách địa phương.
Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều địa phương phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ vẫn đạt gần 47.300 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với năm 2020. Trong đó, riêng tổng mức bán lẻ hàng hóa đã đạt hơn 42.200 tỷ đồng.
Cùng với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, công tác xúc tiến đầu tư và triển khai các dự án phát triển công nghiệp, hạ tầng thương mại cũng đã được Sở Công thương đặc biệt quan tâm. Trong năm, Sở đã tham mưu UBND tỉnh nhiều giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án lớn của ngành như: Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I và II, các dự án điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối, các dự án đường dây 500kV, đường dây và trạm biến áp 220kV…
![]() |
Để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực công thương, Sở Công thương đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành Chương trình khuyến công tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021-2025, xây dựng phương án phát triển cụm công nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm ngành Công thương giai đoạn 2021-2025…
Trong công tác quản lý thương mại, Sở Công thương đã chủ động ban hành hơn 40 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, DN với nhiều nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 và bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa, bình ổn thị trường giá cả…
Có thể nói, những kết quả đạt được của ngành Công thương năm 2021 có ý nghĩa quan trọng, góp phần cùng với tỉnh nhà thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế và bảo đảm số thu ngân sách.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022, theo ông Phan Hoài Nam, bên cạnh việc triển khai các giải pháp của Chính phủ, Bộ Công thương và UBND tỉnh, Sở Công thương sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN bằng việc đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo như: Dự án dây chuyền xi măng Văn Hóa, Nhà máy gỗ ván ép Quảng Phát giai đoạn 2; đồng thời, tăng cường xử lý kịp thời vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án sản xuất điện như Dự án Thủy điện La Trọng, Nhà máy chất đốt sinh khối dạng viên nén. Cùng với đó, sở sẽ tăng cường quản lý việc duy trì vận hành phát điện ổn định Cụm trang trại điện gió B&T, Điện mặt trời Dohwa Lệ Thủy…
Cũng trong năm 2022, Sở Công thương sẽ tiếp tục tham mưu thực hiện công tác đầu tư cải tạo, mở rộng nâng cao chất lượng điện năng phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Mặt khác, đơn vị tăng cường phối hợp đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư xây dựng điện lưới quốc gia cho các xã Tân Trạch, Thượng Trạch (Bố Trạch).
Về các giải pháp phát triển thương mại nội địa, ông Phan Hoài Nam cho biết, sở sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để triển khai phương án phân phối, ổn định cung-cầu và lưu thông hàng hóa một cách hợp lý. Để làm được điều này, đơn vị sẽ chủ động nắm bắt thông tin về khả năng cung ứng hàng hóa của các cơ sở sản xuất; đồng thời, mở rộng thị trường nội địa ở cả 3 khu vực thành phố, nông thôn và miền núi; bảo đảm lưu thông hàng hóa nhằm tạo điều kiện tiêu thụ sản phẩm cho người dân.
Việc tăng cường công tác xúc tiến thương mại hỗ trợ các sản phẩm địa phương kết nối tiêu thụ ở thị trường trong nước cũng là nhiệm vụ được Sở Công thương chú trọng trong thời gian tới. Theo đó, sở sẽ chủ động liên hệ với Bộ Công thương, các sở công thương, trung tâm khuyến công và xúc tiến thương mại các tỉnh, thành phố để hỗ trợ cung ứng khi cần thiết.
Mặt khác, đơn vị đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản, hàng hóa sản xuất trong tỉnh trên Sàn giao dịch thương mại của tỉnh; kết nối các kênh bán hàng trực tuyến cho các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu; tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại nhằm bảo vệ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng cho người dân, DN.
“Nhận định năm 2022 sẽ tiếp tục có nhiều khó khăn đối với các DN, người dân do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở Công thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực công nghiệp, thương mại, điện năng… Cùng với đó, chúng tôi sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 để giải quyết nhanh gọn và tạo thuận lợi cho người dân, DN khi giải quyết công việc”, ông Phan Hoài Nam cho biết. |
Nguyễn Hoàng